Sức sống TP.HCM - Bài 1: Sự kết tinh 50 năm và tầm nhìn cho kỷ nguyên phát triển mới
Bằng sự chủ động, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, chuyên gia và người dân, TP.HCM đã bứt phá, vươn mình suốt 50 năm qua và đạt được những thành tựu nổi bật, xứng tầm đô thị đầu tài của cả nước.
Hôm nay (30-4), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong phòng, chống đại dịch COVOD-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn. Thành phố là nơi khơi nguồn, lan tỏa, đóng góp nhiều cách làm giá trị, góp phần định hình các quyết sách quan trọng của trung ương, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Chính từ đây đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến ở hầu khắp các lĩnh vực, với cách làm năng động, sáng tạo, đột phá, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. 50 năm là dịp để chúng ta cùng nhìn lại truyền thống của một Thành phố Anh hùng; sự bản lĩnh, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm suốt một chiều dài thế hệ. Đó là những kết tinh giá trị không thể thiếu để TP.HCM cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới.
*****
Để có được những thành tựu phát triển như ngày hôm nay, 50 năm qua các thế hệ lãnh đạo và nhân dân TP.HCM đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, với nhiều giải pháp đột phá, để xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị hiện đại, vươn tầm quốc tế.

50 năm qua, TP.HCM đã trở thành một đô thị hiện đại, vươn tầm quốc tế. Ảnh: THUẬN VĂN
Nhạy bén tìm tòi hướng đi mới
Từ năm 1979, kinh tế TP.HCM bộc lộ những hạn chế. Hai nhiệm vụ đặt ra với lãnh đạo TP.HCM lúc bấy giờ là lo cái ăn cho dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết thời điểm đó, lãnh đạo TP thực hiện kế hoạch ba lợi ích. Đó là lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Các câu lạc bộ giám đốc hay còn gọi là nhóm thứ 6 ra đời. Hàng tuần, nhóm thứ 6 có cuộc trao đổi với bí thư thành ủy tại nơi làm việc hoặc nhà riêng.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN
“Từ những cuộc trao đổi thường xuyên về cách làm, về các sáng kiến, TP đã có cơ chế phổ biến, phát động học tập cái mới, ủng hộ cái mới. Chính vì vậy mà sức sản xuất của TP được bung ra, cho ra đời những Dược phẩm 2/9, Dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú…” – ông Trực nói và cho biết từ những năm đầu thập niên 1980, nền kinh tế TP bắt đầu phát triển, tăng trưởng mọi mặt. Tỉ trọng sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước.
Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, từng nhiều lần chia sẻ với báo chí về những đề án "vượt rào" của những năm đầu đổi mới. Là một trong những chuyên gia thuộc nhóm kinh tế thứ 6, ông cùng các thành viên đề xuất nhiều đề án lên chính quyền thành phố lúc bấy giờ. Trong đó, có các dự án khai phá vùng đầm lầy ngập mặn Nhà Bè để hình thành khu đô thị Nam Sài Gòn ngày nay.
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, đầu năm 1980, tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, người thiếu ăn, nhà máy thiếu nhiên liệu, thị trường thiếu hàng… Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp phải tự suy nghĩ về một đề án phát triển, trong đó cần có phương án để thu hút đầu tư nước ngoài bởi trong nước đã dần cạn vốn sau giải phóng. Do vậy, nhóm chuyên gia đã đề xuất phương án thành lập khu chế xuất và được chấp thuận…
Bằng sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ và TP, TP.HCM đã thu được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Nếu tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trước 1982 chỉ là 2,18% thì đến năm 1986 đã đạt 8,17%.

Khu vực Vinhome Tân Cảng với tòa nhà Landmark 81, công trình góp phần thay đổi diện mạo đô thị TP.HCM. Tại thời điểm khai trương, The Landmark 81 không chỉ trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á mà còn lập các kỷ lục khác như: tầng quan sát cao nhất Việt Nam, căn hộ cao nhất Việt Nam và nhà hàng, quán bar cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: THUẬN VĂN
Lập khu chế xuất đầu tiên của cả nước
Ông Phạm Chánh Trực cho hay năm 1989, ông về làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phụ trách mảng kinh tế đối ngoại và nghiên cứu tìm lối ra.
