Bệnh tự luyến...
Tôi có một người bạn vong niên. Chị hơn tôi 7 tuổi. Là kỹ sư vô tuyến điện, chị đã trải qua nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước. Chị cũng có vài thành thành tích trong những năm tháng làm công chức nhưng chẳng liên quan đến ngành đã học. Rồi chị về hưu. Từ đây mới sinh chuyện ...
Áp lực... đọc các bản viết!
Vào ngày, giờ nào đó, chị bỗng nhiên ham mê viết truyện, sáng tác nhạc. Và tôi, với tư cách là người em thân thiết, phải là người chị đọc cho nghe truyện ngắn, hát cho nghe bài hát mới sáng tác của chị ấy. Giời ạ, tôi có ít vốn văn chương, âm nhạc lèo tèo, nhưng quả thật cũng biết rằng những sáng tác của chị ấy không liên quan gì đến văn chương và âm nhạc đúng nghĩa.
Chị ấy "chưng" ra với tôi những bằng khen, giấy khen về hoạt động văn nghệ quần chúng, giấy chứng nhận tốt nghiệp thủ khoa đại học cách đây gần 50 năm, chứng chỉ học cách lớp tập huấn, đào tạo hạng ... xuất sắc, giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc cấp bộ, ngành. Để làm gì? Tất nhiên là để chứng minh rằng chị ấy có khả năng, có năng khiếu văn chương và âm nhạc... Và, "tác phẩm" của chị ấy - một người như vập, đương nhiên là... xuất sắc.
Mà là tác phẩm văn chương, âm nhạc xuất sắc thì phải có người nghe, người đọc nó. Tức là "nó" phải được nhiều người thưởng thức – đúng hơn là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ chất lượng đời sống cao cho mọi người! Và bất cứ ai mà chị gặp, thân hay sơ, bạn cũ hay mới gặp ở cuộc nào đó, đều "bị " chị ấy cho đọc, cho nghe những "sáng tác" mới. Bạn bè, người quen khi đối mặt với chị đều thoáng tỏ thái độ khó chịu, nhưng cố lịch sự nhận bản thảo truyện ngắn, bài hát. Khi chị hát bài hát mới sáng tác, nhiều người vỗ tay lịch sự - một cách mong chị kết thúc. Nhưng chị ngây thơ hiểu rằng những cái gật gù, những tràng pháo tay rời rạc đó chứng minh sức hút của tác phẩm của mình...
Là văn chương, là âm nhạc, "nó" phải được phổ biến cho công chúng. Mà cách phổ biến cho công chúng nhanh nhất, hiệu quả nhấb, theo chị là phải được giải các cuộc thi. Và thế là chị ấy mò mẫm tìm và gửi những sáng tác của mình đến các cuộc thi..
Khổ cho những ai là giám khảo sơ hoặc chung khảo cuộc thi có chị tham gia. Chị tìm bằng được số điện thoại rồi nhắn tin, gọi điện ngày vài ba lần. Chẳng xin xỏ gì đâu, chị chỉ nhờ góp ý hay biên tập cho tác phẩm "hoàn chỉnh hơn" để đăng báo (nếu cuộc thi có "quyền lợi" đăng báo tác phẩm dự thi). Chị sẽ sửa ngày sửa đêm để được đăng báo. Khi được đăng báo thì chị coi như đương nhiên lọt vào "vòng có giải".
Nể vì chị quá nhiệt huyết sáng tác, nể vì chị gửi nhiều tác phẩm dự thi, nể vì sự nhiệt tình tham dự giải dường như không ai bằng nên ban tổ chức một số giải lèng mèng tặng chị giải phụ, giải phong trào đại loại như "Người có nhiều tác phẩm dự thi nhất", "Người gửi nhiều bài hát về tỉnh T nhất"... Có lần ở một giải nhỏ, chị nhận được giải khuyến khích.
Không phải các ban tổ chức trở thành con nợ của chị, mà chính tôi – người bạn thân thiết của chị - cũng trở thành con nợ để chị...hành!
Lần đó khi biết tôi ở trong ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn, chị gửi cho tôi cả chục truyện chị viết và đề nghị tôi góp ý, trực tiếp sửa chữa trước khi gửi đi. Truyện hay thì chẳng cần góp ý, sửa chữa, truyện có tí "chất" thì góp ý, sửa chữa cũng đáng công, nhưng truyện dở quá thì phải bỏ hoặc viết lại hoàn toàn. Chị nói thẳng : "Cậu viết lại hộ chị".
