Xã hội hóa xây dựng trường lớp chất lượng cao - Bài cuối: Thu hút nguồn lực đầu tư xây trường lớp tại các khu, cụm công nghiệp
Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 – 2025.
Thời gian tới, Long An mong muốn, danh mục đầu tư mới trường học phải đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường lớp, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những vấn đề phát sinh do tăng quy mô học sinh tại các khu, cụm công nghiệp.
Đầu tư tập trung cho vùng kinh tế trọng điểm
Trường THCS và THPT Nguyễn Thị Một tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc là ngôi trường quy mô lớn đang được xây dựng tại vùng kinh tế trọng điểm của Long An. Khởi công ngày 16/3/2024, trường có quy mô 35 phòng học và các phòng chức năng; diện tích xây dựng khoảng 5.200m2 với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển DB tài trợ. Trường còn có các công trình phụ, khu vui chơi cho học sinh như sân bóng đá, hồ bơi, nhà đa năng, hồ nước ngầm, hệ thống cây xanh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…
Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết, năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 7.435 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 6.710 phòng, đạt tỷ lệ 90,2%. Đến năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 8.421 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; số phòng học kiên cố khoảng 8.209 phòng, đạt tỷ lệ 97,5%.
Số lượng trường, lớp được đầu tư từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013 - 2023 là 35 trường với 357 phòng học. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa trong giai đoạn này là hơn 740 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở giáo dục từ nguồn xã hội hóa là 46.147m2.
Dù vậy, số lượng trường lớp xây mới hoặc sửa sang cho kịp sự gia tăng dân số cơ học tại các địa phương có nhiều khu - cụm công nghiệp còn là một khó khăn lớn của Long An. Đơn cử, dân số tại huyện Cần Giuộc hiện là khoảng 250.000 người, có 54 trường với tổng số 38.846 học sinh. Dự báo đến năm 2030, huyện sẽ có gần 45.000 học sinh, vì vậy cần khoảng 60 trường học ở các cấp học mới đảm bảo được nhu cầu học tập.
Nằm tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Đức Hòa hiện có 13 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp với tổng cộng hơn 154.000 lao động (gồm người dân địa phương và lao động nhập cư). Trong đó, có hơn 72.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, 14.000 lao động tại cụm công nghiệp, và 68.000 lao động ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết: Dân số huyện Đức Hòa hiện là hơn 420.000 người. Đến năm 2030, dự kiến lên tới 450.000 người và đến năm 2045 là 600.000 người. Tuy nhiên theo tiến độ phát triển các khu, cụm công nghiệp và tốc độ gia tăng dân số cơ học hiện nay, dự báo dân số 600.000 người sẽ sớm hơn dự kiến.
Năm học 2024 - 2025 huyện Đức Hòa có 70 trường học các cấp với 59.185 học sinh, 1.512 lớp học. Với quy mô trường lớp và số học sinh như vậy, huyện cần có thêm ít nhất 5 trường nữa mới đáp ứng được yêu cầu học tập của các cháu. Nhiều ngôi trường, quy mô học sinh hiện đã vượt mức chuẩn, ông Phạm Tấn Hòa chia sẻ. Cụ thể Trường THPT Hậu Nghĩa, được LienVietPostBank tài trợ, với tổng giá trị xây dựng và mua sắm trang thiết bị vào khoảng 117 tỷ đồng. Khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2014 - 2015 hiện trường đã có hơn 2.700 học sinh, trong đó có 27 lớp 10.
Dự kiến đến năm 2030, huyện cần đầu tư xây dựng thêm 9 trường và đến năm 2050 cần xây dựng thêm 18 trường. Những số liệu trên cho thấy, việc vận động kiên cố hóa, hay xây mới từng ngôi trường có ý nghĩa rất lớn tại địa phương công nghiệp như Long An. Lãnh đạo tỉnh luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp của xã hội cho sự nghiệp giáo dục.
Góp phần kiến tạo thế hệ tương lai
Đơn vị đồng hành thường xuyên trong công tác xã hội hóa giáo dục tại Long An thời gian qua là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPbank). Bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPbank chia sẻ, đơn vị rất vinh dự và tự hào khi được đóng góp công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần kiến tạo thế hệ tương lai bằng những công trình trường học khang trang, hiện đại, giúp các em học sinh, thầy cô giáo chăm lo dạy và học, phát huy hết năng lực.
Ngân hàng sẽ cùng cộng đồng tiếp tục hành trình vun trồng những mầm non tương lai của đất nước, đóng góp tích cực hơn cho nền giáo dục thông qua xây dựng nhiều điểm trường hơn nữa trong những năm tới. Đồng thời luôn xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp để dựng xây quê hương, đất nước ngày càng ấm no, thịnh vượng, bà Nhung khẳng định.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An Nguyễn Quang Thái cho biết, hiện nay việc xã hội hóa đầu tư trường học quy mô lớn chủ yếu tập trung ở các huyện đông khu, cụm công nghiệp. Về cơ bản, với mật độ dân cư - số lượng học sinh hiện tại, đầu tư công đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tại Long An, các nhà đầu tư chủ yếu hỗ trợ kinh phí xây dựng trường công lập. Khó khăn khi thực hiện xã hội hóa giáo dục là đầu tư phải sinh lợi, các trường tư thục còn khó thu hút học sinh; thiếu quỹ đất sạch tại những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp. Do đó thời gian qua, địa phương chưa thể kêu gọi được nhiều dự án trường quy mô lớn.
Thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, mở rộng, xây mới, sửa chữa trường, lớp học. Địa phương đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực, dự án được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Long An cũng thường xuyên quan tâm cải thiện môi trường đầu tư; công khai quy hoạch địa điểm và danh mục kêu gọi đầu tư; tập trung nguồn lực hàng năm để tạo quỹ đất sạch, kêu gọi nhà đầu tư cho lĩnh vực giáo dục…