Tác hại của khói thuốc lá đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em
Hiện nay, do ảnh hưởng lối sống thích thể hiện, nhiều phụ nữ và trẻ em gái tìm đến thuốc lá điện tử. Họ không biết rằng, phụ nữ, trẻ em hít và hút thuốc lá bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Tỷ lệ nữ hút thuốc lá gia tăng
Mới đây, tại TP. Nha Trang diễn ra Hội thi sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe - Không khói thuốc” khu vực miền Trung và Tây Nguyên do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tại hội thi, chiếm hơn 2/3 tiểu phẩm dự thi đều có hoạt cảnh, cảnh báo về tình trạng gia tăng hút thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, shisha ở phụ nữ, nhất là trẻ em gái lứa tuổi học sinh và những tác hại khôn lường của nó.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành viên Ban giám khảo khẳng định, hoạt cảnh của các tiểu phẩm nêu lên đúng với thực tế, báo động tình trạng hiện nay, từ thuốc lá điếu truyền thống đến các sản phẩm mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đang nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là nữ giới. Đáng lo ngại, loại thuốc lá mới này đang được chào bán tràn lan trên các mạng xã hội Facebook, TikTok thông qua các nhóm hội, kín. Để gia tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm, những nơi bán có nhiều chiêu thức quảng cáo tinh vi gây hiểu lầm đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, không như thuốc lá điếu. Nhiều hội nhóm còn đưa ra hàng loạt video dạy cách "nhả khói" tạo "trend", từ đó quảng cáo bán thuốc lá trá hình… Trong khi đó, thuốc lá được bán tràn lan trên khắp các diễn đàn mạng xã hội nên giới trẻ dễ dàng tiếp cận.
Theo báo cáo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, trong 5 năm (2015 - 2020), tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá tăng từ 1,1 lên 1,7% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong đó, tỷ lệ trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường, có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,7%.
Những tác hại khôn lường
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá có thể gây vô sinh ở phụ nữ, gây các dị tật bẩm sinh cho thai nhi nếu người mẹ hút thuốc lá nhiều. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non. Phụ nữ hút thuốc gây mất khả năng thụ thai khoảng 30%, sinh non tăng 20%, mang thai ngoài tử cung tăng từ 2 đến 4 lần và sẩy thai tăng lên 1,5 - 3 lần. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy có thể gây ra sự biến đổi gene, dẫn đến tình trạng thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, ung thư và nhiều mối lo ngại cho sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, theo số liệu của WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp; khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động mà 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Điều đó có nghĩa, hàng năm có gần 760.000 phụ nữ và 180.000 trẻ em vô tội chết vì hít phải khói thuốc lá thụ động. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, gần 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký kết với Bộ Y tế về phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và hút thuốc lá thụ động, nhất là thuốc lá điện tử. Đồng thời, vận động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ vừa là một tuyên truyền viên tích cực, nòng cốt trong hoạt động phòng, chống thuốc lá, vừa bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bà Tôn Ngọc Hạnh, những con số đáng báo động nêu trên cho thấy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, tất cả các cấp trong quá trình thực hiện chính sách kiểm soát thuốc lá; thực thi các quy định của pháp luật về môi trường không khói thuốc. Có như thế mới bảo vệ được sức khỏe của phụ nữ và trẻ em trước những tác hại của khói thuốc lá hiện nay.
C.ĐAN