Tác giả - Tác phẩm: Cô giáo dạy Văn

Đọc tập thơ 'Chút nắng cho hoa hồng' của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng (Nhà xuất bản Văn học 2015), bạn đọc sẽ bắt gặp hình ảnh cô giáo dạy Văn với lòng yêu nghề và tình yêu thương hết mực dành cho học trò.

Trong tập thơ này, bài thơ “Cô giáo dạy Văn” được viết theo thể thơ lục bát thật uyển chuyển, có kết cấu đầu cuối tương ứng, sử dụng các phép tu từ rất tài hoa đã khắc họa thành công hình ảnh người thầy.

Khắc họa hình ảnh người thầy, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng không đi theo một mô-típ truyền thống. Nhà thơ khắc họa hình ảnh người thầy thông qua hình ảnh một cô giáo dạy Văn. Nhiều người thắc mắc dạy Văn thì có thể dạy rất nhiều tác phẩm văn học, nhưng tại sao nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng lại đưa tác phẩm “Truyện Kiều” để mở đầu cho việc dạy Văn của một cô giáo? Điều này không có gì là khó hiểu. Bởi “Truyện Kiều” là kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại... Hơn thế nữa, “Truyện Kiều” mang tính nhân văn cao cả. Chính vì thế mà ngay 2 câu thơ đầu hình ảnh người thầy hiện lên rất trân trọng, rất đáng kính: “Dạy Kiều từ thuở tóc xanh/ Đến hoa râm vẫn trong lành giọng cô”. Nhà thơ đã sử dụng phép tu từ đảo ngữ để làm nổi bật hình ảnh một cô giáo dạy Văn. Cô dạy từ lúc tóc còn xanh mãi cho đến khi tóc đã hoa râm mà giọng cô vẫn còn trong lành. “Giọng cô trong lành” là chất giọng âm thanh trong trẻo, hay là những phẩm chất đạo đức mà cô thể hiện qua ngôn từ...? Nếu chỉ hiểu theo cách thứ nhất, thì đâu còn là thơ nữa. Phải nói là cách lựa chọn từ ngữ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng rất tài hoa.

Chất tài hoa của Nguyễn Ngọc Hưng tiếp tục được thể hiện trong 2 câu thơ tiếp theo: “Tiếng kêu đứt ruột liễu bồ/ Mỗi lần giảng nước mắt khô lại duềnh”. Bằng bút pháp ẩn dụ, thậm xưng, 2 câu thơ đã khắc họa rất thành công hình ảnh một cô giáo dạy Văn. Dạy Văn là một nghệ thuật, là quá trình “đi từ tâm hồn đến tâm hồn, từ trái tim đến trái tim”. Người thầy không thể dạy Văn bằng một cõi lòng ráo hoảnh. Mỗi lần dạy “Đoạn trường tân thanh” thì nước mắt cô lai láng như dòng nước sâu. Phải nói là cô có một tâm hồn văn chương phong phú. Cô đã truyền đạt đến học trò tất cả những rung động thẩm mỹ về niềm thương, nỗi đau, niềm hạnh phúc và lý tưởng sống cao đẹp của văn chương. Cô đã thổi vào trong tâm hồn học trò ngọn lửa của niềm đam mê tìm hiểu và sáng tạo văn chương. Chính vì thế mà giờ văn của cô, học trò đã để đời.

“Kiều xưa ân trả nghĩa đền/ Học trò cô lẽ nào quên ơn người?”. Câu hỏi tu từ một lần nữa khẳng định tâm hồn trong sáng đẹp đẽ của cô giáo dạy Văn. Cô không chỉ dạy Văn mà còn dạy học trò cách làm người. Tâm hồn của cô thật cao thượng. “Dưỡng cành héo được hoa tươi/ Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong”. Khổ thơ thể hiện triết lý sống. Sống phải biết tha thứ và nâng đỡ khi một ai đó bị lỗi lầm, phải biết làm những điều phải. Tất cả những lời cô dạy, học trò không chỉ thuộc lòng mà còn thấm trong máu. “Học văn đâu chỉ thuộc lòng/ Những lời cô giảng thấm trong máu rồi”. Nhà thơ đã dùng câu phủ định để khẳng định về chất lượng hiệu quả giáo dục của cô qua bài giảng. Học trò nào có thể quên được những câu mang tính triết lý mỗi khi cô giảng “Kiều”. “Của tiền nước chảy mây trôi/ Chữ nhân, chữ nghĩa lắng bồi phù sa...”. Chữ nhân chữ nghĩa đã thấm vào trong máu thịt học trò, nên dù có đi đâu, làm gì chăng nữa học trò vẫn nhớ đến cô. “Hiến chương em đến thăm nhà/ Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẩy Kiều!”. Làm nghề giáo không gì hạnh phúc bằng học trò cũ đến thăm. Mặc dù đã bao năm rồi, lớp lớp học trò của cô ra trường nhưng vẫn còn nhớ đến những tác phẩm mà cô đã dạy. Giờ đây, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo, cô trò lại quây quần bên nhau, chọn một vài câu Kiều để bình phẩm. Câu thơ “Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẩy Kiều” là một “nhãn tự” đã làm sáng cả bài thơ.

PHẠM VĂN HOANH

Cô giáo dạy Văn
Dạy Kiều từ thuở tóc xanh
Đến hoa râm vẫn trong lành giọng cô
Tiếng kêu đứt ruột liễu bồ
Mỗi lần giảng nước mắt khô lại duềnh
Kiều xưa ân trả nghĩa đền
Học trò cô lẽ nào quên ơn người?
Dưỡng cành héo được hoa tươi
Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong
Học văn đâu chỉ thuộc lòng
Những lời cô giảng thấm trong máu rồi
Của tiền nước chảy mây trôi
Chữ nhân chữ nghĩa lắng bồi phù sa...
Hiến chương em đến thăm nhà
Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẩy Kiều!
NGUYỄN NGỌC HƯNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202411/tac-gia-tac-pham-co-giao-day-van-7a6416a/
Zalo