Bảo tàng 'dành cho mọi người' ở Đài Loan

Điểm khác biệt của Bảo tàng Chimei là 'gì cũng có' - từ nghệ thuật phương Tây, lịch sử tự nhiên cho đến vũ khí, nhạc cụ - với sứ mệnh tạo ra không gian nghệ thuật cho mọi người.

Được thành lập vào năm 1992 bởi Shi Wen-long - một trong những doanh nhân tự thân giàu nhất Đài Loan (Trung Quốc) và là người sáng lập Tập đoàn Chi Mei, Bảo tàng Chimei từng được đặt bên trong tòa nhà hành chính của công ty trước khi chuyển đến Công viên đô thị Đài Nam vào năm 2014.

Bảo tàng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật phương Tây, lịch sử tự nhiên, vũ khí, áo giáp, đồ cổ, hiện vật, nhạc cụ... Không giống như một số nhà sưu tập tư nhân thu thập các tác phẩm nghệ thuật và di vật ấn tượng theo sở thích riêng, ông Shi sưu tầm tất cả để thực hiện ước mơ "xây dựng một bảo tàng cho mọi người".

Sinh năm 1928, ông Shi lớn lên trong gia đình nghèo có 10 người con. Nơi trú ẩn duy nhất của ông là một bảo tàng địa phương nhỏ ở Đài Nam. Đó cũng là nơi ông nuôi dưỡng ước mơ xây dựng bảo tàng cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ không thể ra nước ngoài để tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Bảo tàng miễn phí cho người dân Đài Nam và sinh viên để "những người nông dân làm việc trên các cánh đồng gần đó cũng có thể đến thăm mọi lúc".

 Bảo tàng Chimei được mệnh danh là "bảo tàng dành cho mọi người".

Bảo tàng Chimei được mệnh danh là "bảo tàng dành cho mọi người".

Bộ sưu tập đàn violin lớn nhất thế giới

Bảo tàng trông giống như cung điện châu Âu, nằm bên trong một công viên chứa đầy các tác phẩm điêu khắc và bản sao. Không gian này trưng bày khoảng 4.000 tác phẩm - mới chỉ 1/3 toàn bộ bộ sưu tập của bảo tàng.

Cách sắp xếp các tác phẩm cũng phản ánh mong muốn của ông Shi.

Khi bước tới sảnh vào, bạn sẽ thấy những bức tượng nổi tiếng được đặt dọc lối đi, các bức chân dung chỉ cách nhau vài chục cm. "Các bảo tàng khác có thể dành hẳn một bức tường cho một tác phẩm quan trọng, nhưng điều chúng tôi mong muốn nhất là vẽ nên bức tranh tổng thể cho những người chưa có ý tưởng gì về một bảo tàng nghệ thuật", một người quản lý bảo tàng giải thích.

Ông Shi cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu giữ những tác phẩm này trong kho thay vì trưng bày cho mọi người.

Vân Anh, du khách Việt Nam ghé thăm bảo tàng hồi đầu tháng 9, nói với Tri Thức - Znews: "So với các bảo tàng nghệ thuật khác, Chimei có cách sắp đặt riêng với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật".

Bảo tàng Chimei có bộ sưu tập đàn violin đồ sộ nhất thế giới.

Bảo tàng Chimei có bộ sưu tập đàn violin đồ sộ nhất thế giới.

Những tác phẩm trưng bày đáng chú ý bao gồm bức tranh "Saint Martin and the Beggar" của họa sĩ người Tây Ban Nha El Greco, bức tranh "Theseus Fighting the Centaur Bianor" của nhà điêu khắc người Pháp Antoine-Louis Barye và hơn 1.600 vũ khí và áo giáp.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất là bộ sưu tập nhạc cụ đồ sộ.

Ông Shi vốn là nghệ sĩ violin. Ông từng khởi nghiệp trong thời chiến bằng cách thu gom phế liệu từ các tàu chiến và máy bay bị bỏ hoang để làm dây đàn vĩ cầm.

Bảo tàng Chimei là nơi lưu giữ cây đàn cello cổ nhất thế giới còn chơi được (có từ năm 1566) của nghệ nhân làm đàn nổi tiếng Andrea Amati.

Chimei cũng có những tác phẩm giá trị của gia đình Stradivari và Guarneri, hai gia tộc làm đàn violin lâu đời nhất thế giới, bao gồm cả tác phẩm "Ole Bull" của Giuseppe Guarneri del Gesù - một trong những cây violin đắt tiền và nổi tiếng nhất.

Dai-Ting Chung, cố vấn cấp cao cho bộ sưu tập đàn violin của Bảo tàng Chimei, từng nói với CNN: "Chúng tôi không chủ đích sưu tầm những cây đàn giá trị và nổi tiếng nhất, mà mong muốn tìm ra những cây đàn có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện lịch sử nhạc cụ dây".

