Ngành giáo dục việt nam: Mang tinh thần của một dân tộc, càng áp lực càng nỗ lực
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng thì giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp giáo dục nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Hoàn thiện Luật Nhà giáo, bổ sung biên chế giáo viên
Trong Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, động viên 60 nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Đây là các cô giáo, thầy giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo thuộc các cấp học khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước. Trong đó, có thầy, cô dạy học ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Rất nhiều cô giáo, thầy giáo là giáo viên cốt cán của tỉnh, thành phố, giáo viên giỏi với nhiều thành tích quan trọng trong công tác giảng dạy đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; là những nhà khoa học với nhiều sản phẩm khoa học và giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã trở thành sự kiện thường niên mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Năm nay là năm thứ 4 Thủ tướng tiếp tục duy trì sự kiện này. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, quan tâm, động viên rất lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Giáo dục nói chung và với lực lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển lực lượng đội ngũ nhà giáo, coi nhà giáo là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước. Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Trước những thách thức phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT đã xác định rõ các việc ngắn hạn và dài hạn cần thực hiện. Trong đó, trong thời gian trước mắt, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục năm học 2024 - 2025 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, công tác triển khai thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo tại các địa phương.
Tại buổi gặp mặt, các thầy, cô giáo đã chia sẻ về công việc, nỗ lực của bản thân, sự gắn bó và tự hào với nghề giáo. Đồng thời cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi về nghề nghiệp và sự nghiệp giáo dục.
Là giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô giáo Đào Thị Huế đã chia sẻ về niềm hạnh phúc, sự nỗ lực gấp nhiều lần của mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật. “Hạnh phúc của những thầy, cô giáo dạy học sinh khuyết tật bình dị lắm, đến từ những tiến bộ nhỏ của học sinh khi các em biết tự xúc ăn, biết chào cô khi vào lớp, biết viết những dòng chữ vụng về trên tấm thiệp tặng cô. Nếu cho được chọn lại nghề, tôi chắc chắn vẫn chọn nghề giáo để gắn bó với những học trò khuyết tật”, cô Huế bộc bạch và bày tỏ hạnh phúc vì sự tiến bộ của học trò, sự tin yêu của phụ huynh học sinh.
Gắn bó với nghề giáo tại vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên, cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1 (Mường Nhé, Điện Biên) được chứng kiến sự đổi mới và phát triển không ngừng của ngành Giáo dục, khi ngày càng nhiều ngôi trường mới mọc lên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại ngày càng được đầu tư nhiều hơn.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Chuyên, có được những điều này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là với giáo dục ở vùng khó khăn như Điện Biên. “Đây là sự cổ vũ động viên to lớn, là động lực để giáo viên chúng tôi giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi biên cương”, cô Chuyên bày tỏ.
Mỗi nhà giáo góp phần làm nên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, với tình cảm chân thành, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng các thầy, cô giáo có mặt tại buổi gặp mặt và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giáo dục luôn là trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chính trong giai đoạn ngặt nghèo nhất thì giáo dục lại bừng sáng, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh để cùng dân tộc làm nên kỳ tích. Từ thời kỳ phong kiến, hình ảnh ông đồ đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, của cốt cách thanh tao, là sự ngưỡng mộ của Nhân dân.
Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, ngành Giáo dục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo hiền tài, tôi luyện lý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão... đóng góp lớn cho sự nghiệp thống nhất non sông.
Trong công cuộc đổi mới, ngành Giáo dục đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Nước ta từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới năm 2023. Từ một nước phải chống “giặc đói, giặc dốt”, hơn 90% dân số mù chữ trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục.
Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, nền tảng giáo dục, lòng yêu nước, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực. Đặc biệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng bày tỏ, các thầy cô là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu; trong đó có những thầy cô vừa làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa làm tốt công tác quản lý. Nhiều thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã gác lại niềm riêng để ngày ngày cắm bản, gùi chữ lên non, đưa ánh sáng tri thức đến với đồng bào. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà các thầy, cô giáo trong những năm vừa qua, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19”, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những cống hiến không biết mệt mỏi của các thầy, cô giáo và toàn ngành Giáo dục.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang nêu trên, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy, cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”.
Trong đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành Giáo dục thực hiện có chất lượng ngày càng tốt tất cả các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận số 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến.
Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” và hợp lý.
Tất cả cùng chung tay sát cánh với ngành Giáo dục trong sự nghiệp “trồng người” cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện, xứng tầm truyền thống văn hóa - lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, bất khuất của đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng chia sẻ: “Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì thế, mỗi thầy giáo, cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui”.