Chủ động tầm soát nguy cơ ung thư sớm để bảo vệ sức khỏe
Ung thư là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao vì phần lớn những ca bệnh khi đến khám ung thư đã tiến vào giai đoạn cuối. Việc tầm soát ung thư tổng quát định kỳ là rất quan trọng để giúp phát hiện bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và tăng khả năng chữa khỏi cho người bệnh.
Có không ít câu chuyện về ung thư kết thúc bằng từ “giá như” và thường là đã quá muộn. Anh Lê Văn Tài, huyện Yên Định kể lại câu chuyện buồn trong gia đình mình: "Dì tôi mất vì bị ung thư vú, vài tuần sau đám tang của dì, mẹ tôi đột nhiên cũng đau quặn ở ngực. Cả nhà nghĩ chắc là mẹ đau lòng vì sự ra đi của dì nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc để mẹ vơi bớt nỗi buồn. Đến khi cơn đau ngày càng nhiều và dai dẳng, chúng tôi mới đưa mẹ đi bệnh viện để khám thì được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 4. Giá như chúng tôi quan tâm mẹ hơn, đưa mẹ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra những yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời".
Còn với anh Bùi Văn Thành, 44 tuổi, ở huyện Quảng Xương đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị ung thư. Cách đây khoảng 3 tháng, anh bắt đầu xuất hiện những cơn ho dai dẳng, cho rằng chứng ho này chỉ là kết quả của việc hút thuốc nên chỉ mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên sau 2 đợt uống kháng sinh các cơn ho vẫn không dứt, lại xuất hiện tình trạng hụt hơi, tức ngực, ho ra máu nên đến cơ sở y tế để khám mới phát hiện bị ung thư phổi. Sau phẫu thuật, anh Thành đang được truyền hóa chất đợt 4. Anh Thành cho biết, do mải làm ăn và thấy sức khỏe ổn định nên không nghĩ đến việc đi khám sức khỏe định kỳ, đến khi thấy sức khỏe suy kiệt mới vào viện khám thì tình trạng bệnh đã tiến triển nặng, khối u đã di căn.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của y học, ung thư có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Nhiều tổn thương ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm như: ung thư dạ dày, đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, tuyến giáp... Các bệnh lý ung thư khác nếu được phát hiện sớm cũng sẽ tăng hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở TP Thanh Hóa, chia sẻ: "Bản thân sức khỏe bình thường, ăn uống khoa học, thường xuyên chơi thể thao. Thời gian gần đây tôi thấy cơn đau quặn, buồn nôn, nghĩ là do ăn uống nên tự mua thuốc về điều trị, tình trạng cơn đau vẫn xuất hiện nên quyết định đi khám kiểm tra. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện tôi có polyp đại tràng - yếu tố có thể phát triển thành ung thư nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. Thật may mắn khi tôi đi kiểm tra kịp thời và đã được các bác sĩ tiến hành cắt bỏ polyp để ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra".
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, căn bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Tại Thanh Hóa, mỗi năm có gần 8.000 bệnh nhân mắc ung thư mới được phát hiện. Tuy nhiên, theo thống kê của các bệnh viện điều trị ung thư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có tới hơn 60% bệnh nhân ung thư đến giai đoạn 3, giai đoạn 4 mới được phát hiện, khi bệnh đã diễn biến nặng và di căn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Khi nói đến ung thư, bệnh nhân sẽ rất lo lắng, họ thường nghĩ đến câu nói dân gian “ung thư là án tử”, nhưng ngày nay y học phát triển, có nhiều phương pháp để điều trị các bệnh lý ung thư. Điều quan trọng nhất, chúng ta phát hiện được ở giai đoạn nào, nếu ở giai đoạn càng sớm thì chúng ta có thể điều trị khỏi, ví dụ một số bệnh lý ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan. Có một số bệnh nhân điều trị tốt và cơ hội sống thêm được 8 đến 10 năm và không có dấu hiệu tái phát trở lại.
Sự phát triển của các trường hợp ung thư ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết, khiến người bệnh chủ quan. Khi có các triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện những bất thường. Điều này không chỉ cần thiết đối với người có nguy cơ cao mà còn với tất cả mọi người, đặc biệt là những người từ 40 tuổi trở lên. Tầm soát ung thư bao gồm việc khám bởi bác sĩ chuyên khoa, chỉ định các xét nghiệm phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguy cơ. Mục đích của tầm soát là để phát hiện sớm ung thư khi chưa có biểu hiện lâm sàng, khi được phát hiện ở giai đoạn đầu thì điều trị sẽ hiệu quả tốt hơn. Việc tầm soát ung thư tổng quát định kỳ không chỉ giúp phát hiện những dấu hiệu ung thư, mà còn phát hiện được những tổn thương tiền ung thư, có nguy cơ phát triển thành ung thư, từ đó, đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện ra các dấu hiệu ung thư ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng nào. Điều này quyết định việc ngăn ngừa bệnh khởi phát, hoặc tăng cơ hội sống thông qua điều trị hiệu quả nếu đã mắc ung thư.