Cặp đồng minh 'gai góc' Nga-Iran thực ra rất mong manh!

Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow đã có chung mục tiêu với Iran. Nhưng bất chấp những điểm tương đồng, quan hệ đối tác của họ có thể trở nên mong manh hơn nhiều so với vẻ gai góc bề ngoài.

Đồng minh thân thiết Nga-Iran thực ra rất mong manh! Trong ảnh: Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS Kazan, tháng 10/2024. (Nguồn: Reuters)

Đồng minh thân thiết Nga-Iran thực ra rất mong manh! Trong ảnh: Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS Kazan, tháng 10/2024. (Nguồn: Reuters)

“Đối thủ của đối thủ là bạn”

Đối với những người quan sát cả hai quốc gia này, mối quan hệ đối tác Nga-Iran không có gì đáng ngạc nhiên. Họ đều nằm trong số những đối thủ “không đội trời chung” của phương Tây. Cả hai đều đang phải gánh chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt và cần có đối tác ở bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy.

Động thái mới đây nhất, cùng nhằm đáp trả các chính sách trừng phạt của phương Tây, Nga- Iran hiện “bắt tay” loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại song phương, chuyển hoàn toàn sang dùng nội tệ là đồng Ruble và Rial trong giao dịch ngoại thương.

Tháng trước, Moscow và Tehran chính thức kết nối hệ thống thanh toán giữa hai quốc gia, cho phép người dân hai nước sử dụng được thẻ ghi nợ nội địa ở cả Nga lẫn Iran. Tehran cũng đã bắt đầu dùng hệ thống thanh toán Mir của Nga trong giao dịch với các nước khác. Cơ chế chuyển tiền liên ngân hàng giúp họ giao dịch trực tiếp, tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến họ không thể sử dụng đồng Euro hoặc USD

Vài năm qua, Moscow và Tehran ngày càng thắt chặt hơn quan hệ cả về thương mại và tài chính. Điện Kremlin mới đây thông báo, kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu năm 2024 giữa Nga-Iran đã tăng 12,4% so với năm ngoái. Năm 2023, kim ngạch song phương đã đạt hơn 4 tỷ USD.

Năm 2023, Tehran đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu và chấp nhận về cùng một nhóm với Nga - Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), liên minh do Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc khởi xướng. Hồi tháng 1/2024, Iran đã chính thức gia nhập khối này, cùng Ai Cập, Ethiopia và UAE.

Ngoài ra, Nga đã thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc sang Iran. Nga-Iran cũng đang tăng cường thương mại với các nước thuộc BRICS. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Moscow và Tehran đã công bố một loạt thỏa thuận kinh doanh mới, trao đổi các mặt hàng như tua-bin, vật tư y tế và phụ tùng ô tô...

Nga-Iran cũng đang thảo luận kế hoạch xây dựng Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam - một tuyến đường thương mại xuyên lục địa mới nhằm nối Biển Baltic với Ấn Độ Dương.

Tuyến đường dài 3.508 dặm, bao gồm hệ thống đường thủy, đường sắt và đường bộ, kéo dài từ thành phố Saint Petersburg đến Biển Caspi, từ đó đến thủ đô Tehran rồi đến thành phố Mumbai (Ấn Độ), nhằm mục đích bảo vệ các liên kết thương mại giữa Nga và Iran khỏi sự can thiệp của phương Tây, cũng như thiết lập các liên kết mới với các thị trường ở châu Á.

Thậm chí, ngày 31/10, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "bật mí" về một “bước tiến chưa từng có” trong quan hệ hai nước - Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran đang được chuẩn bị và sẽ được ký kết trong tương lai gần.

Dù không có nhiều thông tin được tiết lộ, nhưng đây sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong việc tăng cường quan hệ Nga-Iran, khẳng định mong muốn của các bên về hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và tương tác vì lợi ích hòa bình và an ninh ở cấp khu vực và toàn cầu.

Giám đốc Mohammed Soliman thuộc Chương trình Công nghệ chiến lược và an ninh mạng của Viện Trung Đông (Mỹ) nhận định, một thỏa thuận có khả năng củng cố sự đối mặt chung của họ với phương Tây; có thể bao gồm sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất dầu khí, lọc dầu hoặc trong các dự án cơ sở hạ tầng, đến chia sẻ những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây; hoặc phát triển hoặc mua thêm vũ khí tiên tiến, tập trận quân sự chung...

Xích lại gần nhau hơn?

Iran và Nga có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong những năm tới, nhưng chưa có gì đảm bảo sự hợp tác lớn hơn.

Dù với tất cả những gì đang diễn ra, liên minh Iran-Nga vẫn tồn tại những mâu thuẫn cố hữu, chưa đủ lòng tin lẫn nhau, trong khi những cạnh tranh về lợi ích có thể làm suy yếu sự bền chặt của liên minh.

Theo giới phân tích, phía sau mối quan hệ đối tác chặt chẽ này, Iran và Nga có chung các đối thủ, nhưng chính họ cũng có lịch sử xung đột lâu dài và chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Về mặt kinh tế, họ là những cường quốc dầu mỏ cạnh tranh trên cùng một thị trường. Về mặt chính trị, họ đang đấu khẩu về việc ai sẽ là cường quốc chính ở Kavkaz và Trung Á.

Như vậy, ngoài mục đích chung là làm suy yếu quyền bá chủ của phương Tây, họ không chia sẻ bất kỳ chương trình nghị sự quốc tế nào. Ngay cả khi nói đến quan hệ với Washington, họ cũng có những khác biệt về mặt chiến lược.

Iran và Nga không chỉ có lợi ích địa chính trị khác nhau. Kể cả khi những đồn đoán về việc hình thành quan hệ đối tác thương mại, cả hai quốc gia cuối cùng vẫn bị chi phối bởi những lợi ích riêng trong ngành công nghiệp hydrocarbon của mình. Chẳng hạn, vì lệnh trừng phạt của phương Tây cùng hạn chế khả năng bán dầu của họ cho toàn thế giới, Nga và Iran buộc phải cùng nhau bán dầu ở cùng một số ít thị trường.

Do đó, cạnh tranh và xung đột lợi ích là khó tránh khỏi và thậm chí có thể sớm trở nên gay gắt hơn, khi thị trường lớn nhất trong các thị trường quan trọng của họ là Trung Quốc lại đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, khiến nhu cầu mua năng lượng của Bắc Kinh có thể bị suy yếu.

Phân tích tình hình hiện tại, giới phân tích quốc tế cho rằng, Washington đang gộp Iran và Nga lại với nhau, coi họ như một dạng trục bền vững đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Nhưng xét đến nhiều điểm khác biệt giữa hai quốc gia, phương Tây nên thay vì gộp cả hai lại với nhau, mà nên kiên nhẫn tìm cách đẩy họ ra xa nhau. Chẳng hạn, một chính sách về năng lượng làm giảm giá dầu cũng có thể khiến kinh tế hai nước vốn phụ thuộc vào giá bán năng lượng, khó đứng chung một sân.

Thật ra, Nga-Iran không phải là quan hệ đối tác tự nhiên, nhưng theo thời gian, hợp tác giữa họ sẽ ngày càng khăng khít, lợi ích khi đi cùng nhau không chỉ giúp họ bớt bị cô lập trên trường quốc tế, mà có thể giúp họ vượt lên những khác biệt để xây dựng một quan hệ đối tác bền vững.

(theo Foreign Affairs)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-dong-minh-gai-goc-nga-iran-thuc-ra-rat-mong-manh-295366.html
Zalo