Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Cần thiết tiếp tục chủ trương đầu tư dự án

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trên 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: Vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.

Mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước.

Bốn mục tiêu cụ thể gồm: Cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, đa dạng hóa năng lượng sơ cấp, bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Xây dựng và đưa các nhà máy điện hạt nhân vào khai thác vận hành an toàn, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất rủi ro về môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân, từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia.

Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân; kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát an ninh, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện hạt nhân; xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Xây dựng chương trình phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các giai đoạn phát triển điện hạt nhân.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy điện hạt nhân; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới; đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.

Chính phủ cũng nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này; hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý Nhà nước đối với điện hạt nhân; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.

Báo cáo thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại tờ trình của Chính phủ.

Ông Lê Quang Huy cho biết, ngày 25/11/2009, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án.

Tháng 11/2016, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và tình hình thực hiện bảo đảm yếu tố an toàn cho nhà máy điện hạt nhân trên thế giới lúc bấy giờ, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được ban hành có liên quan đến định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam, chuyển đổi năng lượng, phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về "0" vào cuối năm 2050, nhất là chủ trương cho phép tiếp tục triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho rằng, chủ trương quay lại phát triển điện hạt nhân là đúng đắn, được Trung ương đánh giá nghiêm túc và khoa học chứ không chỉ là giải pháp do cơ cấu của việc thiếu năng lượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải sử dụng công nghệ kiểu mới, hiện đại, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất với tiêu chí "điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0". Bên cạnh đó, tùy thuộc tình hình kinh tế-xã hội, sẽ quy định cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân…

Thực tế, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được Việt Nam hợp tác với Liên bang Nga. Phía Nga đã hoàn thành, bàn giao hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) bản tiếng Anh vào cuối tháng 12/2013. Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được Việt Nam hợp tác với Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng đã hoàn thành, bàn giao hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, bổ sung lần 2 để làm rõ điều kiện địa chất, tính toán địa chấn tại địa điểm vào năm 2014.

Cùng với đó, các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp Nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 nhằm đưa ra những nghiên cứu độc lập đối với các địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần. Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án đã được gửi đến các Bộ, ngành đề nghị thẩm định theo quy định.

Đầu tháng 9/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với tiến độ dự kiến đưa tổ máy số 1 và số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành thương mại lần lượt vào năm 2028 và 2029.

Tuy nhiên, năm 2016 Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam tại thời điểm đó có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Vì vậy, cùng với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ nên xem xét triển khai tiếp ở giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-can-thiet-tiep-tuc-chu-truong-dau-tu-du-an-389767.html
Zalo