Thị trường sách cũ: Người mua cũng bán, người bán cũng mua

Giữa lúc thị trường sách giấy và sách điện tử đang cạnh tranh để chiếm ưu thế, sách cũ vẫn đang âm thầm chảy một mạch riêng, chậm rãi len lỏi trong đời sống văn hóa của những người yêu đọc sách.

Một hiệu sách cũ bán cùng các đồ tạp hóa tại Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Một hiệu sách cũ bán cùng các đồ tạp hóa tại Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Một ngày, một anh bạn cũ gọi điện thoại hỏi tôi còn giữ bộ truyện tranh Nhật Bản “7 viên ngọc rồng” xuất bản từ những năm 1995 không. Khi nghe tôi nói rằng mình vẫn còn giữ hơn một nửa bộ sách, anh rất mừng và hẹn mua lại với giá 50.000 đồng một cuốn.

Vào năm 1995, bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả nổi tiếng thế giới Akira Toriyama, do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản này có giá 3.000 đồng một cuốn.

Anh bạn cho biết hiện tại một bộ truyện đầy đủ 67 cuốn này có thể bán được với giá từ 4 đến 6 triệu đồng, tương đương với 60.000-90.000 đồng một cuốn tùy mức độ hư hại.

Kinh doanh sách cũ: Không phải chỉ vì tiền

Mua bán sách cũ là một hình thức kinh doanh phổ biến và lâu đời trên thế giới và ở Việt Nam. Tại Hà Nội, hiệu sách lâu đời đến 40 năm tuổi có thể kể đến “Sách Dư” ở 180 Bà Triệu, mới hơn nữa thì có “Sách Mão” từ đầu những năm 1990 tại Đinh Lễ, hay nhà sách 27D Ngô Thì Nhậm, và vô vàn những hiệu sách cũ đủ chủng loại đang tọa lạc đâu đó tại Hà Nội, hoặc nằm san sát nhau trên đường Láng, con phố cũ kỹ rợp bóng cây xanh, dù hiện tại cũng đã thưa thớt hơn rất nhiều.

Sách cũ không phải là một mặt hàng kinh doanh đắt giá, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cụ thể, như với những bộ sách nổi tiếng, đôi khi giá trị đem lại lại khá bất ngờ.

Nếu so với giá vàng năm 1995 là hơn 500.000 đồng một chỉ, thì giá vàng năm 2024 đã tăng hơn 17 lần, còn bộ truyện tranh “7 viên ngọc rồng” thậm chí tăng giá tới 20-30 lần. Đây chỉ là một sự so sánh tương đối, nhưng cũng để thấy sách cũ là một ngành một khoản sinh lời có giá trị nhất định, không đủ cao để làm giàu, nhưng cũng đủ để trở thành một kênh đầu tư vừa có tính giải trí văn hóa, vừa có độ rủi ro thấp nhỏ dành cho những người yêu sách.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, việc mua bán sách cũ cũng đã thay đổi rất nhiều. Những năm trước, những người kinh doanh sách cũ thường “vùi đầu” trong những đống sách báo cũ kỹ tại một góc nhà của ai đó hay một một gánh đồng nát đi qua nhà, rồi bắt đầu xuất hiện những forum, diễn đàn như sachcu.vn, và giờ đây là những hội, nhóm trao đổi, mua bán sách cũ trên các mạng xã hội.

Thậm chí, những kinh nghiệm để kinh doanh sách cũ cũng được chia sẻ khá nhiều trên mạng Internet. Nhìn chung, kinh doanh sách cũ không cần số vốn quá lớn. Chỉ khoảng từ 15-20 triệu đồng đã đủ để nhập hàng ban đầu. Việc lựa chọn địa điểm đóng vai trò quan trọng hơn trong kinh doanh sách cũ, không cần quá rộng, nhưng nên chọn ở những nơi gần trường học, đông người qua lại, nhưng hạn chế những khu vui chơi, ăn uống, bởi cửa hàng sách cũ sẽ dễ bị mờ nhạt, bỏ qua.

Tại nước ngoài có những hiệu sách cũ nằm ở những mặt phố lớn, nơi sách không chỉ để bày bán thông thường, mà còn như những phòng trưng bày nghệ thuật. Đó là những cửa hàng tuyệt đẹp với tông màu ấm cúng, những góc ngồi yên tĩnh ngập tràn ánh sáng.

Hiện tại, những cửa hàng như vậy ở Việt Nam vẫn chưa nhiều. Một phần vì sách cũ vẫn được coi là một mặt hàng giá rẻ, mặt khác nhịp sống hiện đại đã khiến con người không còn dành nhiều thời gian cho những trang giấy cũ.

