Tác phẩm 'Nghèo' vào đề khảo sát thi tốt nghiệp môn Ngữ văn

Tác phẩm 'Nghèo' của nhà văn Nam Cao được trường ở tỉnh Quảng Nam đưa vào đề khảo sát tốt nghiệp trung học phổ thông.

Gợi ý đáp án

I. Đọc hiểu đoạn trích "Nghèo"

Câu 1. Ngôi kể của người kể chuyện là ngôi thứ ba.

Câu 2. Một số từ ngữ, hình ảnh cho thấy cái nghèo của gia đình nhà chị đĩ Chuột trong văn bản: hết cơm, con nhà nghèo, bát sành sứt mẻ tứ tung, mấy mảnh giẻ rách tả tơi, cám nâu.

Câu 3. Hiệu quả của phép tu từ so sánh trong câu văn: "Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước": tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt. Nhấn mạnh trạng thái ốm yếu, nghèo khổ của chị đĩ Chuột. Qua đó thể hiện sự đồng cảm của tác giả với đời sống khốn cùng của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám.

Câu 4. Phẩm chất nổi bật của chị đĩ Chuột thể hiện ở tấm lòng yêu thương con. Dù cuộc sống có khó khăn nhưng chị đĩ Chuột vẫn dành cho con những điều tốt nhất, luôn yêu thương chăm sóc các con vô điều kiện.

Câu 5. Suy nghĩ về cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám: Cuộc sống của họ quá cơ cực, nghèo khổ, túng quẫn, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Sự bất công trong xã hội thực dân phong kiến chính là nguyên nhân đẩy người nông dân vào sự túng quẫn, bế tắc.

II. Làm văn

Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) đánh giá về nghệ thuật kể chuyện được thể hiện qua văn bản Đọc hiểu "Nghèo" của nhà văn Nam Cao.

- Điểm nhìn có sự dịch chuyển từ điểm nhìn người kể chuyện sang điểm nhìn nhân vật như chị đĩ Chuột, thằng cu bé, Cái Gái.

- Điều này giúp người đọc vừa có thể bao quát tổng thể văn bản, vừa hiểu rõ về tâm trạng, cảm xúc của các nhân vật.

- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

Câu 2. "Trong đời người có ba điều quan trọng: thứ nhất là sống tử tế, thứ hai là tử tế, và thứ ba là phải tử tế" (Henry James)

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

- Giải thích vấn đề nghị luận: sống tử tế là sống đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật; sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình; sống có ích.

- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Người trẻ cần học hỏi rất nhiều: kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sống… Nhưng quan trọng nhất là phải học cách sống tử tế.

+ Cần phải học cách sống tử tế: đó là lối sống đáng trân trọng, là nhân cách đẹp, lối sống đẹp.

+ Cần làm gì để học cách sống tử tế: học cách sống trung thực; học cách ứng xử chuẩn mực, đúng đắn; học cách giao tiếp, kính trên nhường dưới; học cách bao dung, nhân hậu; sống lương thiện, có lí tưởng.

- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện…

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tac-pham-ngheo-vao-de-khao-sat-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-179241123212758445.htm
Zalo