Tái hiện lịch sử Hà Nội bằng những di sản kiến trúc
'Cuốn sách này đưa chúng ta đến với những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ lưu giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức và điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai'.
Tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức
Đó là những ấn tượng mạnh mẽ mà kiến trúc sư Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn Di tích Việt Nam hào hứng chia sẻ, sau khi đọc tới trang cuối tác phẩm “Kiến trúc Hà Nội: Giao thoa văn hóa Việt-Pháp”. Một cuốn sách đẹp về hình thức, giàu có về hàm lượng thông tin, công phu về nội dung chuyển tải vừa được Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA trân trọng ra mắt độc giả sáng ngày 6/12/2024.
Sau 2 năm nghiên cứu và làm việc với tinh thần nghiêm cẩn và đầy tâm huyết, 1.500 cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” do NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành đã chính thức ra mắt bạn đọc, với định dạng bìa cứng, thiết kế hiện đại và giàu thẩm mỹ, dày 364 trang, song ngữ Việt-Pháp.
Giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách của Tiến sĩ Trần Quốc Bảo - giảng viên chính của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Thủ đô qua các thời kỳ. Trên chuyến du hành ngược thời gian đó, độc giả được chậm rãi khám phá từ “Kiến trúc Thăng Long-Hà Nội xưa” tới “Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc” (với những điểm nhấn phong cách điển hình, từ Beaux Arts - Art Déco - Đông Dương tới kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu - kiến trúc Thép và phong cách Phục hưng Gothique) để rồi kết lại ở “Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954”.
Đọc “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp”, người đọc có cảm giác đang được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, hay đúng hơn là được du hành ngược thời gian để trở về với mảnh đất rồng bay của thế kỷ XIX-XX, để được cùng các tác giả đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu qua các thời kỳ - đặc biệt là thời Pháp thuộc (như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…).
Lan tỏa tình yêu Hà Nội
Từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long-Hà Nội xưa với thành quách “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” đến sự chuyển mình hội nhập và tiếp thu lối nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây, mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được các tác giả diễn giải một cách hết sức nhẹ nhàng, dễ hiểu và giàu cảm xúc.
Đi qua mỗi chương của cuốn sách, người đọc sẽ có cảm xúc đan xen vừa quen, vừa lạ. Quen bởi những di sản kiến trúc đó vốn đã quá đỗi thân thương trong tâm hồn mỗi người Hà Nội. Lạ vì có những chi tiết kiến trúc, những giá trị lịch sử lần đầu được biết tới. Nhưng sau cùng, đọng lại ở mỗi câu từ, hình ảnh trong cuốn sách là một tình yêu với Hà Nội sâu đậm và da diết, được khắc họa bằng những đường nét kiến trúc cùng ngôn từ khúc triết và những khuôn hình sống động, như thể lịch sử đang hiển hiện trước mắt chúng ta.
Nói như ông Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, “với tư cách một độc giả, đồng thời là người con của Hà Nội, tôi cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với tác phẩm giá trị này. Những hình ảnh và lời chú giải trong sách gợi nhắc nhiều ký ức tuổi thơ”. Dưới góc nhìn của ông, “cuốn sách không chỉ giúp du khách trong và ngoài nước khám phá vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội mà còn hiểu được tại sao đây là một thành phố rất đặc biệt, bởi có lẽ ở châu Á không có thành phố nào mang kiến trúc đặc thù đậm đặc phong cách Đông Dương như thế”.
Về ý tưởng ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA nhớ lại: “Kiến trúc của một quốc gia chứa đựng một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ và trao truyền những di sản kiến trúc vô cùng quý giá mà dòng chảy lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm thực hiện dự án này, với một cách tiếp cận và triển khai hoàn toàn mới”.
Bên cạnh sự đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm, đội ngũ thực hiện phần lớn là những người trẻ ở độ tuổi 30, mang tới cách tiếp cận nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và hiện đại. Nhờ thế, cuốn sách không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc, giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố mà còn được trình bày một cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả. Bởi, như ông Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ, “mục tiêu lớn nhất là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của Thủ đô. Sách đặc biệt hướng tới thế hệ tương lai - những người trẻ đã, đang và sẽ gánh vác vai trò tiếp nối và phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau”.