Bên cạnh đó, buôn sách cũ là một công việc khá đặc biệt, bởi có rất nhiều người buôn sách cũ lại là những người rất yêu sách. Bản thân họ cũng là những nhà sưu tập, hiểu rất rõ những gì mình đang sở hữu và đang bán ra. Và những người buôn sách cũ cũng là khách hàng, họ thường xuyên mua bán, trao đổi qua lại lẫn nhau để bổ sung và hoàn thiện kho sách của mình.

Bởi vậy, một hiệu sách cũ rộng rãi, yên bình vẫn là mơ ước của nhiều người, không phải chỉ để kinh doanh, mà còn là nơi để con người chia sẻ kiến thức, suy nghĩ, cảm nhận về một thế giới phong phú đã được lưu giữ trong từng trang giấy cũ.

Vì sao người ta lại mua sách cũ?

Tưởng chừng như khó có chỗ đứng giữa lúc thị trường sách giấy và sách điện tử đang cạnh tranh để chiếm ưu thế, nhưng sách cũ vẫn đang âm thầm chảy một mạch riêng, chậm rãi len lỏi trong đời sống văn hóa của những người yêu đọc sách ở đủ mọi lứa tuổi.

 Sách cũ được bày bán dọc sông Seine, Paris. (Nguồn: Vietnam+)

Sách cũ được bày bán dọc sông Seine, Paris. (Nguồn: Vietnam+)

Có vô vàn lý do để chọn mua sách cũ, trong đó có một yếu tố rất quan trọng, đó là giá rẻ. Những bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên thường có rất nhiều thời gian cũng như mong muốn được tiếp cận, thu nạp kiến thức. Nhưng với thu nhập có hạn, nhiều người thích lựa chọn sách cũ với giá rẻ chỉ bằng một nửa.

Trâm, một bạn sinh viên báo chí đang lúi húi tìm những cuốn sách trong một cửa hiệu trên đường Láng, cho rằng: “Không giống như quần áo, sách thường chỉ cũ về hình thức nhưng nội dung truyền tải vẫn không thay đổi. Do đó đối với em, một cuốn sách cũ và một cuốn sách mới có giá trị ngang nhau.”

Tuy nhiên, Trâm cũng cho biết chất lượng giấy cũng có tác động đáng kể đến người sử dụng. Những cuốn sách giấy quá cũ, quá đen dễ gây mỏi mắt, lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị lực.

Có người mua sách cũ vì muốn sở hữu cho mình những cuốn sách không chỉ hay, mà còn mang những giá trị, ý nghĩa rất riêng. Về mặt hình thức, những cuốn sách cũ có tông màu khá ấm áp, vintage, hợp trưng bày trong những tủ gỗ cũ. Về mặt giá trị, sách cũ cũng giống như một phần của kỷ niệm.

Chị Hà (Hà Nội) cho biết chị vừa tim mua lại bộ truyện tranh Doremon được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản lần đầu năm 1992. Dù chất lượng giấy thấp, dịch còn sai nhiều chỗ, nhưng chị cho biết đây là bộ truyện tranh đầu tiên chị đọc. Những cuốn sách gợi lại cho chị một thời ký ức học sinh tươi đẹp, về nỗi mong đợi đến ngày thứ Sáu cuối tuần được đến cửa hàng báo nơi góc phố nhỏ mua tập Doremon mới xuất bản, khám phá câu chuyện kỳ diệu của chú mèo máy dễ thương vốn là mơ ước của hàng triệu đứa trẻ trên toàn thế giới.

Việc mua sách cũ cũng là một trải nghiệm thú vị, giống như khám phá một thế giới mới. Không giống như sách vừa ra lò còn nguyên mùi mực in, sách cũ đôi khi là cả một kho tàng bí ẩn. Có những trang sách được kẹp thêm những cánh hoa khô nhỏ, một chiếc thiệp. Có những dòng chú thích nguệch ngoạc của người đọc trước, có những lời đề tặng thú vị với những nét chữ mềm mại và văn phong chỉn chu một nền tảng văn hóa từ hàng chục năm trước, thời mà ta vẫn cho rằng con người sống chân thành hơn, nhẹ nhàng hơn và tinh tế hơn bây giờ.

Mặt khác, những cuốn sách cũ kinh điển cũng giống như những bản nhạc xưa, đã trải qua rất nhiều chắt lọc của thời gian, để những gì còn lại và đến tay độc giả là những gì tinh hoa nhất, tinh túy nhất. Đó là những cuốn sách được truyền qua nhiều thế hệ, và sẽ còn được tiếp tục bổ sung trong nhiều năm nữa, làm đầy thêm kho tàng văn hóa của nhân loại./.

,

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-sach-cu-nguoi-mua-cung-ban-nguoi-ban-cung-mua-post1002073.vnp
Zalo