Thời điểm ấy, TP không có công nghệ, không có thị trường, không có lực lượng sản xuất đủ giỏi để cạnh tranh… nên chỉ còn con đường hợp tác đầu tư với nước ngoài để cùng tạo ra sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người dân. TP.HCM cũng đã xây dựng đề án “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” và cử đoàn công tác sang nước ngoài học tập kinh nghiệm.
“Năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên tại TP.HCM và trên cả nước được xây dựng và đi vào hoạt động” – ông Trực nói và cho biết một năm sau đó, mô hình KCN-KCX được nhiều tỉnh, thành khác thực hiện, nhân rộng ra. Vậy nhưng trăn trở lớn nhất lúc này là chúng ta chưa có công nghệ cao, công nghệ mới, sản phẩm công nghệ cao.
Chính từ đó mà ý tưởng về Khu công nghệ cao TP.HCM hình thành (lúc đó tên gọi là Khu công nghiệp kĩ thuật cao, sau đó Bộ Khoa học thống nhất tên Khu công nghệ cao- PV). Và rồi Công ty xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao ra đời sau đó.
Đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu công nghệ cao TP, ông Phạm Chánh Trực được bổ nhiệm làm trưởng ban quản lý. Sau một thời gian hoạt động, xuất khẩu của Khu công nghệ cao chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch của TP, khoảng 41 tỉ USD. Cho đến nay, Khu công nghệ cao đóng vai trò rất lớn trong hoạt động sản xuất, nhất là xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao.
Sau khu chế xuất, TP tiếp tục hợp tác đầu tư, xây dựng đường Nguyễn Văn Linh”, “Khu đô thị Nam Sài Gòn”, khai phá vùng đầm lầy ngập mặn Nhà Bè…
Mặc dù đi lên từ nhiều khó khăn nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động, sáng tạo, TP.HCM đã nhạy bén tìm tòi hướng đi mới, tiến tới “xé rào, vượt rào”, tạo nên sự đột phá của TP mang tên Bác.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98.
Đổi mới, góp sức xây dựng thể chế kinh tế thị trường
Gắn bó với TP.HCM từ những năm 1990, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng TP đã có nhiều đóng góp trong quá trình đổi mới và phát triển cùng đất nước, góp phần hoạch định chính sách, tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế, cơ chế, quan trọng nhất là đổi mới và xây dựng thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
“Năm1986, đột phá lớn nhất là chúng ta đã thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Tới trước Đại hội VII thì dần hình thành khái niệm mạnh hơn là ‘xây dựng, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước’. Và đến Đại hội IX, chúng ta đi tới mô hình cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay” - TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Cũng theo ông Lịch, quá trình chuyển mình đó, TP.HCM đã nhận ra những điểm nghẽn - đó là sự bất cập giữa quy mô phát triển với cơ chế chật hẹp nên không làm được.
“Chính vì vậy, trong các Nghị quyết 01/1982, Nghị quyết 20/2002, Nghị quyết 16/2012, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và gần nhất là Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Trung ương đều quan tâm, gỡ khó về cơ chế cho TP.HCM, nhất trong những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng luật pháp chưa quy định hoặc quy định không phù hợp” - TS Trần Du Lịch đánh giá.

Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Mở cửa cho khu vực kinh tế tư nhân
Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, đã có những phát sinh từ thực tiễn khiến việc thực hiện không hề dễ dàng. Chỉ riêng lĩnh vực kinh tế, hàng loạt vấn đề cần được xử lý cả về chủ trương, chính sách và biện pháp thực tế. Trong hoàn cảnh ấy, bằng tư duy tự chủ, sáng tạo trong công tác lãnh đạo điều hành, TP đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả.