Tất nhiên tôi chỉ góp ý thôi. Tôi không thể viết lại hoàn toàn vì nhiều lẽ, trong đó có lẽ rất quan trọng là mình không đủ trình. Khi có một truyện của chị (trong cả chục truyện gửi dự thi) được đăng báo, chị vui lắm. Chị gọi điện ngay cho tôi nhờ vả ở vòng chung khảo. Khi chấm chung khảo tôi không thấy trong danh sách có tác phẩm của chị. Tôi nghĩ rằng hội đồng sơ khảo chấm như vậy là rất khách quan.
Công bố giải, không có tên chị. Chị gọi điện tỏ ra bức xúc với tôi, bức xúc với ban giám khảo, ban tổ chức. Chị viết cho tôi một bức thư: "Mấy ngày qua tôi trăn trở, băn khoăn rất nhiều. Tôi đã đặt ra câu hỏi: Không hiểu ban tổ chức, ban giám khảo đánh giá tác phẩm của tôi theo tiêu chí nào mà không qua được sơ khảo? Tôi đã gửi bản thảo cho bạn bè là giáo sư, tiến sĩ, những người có học vấn, địa vị, và đều nhận được đánh giá là tác phẩm có chiều sâu, nhiều cảm xúc, nhân văn sâu sắc. Có người còn nhắn tin lại (tôi còn lưu giữ đây) rằng "Tác phẩm sâu sắc, truyền cảm hứng. Tuyệt vời. Chúc mừng bạn"... Vậy cậu cho biết hội đồng giám khảo đánh giá thế nào mà tác phẩm của tôi không được giải? Tôi cần biết để... không còn thắc mắc và lần sau dự thi rút kinh nghiệm"!
Tôi thấy tình hình căng rồi, đành viết thư trả lời chị ấy, đồng thời chuyển tiếp cho ban tổ chức, hội đồng chung khảo biết quan điểm của tôi ( tôi vừa là thành viên hội đồng chung khảo, vừa là người quen biết thí sinh dự thi đang thắc mắc):
Thưa chị. Cho phép em trao đổi thẳng thắn với chị...
"Thưa chị. Cho phép em trao đổi thẳng thắn với chị. Mỗi lần chị gửi bài dự thi các loại tới em, em đều rất băn khoăn. Thứ nhất em không phải là người giỏi giang hay có địa vị xã hội gì, cũng không là người có trách nhiệm trong các cuộc thi. Nhưng chị muốn em góp ý với góc độ người yêu văn chương thì em sẽ thẳng thắn. Chị viết theo lối cũ, sáng tác văn học mà lại trích dẫn sách với các sách tham khảo nhiều, tầm chương trích cú, ít thấy sự lao động sáng tạo của tác giả. Vì vậy đi dự giải và được giải các cuộc thi viết là rất khó. Hàng năm ở nước ta có cả trăm cuộc thi văn học lớn nhỏ ở các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương với cả chục ngàn bài dự thi. Thường tỉ lệ trúng giải chỉ 5-10 % là cao.
Mỗi cuộc thi có những tiêu chí riêng. Và rất hãn hữu tác giả gửi bài dự thi thắc mắc "Không hiểu ban giám khảo đánh giá bài viết theo tiêu chí gì mà bài của tôi không qua được sơ khảo"? Cũng rất hãn hữu có người thắc mắc rằng trước đó tôi gửi cho những người có học vị họ đều nhận xét là hay, là tốt cơ mà, sao tôi lại không được giải?. Những nhận xét của những người bên ngoài chỉ là theo cảm tính và không biết tiêu chí của cuộc thi cụ thể; hơn nữa là họ lịch sự trả lời cho...tác giả vui lòng! Vì vậy không coi đó là ý kiến nhận xét mang tính chuẩn theo tiêu chí của cuộc thi.
Em không phải phải là trưởng ban giám khảo cuộc thi này, chị kính mến ạ. Mỗi cuộc thi đều có điều lệ riêng, rất chặt chẽ và khách quan. Tác phẩm dự thi được đăng báo (chất lượng sạch nước cản thôi) không có nghĩa là sẽ được gnăn. Hội đồng sơ khảo chấm độc lập, lấy bài có điểm trung bình tính từ cao xuống thấp đưa vào chung khảo. Hội đồng chung khảo chấm các tác phẩm mà hội đồng sơ khảo để chọn ra những bài có điểm cao nhất, từ đó họp thảo luận, đánh giá công khai theo thể lệ, tiêu chí cuộc thi, rồi biểu quyết chọn giải lấy từ bài điểm cao nhất trở xuông.
