Tại sao Ấn Độ vừa có thể mua dầu giá rẻ của Nga, vừa làm bạn với Mỹ?
Việc Ấn Độ từ chối lên án động thái của Nga và tiếp tục mua dầu giá rẻ từ Moscow đã khiến Mỹ 'thất vọng', song phương Tây lại không chỉ trích mạnh mẽ New Delhi.
Theo đài CNN, việc Ấn Độ từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine và tiếp tục nhập khẩu dầu giá rẻ từ Moscow đã khiến Mỹ “thất vọng” và cho rằng chính quyền New Delhi “hơi lung lay”.
Tuy nhiên, thái độ của phương Tây đột nhiên thay đổi. Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 11-4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã không ngừng ca ngợi về "mối liên kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước” và "những giá trị được chia sẻ".
Sau đó, vào ngày 22-4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến New Delhi, bàn về quan hệ thương mại và tìm cách giảm thiểu "sự khác biệt" về quan điểm đối với Điện Kremlin.
Tuy nhiên, Ấn Độ về cơ bản vẫn giữ nguyên lập trường về vấn đề Ukraine. Theo hãng tin Reuters, nước này vẫn đang mua dầu giá rẻ của Nga. Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2022, lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga vượt qua tổng lượng nhập khẩu của năm 2021. Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ im lặng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow. Tuy nhiên, phương Tây đã không chỉ trích gay gắt Ấn Độ những động thái này của New Delhi.
Theo CNN, nguyên nhân cho điều này có thể là việc Ấn Độ có vai trò quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc - nước mà Washington coi là “mối đe dọa tiềm tàng” đối với hòa bình thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả Nga.
Tại sao Ấn Độ lại quan trọng đối với Mỹ?
Cả New Delhi và Washington ngày càng lo ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ của Bắc Kinh trên đất liền và trên biển, cũng như ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của họ đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Ông Harsh Pant - GS Quan hệ Quốc tế tại ĐH Hoàng gia London (Anh) - cho biết một phần trong kế hoạch của Washington nhằm đối phó Bắc Kinh là thúc đẩy New Delhi tham gia thích cực hơn trong nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD).
Trong khi đó, Ấn Độ cũng có những lo ngại riêng với Trung Quốc. Hai nước đã xảy ra chanh chấp biên giới trên dãy Himalaya và những cuộc ẩu đã giữa lính hai bên đã gây ra nhiều tổn thất về người cho cả hai bên.
Mối lo ngại chung về Trung Quốc đã được thể hiện rõ sau cuộc họp giữ ông Biden và ông Modi, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách "tái định hình khu vực và hệ thống quốc tế", đồng thời cho biết Mỹ và Ấn Độ đã "xác định các cơ hội mới để mở rộng hợp tác quân sự song phương."
Theo ông Manoj Kewalramani - chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Takshashila (Ấn Độ), đây là dấu hiệu cho thấy dù có sự khác biệt quan điểm về Ukraine, hai nước vẫn “thấu hiểu lập trường của nhau" về các vấn đề liên quan Bắc Kinh.
Theo CNN, điều này cũng giúp lý giải nguyên nhân Washington tiếp tục chỉ trích quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine, những lại im lặng với Ấn Độ.
Nhìn bề ngoài, Ấn Độ và Trung Quốc dường như có cùng quan điểm về cuộc chiến Ukraine. Cả hai nước đều xác định mình là bên tự trung lập, đều kêu gọi hòa bình và đều từ chối lên tiếng chỉ trích Moscow. Bên cạnh đó, cả hai đều có mối quan hệ chiến lược với Nga và không muốn quan hệ song phương bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó chỉ là những tương đồng ngoài mặt, trên thực tế, lập trường của New Delhi và Bắc Kinh có "sự khác biệt lớn".
Theo ông Kewalramani, Trung Quốc đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây và liên tục đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc xung đột, trong khi Ấn Độ tránh chỉ trích NATO và tìm cách giảm nhẹ bất đồng với phương Tây. Quan điểm của Ấn Độ cũng có những thay đổi nhỏ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.
Quan hệ Ấn-Nga phức tạp
Mỹ cũng có thể nhận ra rằng mối quan hệ của Ấn Độ với Nga đã có từ lâu và đi theo một hướng đi rất khác với phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lưu ý rằng mối quan hệ của New delhi và Moscow đã "phát triển trong nhiều thập kỷ, vào thời điểm mà Mỹ chưa trở thành đối tác của Ấn Độ."
Theo CNN, dường như ông Blinken ám chỉ đến Chiến tranh Lạnh, khi Ấn Độ giữ lập trường trung lập, không tham gia cuộc chiến. Tuy nhiên, Ấn Độ bắt đầu nghiêng về Liên Xô vào những năm 1970 khi Mỹ bắt đầu hỗ trợ quân sự và tài chính cho nước láng giềng Pakistan.
Đây là thời điểm Nga bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ấn Độ và New Delhi vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị quân sự Nga cho đến ngày nay.
Vào năm 2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỉ USD với Nga để mua một hệ thống tên lửa phòng không, bất chấp việc thỏa thuận này có nguy cơ vi phạm Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua lệnh cấm vận (CAATSA).
Bên cạnh đó, theo CNN, Moscow vẫn muốn bán dầu giá rẻ cho Ấn Độ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thậm chí đã gặp người đồng cấp ở Delhi trong tháng này và ca ngợi Ấn Độ không nhìn cuộc chiến Ukraine "một cách phiến diện".
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và phương Tây cũng ngày càng khăng khít hơn kể từ khi ông Modi đắc cử vào năm 2014. Thương mại hàng năm giữa Ấn Độ và Mỹ đặt mức hơn 110 tỉ USD, trong khi thương mại Nga-Ấn cũng lên tới khoảng 8 tỉ USD. Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng trở thành khách hàng lớn mua các thiết bị quân sự của Mỹ.
Với những động thái nêu trên, có thể thấy Ấn Độ đã có một nỗ lực vô cùng ấn tượng trong việc cân bằng quan hệ đối với Washington và Moscow. "Ấn Độ thực sự vươn lên rất mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng này, và đó thực sự là một thành tích vượt trội" - GS Pant nhận định.