Phản ứng của các bên sau khi Úc cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội

Với đạo luật Tuổi tối thiểu Mạng xã hội, Úc trở thành quốc gia đầu tiên thử nghiệm việc siết chặt quản lý mạng xã hội. Các công ty công nghệ như TikTok và Meta đã phản ứng dữ dội, trong khi người dân và chính quyền Úc kiên quyết bảo vệ lệnh cấm này.

Các mạng xã hội lo lắng và phản đối

Các công ty truyền thông xã hội đang chỉ trích quyết định của Chính phủ Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng nền tảng của họ, cho rằng quy định này để lại "nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp."

Luật được thông qua bởi các nhà lập pháp Úc vào hôm thứ Năm, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Snapchat, Reddit, X và Instagram sẽ phải chịu mức phạt lên tới 49,5 triệu đô la Úc (tương đương 32 triệu đô la Mỹ) nếu không thể ngăn chặn trẻ em dưới 16 tuổi mở tài khoản.

 Trẻ em dưới 16 tuổi sẽ bị cấm sử dụng mạng xã hội tại Úc. Ảnh minh họa: Unsplash

Trẻ em dưới 16 tuổi sẽ bị cấm sử dụng mạng xã hội tại Úc. Ảnh minh họa: Unsplash

Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, cho rằng luật mới được thông qua quá gấp gáp. Họ cho biết: “Chúng tôi lo ngại về việc luật được thông qua một cách vội vàng, không dựa trên đủ bằng chứng và không đánh giá đúng những gì các công ty công nghệ đã làm để bảo vệ người dùng trẻ tuổi”.

Người phát ngôn của Snapchat cho biết công ty đã nêu lên "mối quan ngại nghiêm trọng" về luật mới và vẫn còn "nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp" liên quan đến cách thức hoạt động của nó. Tuy nhiên, công ty cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Úc để phát triển một phương pháp cân bằng giữa "quyền riêng tư, an toàn và tính thực tế" nhằm đảm bảo việc tuân thủ luật.

Đối với TikTok, nền tảng video này cũng bày tỏ sự "thất vọng" về quyết định của Úc. Người phát ngôn của TikTok cảnh báo rằng lệnh cấm có thể đẩy những người trẻ tuổi vào "những góc tối hơn của internet".

Phần lớn người dân Úc và chính quyền ủng hộ

Tuy nhiên, phần lớn chính quyền và người dân Úc đều ủng hộ lệnh cấm. Thủ tướng Anthony Albanese cho biết những người trẻ tuổi tại Úc nên "tắt điện thoại và đến sân bóng đá, sân cricket, sân tennis và bóng lưới, trong hồ bơi", thay vì dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội với các tính năng gây nghiện.

Ông Albanese cũng lưu ý rằng việc thực hiện lệnh cấm có thể không hoàn hảo, giống như các hạn chế về rượu hiện nay, nhưng ông khẳng định rằng đây là "điều đúng đắn cần làm".

Ông nhấn mạnh rằng việc trấn áp các nền tảng mạng xã hội sẽ đem lại "kết quả tốt hơn và ít gây hại hơn cho những người trẻ tuổi ở Úc".

Theo ông, các nền tảng mạng xã hội có "trách nhiệm xã hội" trong việc ưu tiên sự an toàn của trẻ em, đồng thời gửi đi thông điệp rằng Chính phủ Úc luôn ủng hộ các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ con em họ khỏi những tác động tiêu cực của các nền tảng này.

Lệnh cấm đã đối mặt với một số phản đối từ những người ủng hộ quyền riêng tư và một số nhóm quyền trẻ em, nhưng 77% dân số Úc ủng hộ lệnh này, theo các cuộc thăm dò mới nhất.

Tuy nhiên, luật mới chưa cung cấp thông tin chi tiết về cách thức thực thi các quy định. Một phiên tòa xem xét các phương pháp thực thi biện pháp này sẽ bắt đầu vào tháng 1, và lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau một năm.

Các nền tảng mạng xã hội sẽ không được phép yêu cầu người dùng cung cấp ID do chính phủ cấp hoặc giấy tờ tùy thân kỹ thuật số qua hệ thống của nhà nước để xác minh độ tuổi. Ngoài ra, người dùng chưa đủ tuổi và cả cha mẹ của họ sẽ không phải chịu phạt.

Sẽ có nhiều quốc gia làm theo Úc?

Các quốc gia khác đang theo dõi sát sao việc thực thi luật này tại Úc như một tiền lệ cho các chính sách tương tự của họ. Vào tháng 6, Tây Ban Nha đã đề xuất một dự luật nâng độ tuổi sử dụng mạng xã hội từ 14 lên 16.

Năm ngoái, Pháp cũng đã đề xuất lệnh cấm mạng xã hội đối với người dùng dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người đã có thể lách luật này bằng cách xin phép cha mẹ. Với luật mới ở Úc, điều này cũng không được phép.

Trong khi đó, tại Mỹ, trong nhiều thập kỷ qua, các công ty công nghệ đã phải xin phép cha mẹ để thu thập dữ liệu của người dùng dưới 13 tuổi.

Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào các nền tảng mạng xã hội kể từ năm 2021. Theo quy định của Trung Quốc, trẻ dưới 14 tuổi không được phép dành quá 40 phút mỗi ngày trên mạng xã hội Douyin, phiên bản TikTok của nước này.

Hà Trang (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-ung-cua-cac-ben-sau-khi-uc-cam-tre-em-su-dung-mang-xa-hoi-post323533.html
Zalo