Những thế mạnh ở điện hạt nhân mà các nguồn điện khác không có

Một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW, sẽ phát điện tới 92% công suất thiết kế trong khi một nhà máy điện khí tương đồng về công suất chỉ có thể phát được 56% công suất thiết kế.

Thời điểm thuận lợi để phát triển điện hạt nhân

Các chuyên gia ngành điện cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi để tái triển khai. Như với một nhà máy điện than, nếu tích trữ 2 tuần than để hoạt động cần diện tích kho chứa bằng một sân bóng. Nhưng với điện hạt nhân, có thể tích trữ nhiên liệu 2 năm cho nhà máy chỉ trong một cái container.

Về tính hiệu quả, các nghiên cứu thực tế cho thấy, điện hạt nhân có công suất khả dụng cao nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, với một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW, sẽ phát điện tới 92% công suất thiết kế trong khi một nhà máy điện khí tương đồng về công suất chỉ có thể phát được 56% công suất thiết kế.

Điện hạt nhân có nhiều ưu thế trong chuyển dịch năng lượng.

Điện hạt nhân có nhiều ưu thế trong chuyển dịch năng lượng.

Còn với nhà máy điện gió và mặt trời sẽ thấp hơn nhiều, chỉ lần lượt đạt 35,4% và 24,9%. Điều này cho thấy, cùng với một công suất lắp đặt, một nhà máy điện hạt nhân hiệu quả tương đương 2 nhà máy điện khí hoặc 3 nhà máy điện gió, hoặc bằng 4 nhà máy điện mặt trời.

Với công suất khả dụng cao như vậy và hoạt động ổn định, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nếu xét ở vai trò điện chạy nền ổn định để phát triển năng lượng tái tạo.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam là nước đi sau về điện hạt nhân, dĩ nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhưng không phải là không có thuận lợi.

Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây, và đã có những chuyên gia hiểu biết tốt về dự án điện hạt nhân để tư vấn cho Chính phủ.

Cụ thể, Việt Nam đã đào tạo hơn 300 nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thông qua các chương trình hợp tác với Nga và Nhật Bản trong khuôn khổ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cùng với đó, Việt Nam đã đào tạo khá nhiều cán bộ cho cơ quan pháp quy hạt nhân và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật thông qua hợp tác với IAEA, liên minh châu Âu và các nước công nghiệp điện hạt nhân.

Cũng theo ông Tấn, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật Năng lượng nguyên tử vào năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành về nhà máy điện hạt nhân. Trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa qua, các cơ quan liên quan đã rút ra được những khiếm khuyết của hệ thống văn bản để chỉnh sửa trong thời gian tới.

Việc chọn công nghệ nào cho điện hạt nhân và quy mô triển khai ra sao sẽ là những vấn đề cần ưu tiên trong quá trình tái khởi động lại dự án cùng với việc tăng cường đào tạo và chuẩn bị các nguồn lực để đầu tư.

"Đối với những thế hệ hạt nhân thế hệ III, III + hiện nay, có thể nói, về cơ bản chúng ta có thể yên tâm về việc đảm bảo an toàn. Người dân có thể yên tâm không ảnh hưởng đến môi trường, đến con người", PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết.

Điện hạt nhân khắc phục tình trạng thiếu điện như thế nào?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là vào các mùa cao điểm. Nếu không có thêm nguồn năng lượng lớn và ổn định như điện hạt nhân, áp lực năng lượng cho tăng trưởng ngày càng lớn.

Điện hạt nhân có hiệu suất hoạt động rất cao, thường hoạt động trung bình khoảng từ 7.000 - 9.000 giờ mỗi năm (tương đương khoảng từ 80-100% thời gian hoạt động). Con số này vượt trội so với các loại hình sản xuất điện khác như điện than từ 4.000- 5000 giờ mỗi năm, điện khí khoảng 3.000 giờ mỗi năm, hay điện năng lượng tái tạo từ 1.000-3.000 giờ.

TS Lê Hải Hưng, nguyên cán bộ giảng dạy Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), nhận xét, ưu điểm rất lớn của điện hạt nhân là hầu như không phát thải khí nhà kính.

Thống kê của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), xét trong cả vòng đời hoạt động thì điện hạt nhân thuộc loại nguồn điện phát thải thấp nhất, còn tất cả nguồn điện từ năng lượng truyền thống như than, dầu, khí, thậm chí là thủy điện, điện mặt trời đều phát thải nhiều khí nhà kính. Do đó, khó có thể thực hiện được cam kết Net Zero nếu không có điện hạt nhân.

Trong vài năm qua, hầu như không có dự án điện lớn nào được bắt đầu triển khai xây dựng. Các dự án điện gió, điện mặt trời được triển khai nhiều, nhưng quy mô công suất không lớn và khi đưa vào sử dụng cũng chỉ có số giờ sử dụng công suất thiết bị từ 1.500 đến 2.500 giờ (quy đổi) trong tổng số 8.760 giờ của năm. Như vậy, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện cho một số thời điểm trong năm.

Theo đánh giá hiện nay của các chuyên gia trong ngành năng lượng, điện hạt nhân là cần thiết trong tương lai cho Việt Nam. Điện hạt nhân sẽ là nguồn cung cấp điện năng ổn định, có giá thành hợp lý và là nguồn không phát thải CO2 khi vận hành. Đặc biệt điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chúng ta đang và sẽ tiếp tục phải tăng nhập khẩu than từ nước ngoài cho các nhà máy nhiệt điện. Điện hạt nhân góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việc triển khai các dự án điện hạt nhân thành công sẽ thực sự đưa đất nước Việt Nam lên một tầm cao mới về phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp, phát triển bền vững.

Phát triển nguồn điện này còn giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ các nguồn lực quốc tế về tài chính, khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác, cũng như nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Phát triển điện hạt nhân không phải ngày một ngày hai, vì thế nếu không tái khởi động thời điểm này, cơ hội phát triển sẽ không chờ đợi chúng ta.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-the-manh-o-dien-hat-nhan-ma-cac-nguon-dien-khac-khong-co-169241130102755679.htm
Zalo