Ngành Giáo dục Phú Thọ nói không với thuốc lá trong trường học

Tình trạng một số học sinh tiếp cận sớm với thuốc lá dẫn đến nghiện thuốc lá đang trở thành mối lo của nhiều gia đình và toàn xã hội.

Cuộc thi “Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên” tỉnh Phú Thọ năm 2024.

Cuộc thi “Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên” tỉnh Phú Thọ năm 2024.

Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các nhà trường.

“Tăng đề kháng” thuốc lá cho học sinh

Theo kết quả điều tra Đánh giá tình hình sử dụng thuốc lá và kết quả thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Phú Thọ năm 2020 cho thấy, trong tổng số đối tượng nghiên cứu (từ 15 tuổi trở lên), có 5% đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và có 1% số người từng nghe tới hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử. Ở nhóm tuổi từ 15 -24 là nhóm tuổi biết đến thuốc lá điện tử nhiều nhất chiếm 50,9%.

Để bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá nói chung và đặc biệt là thuốc lá điện tử, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá; xây dựng Môi trường trường học không khói thuốc; phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền, vận động cha mẹ, người thân gương mẫu không hút thuốc lá.

Sở GD&ĐT Phú Thọ tích cực triển khai theo tài liệu, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới cho học sinh phổ thông và tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện xây dựng trường học không khói thuốc, đưa nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá ngay khi năm học mới được bắt đầu.

Các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào nội quy, quy chế của trường, là tiêu chí để đánh giá thi đua hằng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.

Hiện nay, Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) có gần 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, trong đó tỷ lệ là nam giới chiếm trên 41%. Để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, trong đó, thầy giáo nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của Nhà trường, tạo hiệu ứng tích cực trong tuyên truyền đến học sinh.

Nhà trường hiện lưu giữ, trưng bày rất nhiều các tư liệu với nhiều hình ảnh sinh động, thông điệp ngắn gọn, những bức tranh, ảnh, bài thơ, video ngắn ý nghĩa về đề tài phòng, chống tác hại của thuốc lá - là những tác phẩm của giáo viên, học sinh của nhà trường được thực hiện trong các hoạt động ngoại khóa, phong trào thi đua trong năm học vừa qua.

Cô giáo Đinh Lan Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa cho biết: Qua những hoạt động như vậy, học sinh tất cả các khối tham gia tích cực, sáng tạo, các em đã nghĩ ra nhiều ý tưởng hay trong việc tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và các biện pháp ngăn ngừa, tác động tiêu cực của thuốc lá đến đời sống, môi trường.

 Khẩu hiệu tuyên truyền, gắn bảng, biểu tượng cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học tại Phú Thọ.

Khẩu hiệu tuyên truyền, gắn bảng, biểu tượng cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học tại Phú Thọ.

Tăng cường giám sát

Thực tế hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã ban hành việc nghiêm cấm sử dụng thuốc lá trong trường học.

Bằng nhiều cách làm khác nhau, các trường học trên địa bàn tỉnh đã từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường. Đến nay, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá của các nhà trường đã trở thành hoạt động nền nếp, thường xuyên, được mọi người tích cực hưởng ứng và tham gia.

Ngoài ra, việc giáo dục học sinh tránh xa thuốc lá điện tử đã được ngành giáo dục tỉnh đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các trường phổ thông, trung học, tiểu học qua các môn học. Bên cạnh đó, các hoạt động thi tìm hiểu, tiểu phẩm, vẽ tranh, phát thanh truyền thông dưới cờ cũng được các cơ sở giáo dục chú trọng.

Nhiều trường đã xây dựng trường học không khói thuốc lá, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên đã bỏ hút thuốc lá, thực hiện nghiêm quy định không hút thuốc lá trong trường học. Đặc biệt, nhiều học sinh được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá khi về gia đình đã tích cực tham gia vận động người thân từ bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Một số trường còn đưa công tác phòng chống tác hại thuốc lá vào tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ, giáo viên và các lớp học.

Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên hiện nay vẫn đang ở mức báo động. Nguyên nhân, các hãng thuốc lá điện tử đang nhắm đến trẻ em thông qua mạng xã hội và những người có ảnh hưởng. Ngoài ra, phần lớn học sinh, đoàn viên thanh niên có hút thuốc thường sử dụng ở phạm vi ngoài trường học nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, các em dễ dàng mua thuốc lá ở nhiều nơi như quán nước, quán ăn, …

Để phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử trong học sinh, các nhà trường cần có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm khắc trong việc xử phạt hành vi hút thuốc lá trong môi trường học đường. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức và nhận thức về tác hại của thuốc lá ở mỗi học sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng.

Phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh, các trường học cần phối hợp với ngành y tế, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử tại các trường học và chỉ đạo xây dựng mô hình trường học không khói thuốc.

Giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ góp phần trực tiếp hình thành đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức tuân thủ pháp luật đối với học sinh, hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe bản thân.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-phu-tho-noi-khong-voi-thuoc-la-trong-truong-hoc-post709830.html
Zalo