Cụ thể, TP.HCM đã ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung.
“Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên trong cả nước được thành lập năm 1991; Công ty Cổ phần Cơ điên lạnh REE là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam năm 1993...” – ông Danh Tiên nói thêm và nhìn nhận từ thực tiễn của TP.HCM đã góp phần giúp Trung ương từng bước hoàn thiện đường lối đối mới, đặc biệt là hai vấn đề lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
PGS.TS Nguyễn Danh Tiên khẳng định khi nhìn lại thành quả đạt được của TP.HCM sau 50 năm xây dựng và phát triển cho thấy sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM không chỉ là sự kế thừa lịch sử hơn 300 năm hình thành TP Sài Gòn mà còn thừa hưởng di sản hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đúc kết tính cách của người Sài Gòn xưa - nay là TP.HCM, cũng như của người dân Nam Bộ nói chung là “bản lĩnh kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khả năng hợp tác cao và luôn luôn thích ứng cao với thực tiễn. Ở đó, chúng ta cũng luôn tìm thấy sự thể hiện sâu đậm của “phong cách khoan dung, khoáng đạt, tinh thần nghĩa hiệp, nhân hậu và nặng nghĩa tình”.
Diện mạo TP.HCM thay đổi từng ngày
Với những nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM, đến năm 2002 chúng ta cơ bản đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng.
TP.HCM duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch đúng hướng; có những ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực và của cả nước; có những đóng góp quan trọng trong việc mở cửa, hội nhập kinh tế cả nước với kinh tế khu vực và thế giới...
Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của TP đã từng bước phục hồi tích cực. Các dự án lớn nhằm phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, cải tạo môi trường và chỉnh trang đô thị được quan tâm triển khai, góp phần làm thay đổi diện mạo của TP.
PGS.TS NGUYỄN DANH TIÊN
*****
Khẳng định vị thế kinh tế TP.HCM
Trong 10 năm đầu sau giải phóng, TP.HCM đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, từ năm 1986 đến nay, TP đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ thực tiễn sinh động, TP đã cung cấp nhiều kinh nghiệm về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THANH NGHỊ
Ý KIẾN
Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM:
Tinh thần luôn vươn lên của TP.HCM
50 năm qua, TP.HCM đạt được một số thành quả trên tất cả các lĩnh vực. TP đã giữ được ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và cùng với cả nước giữ được môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Kinh tế TP.HCM phát triển về cả quy mô lẫn chiều sâu. Đến hôm nay, TP có 230.000 doanh nghiệp trên tổng số 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, có 400.000 hộ kinh doanh cá thể và chiếm tỉ trọng lớn trong GRDP cũng như trong đóng góp ngân sách quốc gia.
Người dân TP đã luôn đặt câu hỏi là 50 năm qua, họ được gì? Tôi cho rằng đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Từ thiếu ăn, chúng ta đã khắc phục được rồi thực hiện xóa đói giảm nghèo, đến nay đã cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Từ thu nhập bình quân đầu người 65 USD sau giải phóng thì đến nay con số là 7.758 USD đến cuối năm 2024, TP cũng phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đạt 8.500 USD.
TP cũng có bước phát triển lớn về giáo dục đào tạo với 70 trường đại học, cao đẳng, viện đào tạo; thực hiện chính sách miễn học phí từ mầm non đến phổ thông… Có những trường đào tạo hàng đầu như ĐH Quốc gia TP.HCM với 1.620 tiến sĩ, 8 trường thành viên tự lực kinh phí với 15/18 ngành đào tạo thuộc top 500 của thế giới.
TP cũng phát triển hệ thống y tế với 133 bệnh viện, ứng dụng công nghệ cao và đang củng cố ba tuyến chăm sóc sức khỏe cho người dân, đang phấn đấu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN. Đô thị TP.HCM phát triển theo hướng hiện đại, mở rộng với những khu đô thị mới và với hệ thống cầu đường ngày càng hiện đại, như tuyến Metro số 1 vừa vận hành.