Em trình bày với chị như vậy để chị thấy cuộc thi nào cũng cạnh tranh khốc liệt, và số bài dự thi bị loại rất nhiều, người không có bài đăng báo nhiều, người không lọt qua vòng sơ khảo nhiều, người không được giải càng nhiều (tỉ lệ cao). Cho nên không được giải cũng là chuyện rất bình thường, không thể lấy nhận xét của người không phải là ban giám khảo, không theo tiêu chí của cuộc thi cụ thể (dù người đó có học hàm, học vị cao thế nào ) để coi đó là chuẩn chị ạ. Em hy vọng giải thích như trên chị kính mến sẽ hiểu hơn về các cuộc thi viết"...
Làm ơn, đừng... viết ạ!
Sự cố gắng của tôi cũng được đền đáp chút ít: Chị ấy nhắn tin lại mấy chữ "Chị hiểu, cảm ơn em". Nhưng tôi hiểu, mênh mang phía sau lời nhắn ngắn gọn ấy là nỗi buồn khó tả nổi của chị.
Hiện tượng của người bạn vong niên của tôi thực ra không phải là hiếm. Có một kỹ sư bạn tôi bỗng dưng yêu thơ văn đến lạ kỳ. Ban đầu, ông tìm niềm vui trong những vần thơ, câu văn, rồi đam mê ấy ngày càng lớn dần, kéo ông vào cả nghệ thuật nhiếp ảnh. Thế là ông làm thơ, in sách, viết truyện gửi đi dự thi hết cuộc này đến cuộc khác. Ông cũng chụp ảnh gửi dự thi trong và ngoài nước.
Mỗi lần có một tác phẩm mới, ông lại khoe với bạn bè, tự hào về những sáng tạo đầy tính nghệ thuật của mình. Bạn bè người thì tủm tỉm gật đầu, người thì vì muốn làm ông vui nên tán dương: "Tuyệt quá!"
Thế nhưng, những thành công mà ông mong đợi chẳng mấy khi đến. Phần thưởng ông nhận được thường chỉ là giải khuyến khích hoặc giải phong trào. Có lần, không kiềm được bức xúc, ông kiện cả ban tổ chức vì cho rằng tác phẩm của mình xuất sắc như thế, sao lại không được giải? Ông lớn tiếng cho rằng, ban tổ chức không đủ trình độ để nhận ra tài năng của ông. Đáp lại, ban tổ chức đau đầu tìm mọi lý do để giải thích rằng tác phẩm của ông thật sự không đạt điểm trung bình so với tiêu chí. Ông lại càng thêm bức xúc, cho rằng có tiêu cực, gian lận.
Mặc kệ lời khuyên của mọi người, trong đó có tôi, ông vẫn tiếp tục gửi dự thi, tiếp tục con đường sáng tác của mình. Nhưng thật buồn, trước đây khi còn là kỹ sư, ông chưa từng có bất kỳ thành quả nào đáng kể. Bạn bè dần ngại tiếp xúc, vì mỗi lần gặp gỡ, ông lại chỉ thao thao bất tuyệt về những sáng tác mà ông coi là vĩ đại. Thực ra, ông chưa bao giờ nhìn thấy bản thân một cách chân thực, mà chỉ thấy cái bóng mờ nhạt của mình trên tường, khi ngọn đèn leo lét tạo nên ảo ảnh lớn lao trong đêm tối..
Ai cũng có thế mạnh của mình, hãy làm những việc mà mình có thể làm tốt nhất, đừng làm những việc là sở đoản dù nó hấp dẫn thế nào. Khi đi thi phải hiểu rằng mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng. Mỗi cuộc thi đều được xây dựng dựa trên những tiêu chí riêng, được đề ra bởi ban tổ chức. Người tham gia không chỉ cần thể hiện tài năng và nỗ lực mà còn phải tuân thủ luật chơi đã được quy định. Không chấp nhận luật chơi đồng nghĩa với việc phạm quy và không thể đòi hỏi một kết quả công bằng nếu bản thân đã vi phạm. Do đó, người tham dự cần hiểu rằng, luật lệ không chỉ là rào cản mà là cơ sở pháp lý, là nền tảng để tạo nên sự công bằng và chuyên nghiệp cho cuộc thi.
Thi thì có thắng có thua. Làm gì thi là ai cũng thắng. Con người là hữu hạn, trí óc có giới hạn. Giới hạn của người này lại là điểm mốc bắt đầu của tài năng người khác. Hiểu được lẽ thường đó, người dự thi mới biết chấp nhận thua cuộc. Đừng ảo tưởng về khả năng của mình. Người thắng cuộc, hay được giải sẽ vui sướng, người thua cuộc, không được giả sẽ không vui. Vui hay không vui chỉ là trạng thái nhất thời. Người thua cuộc đừng coi đó là sự bất công mà mình phải nhận. Vui hay không vui sau mỗi lần dự thi sẽ nhanh chóng qua đi. Đó là lẽ thường.
