Vẫn hiếm những tác phẩm văn học đỉnh cao

Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau năm 1975 là phong phú về chủng loại nhưng còn khiêm tốn về chất lượng, hiếm những tác phẩm đỉnh cao. Bên cạnh đó, hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”. Ảnh: Hoàng Hoa.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”. Ảnh: Hoàng Hoa.

Đó là một số ý kiến đánh giá tại Hội nghị Lý luận phê bình (LLPB) văn học lần thứ V: “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội.

Phê bình dần thoát khỏi lối áp đặt, máy móc

Tại đây, các nhà sáng tác, phê bình văn học đã có một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và về xu thế của văn học Việt Nam trong một thời đại mới; về thực trạng tình hình lý luận phê bình trong văn học nghệ thuật hiện nay.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau năm 1975 đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. “Thơ của họ gần gũi với cuộc đời, gần với thiên nhiên, với tâm sự buồn vui của con người hơn. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới” - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết.

Trong lĩnh vực LLPB, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa LLPB đã giúp cho đời sống LLPB có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn hiện đại đã giúp cho LLPB dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều. Đây là những cú hích quan trọng để LLPB văn học sau năm 1975, đặc biệt đến nay có sự đổi mới thực sự, từng bước hội nhập với trình độ nghiên cứu văn học của khu vực và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Chủ tịch Hội đồng LLPB văn học (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, phần lớn đội ngũ cầm bút là những nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân. Đáng chú ý là một số cây bút xuất sắc đã nhận được nhiều giải thưởng văn học quốc tế có uy tín. Cao trào Đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái...

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương, trong 50 năm qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội.

“Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn học Việt Nam, lĩnh vực LLPB văn học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phần lớn các nhà LLPB nước ta là những người gắn bó, tâm huyết với văn học dân tộc, có ý thức đổi mới về nhận thức, quan niệm và cách thức kiến tạo diễn ngôn LLPB” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Người yêu thơ xem các kỷ vật của các nhà thơ dân tộc tại không gian Ngày thơ Việt Nam 2024. Ảnh: Lê Minh.

Người yêu thơ xem các kỷ vật của các nhà thơ dân tộc tại không gian Ngày thơ Việt Nam 2024. Ảnh: Lê Minh.

Tiếp tục bám sát thực tiễn

Bên cạnh đó, một số nhà LLPB văn học nhận định, đời sống văn học Việt Nam sau năm 1975 vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và LLPB từ sau năm 1975 phong phú về chủng loại nhưng còn khiêm tốn về chất lượng, hiếm có những tác phẩm đỉnh cao.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, nhân tố quan trọng nhất quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng, tâm huyết của người cầm bút. Trong đời sống nghệ thuật đương đại, cần nhìn thấy rõ hơn sự tương tác giữa viết và đọc, giữa sáng tạo và tiếp nhận vì tiếp nhận cũng cần đến sự đổi mới về trình độ thưởng lãm nghệ thuật để nhận thấy và mở lòng trước những cách tân.

Đúng hơn, nhà văn lớn cần đến người đọc lớn. Và người đọc lớn đòi hỏi phải có nhà văn lớn tương ứng. Đó là chiều sâu của tư duy đối thoại và sự vận hành của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại. Tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để mạnh đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới.

Còn ở lĩnh vực LLPB, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà LLPB. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ LLPB là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ. Cùng với đó, tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút LLPB.

Hội nghị đã nhận được 43 tham luận, qua đó cung cấp cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và về xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, hội nghị mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.

P.Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-hiem-nhung-tac-pham-van-hoc-dinh-cao-10295424.html
Zalo