TP cũng đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng hơn 5.000 không gian văn hóa Hồ Chí Minh…
50 năm qua, TP.HCM đã phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo, đặc trưng văn hóa, con người vùng đất này. TP.HCM cũng phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước, của kiều bào, thu hút FDI, kiều hối về TP.HCM năm qua lên đến hơn 10 tỉ USD…
Quan trọng nhất là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng bộ TP.HCM trong mọi giai đoạn. TP từng có những thế hệ lãnh đạo như các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ… là những người luôn vì nước vì dân. Là thế hệ nối tiếp, chúng tôi cảm thấy họ đã rất năng động, có tầm nhìn mở ra những đường hướng phát triển cho TP.HCM.
Bên cạnh sự năng động, có tầm nhìn các thể hệ lãnh đạo TP.HCM thì những thành tựu suốt 50 năm qua còn chính nhờ Trung ương đã dành nhiều sự quan tâm cho TP.HCM. Cụ thể là với bốn nghị quyết quan trọng định hướng cho sự phát triển của địa phương, xây dựng cơ chế đặc thù và luôn lắng nghe các đề xuất thực tiễn từ TP.HCM.
Có thể khẳng định rằng không nơi đâu có thực tiễn lớn và sinh động như TP.HCM. Nhiều những mô hình, điển hình tiên tiến là tiền đề đề xuất cơ chế cho TP.HCM và sau đó là nhân rộng ra cả nước. Những thành quả đạt được hôm này của đất nước có một phần đóng góp không nhỏ của TP.
TP.HCM cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo trong bối cảnh mới với tâm thế phải tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế trong cả nước. Ảnh: THUẬN VĂN
****
GS.TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM:
Giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước
Năm 2025, TP.HCM đang đối diện với những thách thức mới. Các thách thức chính xuất phát từ lịch sử phát triển quá nhanh và quá năng động của TP như sau hơn ba thập kỷ hoạt động, mô hình KCN-KCX đã bộc lộ yếu kém công nghệ và thâm dụng lao động, có ảnh hưởng đến môi trường và đóng góp đang chựng lại ở tỉ lệ 20% GRDP…
Do đó, TP.HCM cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo trong bối cảnh mới với tâm thế phải tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế trong cả nước. Ngoài việc TP.HCM tiếp tục vì cả nước thì cả nước vì TP.HCM.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã trao cho TP.HCM nhiều cơ chế vượt trội để phát triển nơi đây phát triển xứng tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để Nghị quyết này đi vào hiện thực thì việc triển khai và thực thi nghị quyết vẫn mang tính quyết định, trong đó, lãnh đạo phải tiên phong đổi mới và chịu trách nhiệm giải trình. Từ đó mới có thể khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ công vụ TP dám nghĩ, dám làm, chịu đổi mới…
Các mô hình mới ra đời như TP sáng tạo tương tác cao, Trung tâm tài chính quốc tế, siêu cảng Cần Giờ, hệ thống giao thông hiện đại hoàn chỉnh nội đô và các vành đai… sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Khát vọng tiếp tục là đầu tàu kinh tế của TP.HCM sau nửa thập kỷ hình thành và phát triển cũng là khát vọng của nhân dân TP.HCM và nhân dân cả nước. Để thực hiện khát vọng này đòi hỏi trách nhiệm chung tay của toàn thể đội ngũ cán bộ, tri thức cùng người dân TP.HCM cũng như cả nước.
*****
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước đạt 7,17%, gần đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 7,5 - 8,5%); tổng doanh thu du lịch tăng 18,8%; khách quốc tế đến TP ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 502.000 tỉ đồng, đạt hơn 104% dự toán năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ…
Đặc biệt, những ngày cuối năm 2024, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào khai thác thương mại, mở ra bước phát triển mới của giao thông TP.HCM.