Ngoài các nhạc cụ dây, bảo tàng còn có chương trình biểu diễn âm nhạc, dàn nhạc sống động dành cho khách tham quan.

Lưu giữ lịch sử

Nhờ bộ sưu tập đàn đồ sộ, Chimei đã trở thành địa điểm tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện âm nhạc nói chung và chuyên về đàn violin nói riêng.

"Cháu trai của Carl Becker đã đến xem tác phẩm của ông nội mình. Con trai và cháu trai của Morassi cũng từng đến đây", Chung kể về một số nghệ nhân làm đàn violin mà bảo tàng từng chào đón.

Chimei là nơi duy nhất mà những người làm đàn violin có thể tụ họp lại và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn 100 cây violin khác nhau cùng một lúc. Bảo tàng được ví như "trung tâm thông tin lớn về đàn violin".

"Cơ sở dữ liệu của chúng tôi được coi là toàn diện nhất thế giới. Chúng tôi giúp những người cần thông tin từ nhà xuất bản cho đến các nhà nghiên cứu muốn nhìn thấy mọi thứ bên trong một cây vĩ cầm nào đó", Chung nói.

Ngoài ra còn có Giải thưởng Nghệ thuật Chimei được thành lập để hỗ trợ các tài năng địa phương.

 Những tác phẩm nghệ thuật phương Tây được trưng bày trong bảo tàng.

Những tác phẩm nghệ thuật phương Tây được trưng bày trong bảo tàng.

Khoảng 200 cây vĩ cầm đã được các sinh viên và nhạc sĩ - những người không đủ khả năng mua đàn riêng hoặc cần đàn cho một buổi biểu diễn đặc biệt - mượn dùng miễn phí.

"Chương trình này là đôi bên cùng có lợi: Người tài năng được sử dụng cây đàn tốt và cây đàn tốt được trình diễn trước khán giả. Nếu những cây đàn này không được sử dụng, chúng cũng chỉ là những khối gỗ mà thôi", quản lý bảo tàng chia sẻ.

Nghệ sĩ nổi tiếng Tseng Yu-chien từng sử dụng một cây đàn violin của Bảo tàng Chimei khi anh giành chiến thắng trong Cuộc thi Tchaikovsky quốc tế.

Nơi giao thoa

Những căn phòng trưng bày nhạc cụ chỉ mới là một phần nhỏ của bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ và đa dạng ở Bảo tàng Chimei. Nơi đây còn có các tác phẩm nổi bật của những họa sĩ nổi tiếng như Leonardo da Vinci, Rembrandt và Michelangelo; bộ sưu tập các bức tượng điêu khắc từ thời kỳ Phục Hưng, với những tác phẩm hoàn mỹ, thể hiện tay nghề điêu luyện của các nghệ sĩ vĩ đại.

Điều này giúp Bảo tàng Chimei trở thành một trong những nơi hiếm hoi ở châu Á có bộ sưu tập nghệ thuật phương Tây phong phú và giá trị.

Một điểm đặc biệt nữa của bảo tàng là kiến trúc độc đáo của tòa nhà. Kiến trúc của bảo tàng kết hợp giữa phong cách châu Âu cổ điển và hiện đại, tạo nên không gian mở, dễ tiếp cận. Bảo tàng Chimei không chỉ chú trọng đến việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong không gian trong nhà, mà còn đầu tư xây dựng khuôn viên rộng lớn với vườn cảnh quan.

Các khu vườn và ao hồ xung quanh bảo tàng được thiết kế tỉ mỉ, tạo ra không gian thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên cho du khách. Đi dạo trong khuôn viên xanh mát, bạn có thể thưởng thức vẻ đẹp của hoa cỏ và các tác phẩm điêu khắc ngoài trời, tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và thiên nhiên.

 Khuôn viên rộng lớn, nhiều cây xanh của Bảo tàng Chimei.

Khuôn viên rộng lớn, nhiều cây xanh của Bảo tàng Chimei.

Với khuôn viên rộng lớn, Bảo tàng Chimei cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm và sự kiện văn hóa, không chỉ tập trung vào nghệ thuật mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như khoa học, lịch sử, và các triển lãm hợp tác quốc tế.

Hồi tháng 5, Bảo tàng Chimei lần đầu tiên hợp tác với Phòng trưng bày Quốc gia London (Anh) để tổ chức triển lãm mang tên "Những kiệt tác từ Phòng trưng bày Quốc gia London", nhằm giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của hơn 50 nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới.

Bảo tàng Chimei không chỉ là điểm đến lý tưởng cho những người yêu nghệ thuật, mà còn là nơi giúp du khách tìm hiểu về lịch sử, sự giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-tang-danh-cho-moi-nguoi-o-dai-loan-post1503809.html
Zalo