Con người là hữu hạn, và trí óc cũng có những giới hạn nhất định. Chúng ta không thể giỏi ở mọi lĩnh vực, và thành công trong cuộc thi này không đảm bảo thành công ở những lần sau. Hiểu được giới hạn của bản thân là cách để rèn luyện sự khiêm tốn. Khi tham gia một cuộc thi, điều quan trọng không phải chỉ là đạt giải mà còn là biết rõ năng lực của mình ở đâu, từ đó học hỏi để phát triển thêm.
Trong xã hội hiện đại, các cuộc thi là một phần không thể thiếu của đời sống sôi động, từ lĩnh vực học thuật, nghệ thuật đến thể thao và giải trí. Thực tế không ít người khi không đạt được kết quả như mong đợi, trở nên buồn bực, bức xúc, và thậm chí cực đoan như kiện ban tổ chức. Hiện tượng này phản ánh một tâm lý ảo tưởng về năng lực cá nhân và kỳ vọng quá mức vào kết quả. Khi không đạt được điều mình mong muốn, người ta dễ rơi vào trạng thái tức giận và đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác thay vì nhìn nhận lại bản thân. Kiện tụng hay phàn nàn không phải là cách để cải thiện bản thân. Việc chấp nhận kết quả với tâm thế bình tĩnh và xem đó là một trải nghiệm đáng giá sẽ giúp mỗi người học hỏi nhiều điều hay. Nên hiểu rằng, không phải lúc nào nỗ lực cũng mang lại thành công.
Giữ mãi những hào quang là tự giam mình vào phòng giam "tự luyến" (tự quá yêu bản thân) do chính mình tạo ra...
Nhiều người thường hay đắm chìm trong những lời khen tặng (thường là do phép lịch sự hoặc vì mục đích nào đó) của người khác mà không tự mình nhìn nhận thực tế. Những nhận xét từ bạn bè hay người thân có thể chỉ mang tính động viên, an ủi, và không thể đại diện cho tiêu chí của một cuộc chuyên nghiệp. Viết văn, viết báo hoặc chụp ảnh đều đòi hỏi sự sáng tạo và mới mẻ.
Có những người luôn tồn tại niềm tự hào về quá khứ, về những thành tích từng đạt được. Đó là những điều đáng trân trọng, nhưng việc cứ mãi giữ lấy chúng như một thước đo cho hiện tại thì không khác gì tự giam mình vào phòng giam "tự luyến" (tự quá yêu bản thân) do chính mình tạo ra. Sự tự hào ấy đã khiến nhiều người không nhận ra rằng thời gian và cuộc sống luôn vận động, những tiêu chuẩn và yêu cầu của xã hội cũng thay đổi theo.
Đam mê viết văn, nhưng xin đừng "tự luyến"...
Trong cuộc sống, không ít người có thói quen "tự luyến" như người chị - bạn vong niên của tôi, hoặc như ông kỹ sư bạn tôi mê làm văn chương như đã nói đến ở trên, luôn nghĩ rằng mình giỏi nhất, đáng được công nhận nhất và không ai có thể sánh bằng. Nhưng rồi, họ lại không nhận ra rằng chính những lời khen ngợi xã giao chỉ khiến họ đi lùi lại so với sự phát triển của xã hội. Những người đó thường khó chấp nhận những lời phê bình hoặc thất bại, bởi trong tâm trí họ, họ đã là người "đỉnh cao."
Thực ra, "tự luyến" không phải lúc nào cũng xấu, bởi nó giúp chúng ta có lòng tin vào bản thân. Tuy nhiên, khi tự luyến trở nên quá giới hạn sẽ tự diễn biến thành háo danh, Khi đó, nó sẽ làm cho con người lạc lối, tự mãn và khó tiếp nhận những lời khuyên chân thành. Thành công trong quá khứ không phải là giấy thông hành cho mọi thứ trong tương lai. Hãy biết mình đang ở đâu và luôn sẵn sàng học hỏi.
Cuộc đời mỗi người đều trải qua những lúc phải đối diện với sự thất bại, bị từ chối hay không được công nhận. Bằng cách chấp nhận sự thật và không ngừng nỗ lực, mỗi người mới có thể bước ra khỏi phòng giam "tự luyến" của chính mình để tiếp tục hành trình của đời người một cách vui vẻ, bình yên. Và hãy làm những gì mình giỏi nhất chứ đừng ảo tưởng về sự đa tài. Các cụ nói từ lâu rồi: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa.
Vậy nên cái phòng giam "tự luyến" do mình tạo ra vì ảo tưởng về chính mình thì chỉ làm khổ ... chính mình mà thôi!