Sức sống thổ cẩm
Ngày xưa vùng đất Lâm Bình hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống khá biệt lập, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân dựa vào thiên nhiên theo phương thức tự cung tự cấp là chủ yếu. Mỗi dân tộc, mỗi gia đình phải tự đảm bảo trang phục cho các thành viên của mình. Một nhạc sỹ tài hoa khi lên vùng đất này đã rung động sáng tác 'Cánh đồng bông trắng đất Lăng Can, em ngồi bên khung thổ cẩm dệt ước mơ hồng lên tấm chăn'.
Chất liệu vải thổ cẩm có thể tương đối giống nhau, song mỗi dân tộc lại tạo ra bộ trang phục từ vải thổ cẩm rất khác nhau. Nếu như người Mông, Dao, Pà Thẻn trang phục rất sặc sỡ, lấy màu đỏ làm chủ đạo, thì dân tộc Tày, Nùng lại ưa sắc chàm.
Bà Quan Thị Thùy, dân tộc Tày, 75 tuổi, nghệ nhân dệt thổ cẩm thôn Nà Lung, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, thổ cẩm là một loại vải được làm từ sợi tơ tự nhiên của cây gai, cây bông và cây lanh. Vải thổ cẩm được dệt hoàn toàn thủ công có độ bền cao, mềm mại, thoáng mát, tính thẩm mỹ và thân thiện với môi trường. Theo bà Thùy, vải thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và công phu, đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Khi về nhà chồng, người phụ nữ không quên mang theo của hồi môn và quà biếu nhà chồng làm từ vải thổ cẩm. Bởi vậy nghề dệt thổ cẩm cứ thế truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia như một truyền thống văn hóa. Các công đoạn làm vải thổ cẩm đều phải qua các quy trình sơ chế sợi bông, kéo sợi, xử lý sợi vải, mắc khung cửi, dệt vải, nhuộm vải, mài vải, giặt phơi.
Đến xã Xuân Lập, tôi được nghe chị Chúc Thị Xuân, Hội Phụ nữ xã kể, đối với người Dao bộ trang phục làm từ vải thổ cẩm rất linh thiêng. Gia đình nào cũng nên tự tay làm để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Để có màu sắc của vải thổ cẩm một là nhuộm sợi sau đó dệt, hai là dùng sợi màu để thêu hoa văn. Các hoa văn của vải thổ cẩm thường được lấy cảm hứng hình thù quả, hoa, lá cây, con thú gần gũi với cuộc sống của bà con. Người Dao rất trân quý bộ trang phục của dân tộc mình, thường lúc đi hội, ngày lễ Tết, đám cưới họ mới mặc. Trong lễ Cấp sắc của người Dao cũng không thể thiếu bộ trang phục của dân tộc mình. Bởi vậy các gia đình phải chuẩn bị trang phục quần áo từ rất sớm, vì để làm hoàn chỉnh một bộ trang phục có khi mất mấy năm trời. Cho nên vải thổ cẩm với người Dao có sức sống lâu bền với thời gian.
Nhớ lại có thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập văn hóa làm cho nhiều gia đình ở huyện vùng cao Lâm Bình xếp khung dệt vải thổ cẩm vào một chỗ. Họ bắt đầu ăn mặc phổ thông như người dưới xuôi. Công cuộc “lai căng” văn hóa diễn ra âm thầm và mạnh mẽ. Tuy nhiên việc chấn hưng văn hóa để làm du lịch đã khiến người ta nhận ra giá trị của thổ cẩm. Những người già, nghệ nhân cao tuổi là những “đốm lửa” đau đáu truyền lại cảm hứng cho lớp trẻ. Nhờ vậy Tổ dệt thổ cẩm truyền thống như của chị Ngô Thị Phin, xã Thượng Lâm có 47 thành viên được hình thành. Họ giúp đỡ nhau truyền nghề và nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống. Đến nay ngoài may trang phục dân tộc bằng vải thổ cẩm, thì các đồ lưu niệm như khăn, mũ, ví, gối, túi được Tổ dệt sản xuất. Sản phẩm được bày bán cho du khách tham quan Lâm Bình, bán ra thị trường ngoài tỉnh và đi cả các nước, được khách hàng đánh giá cao.
Bảo tồn đi đôi với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang là mục tiêu lớn của huyện Lâm Bình. Hiện nay các cơ sở Homestay ở địa phương đều trang trí nhà cửa và cách ăn mặc của các thành viên trong gia đình bằng chất liệu vải thổ cẩm truyền thống. Chị Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm luôn đi đầu trong việc phát huy giá trị của thổ cẩm. Nhà chị trưng bày cả khung cửi, vải thổ cẩm, sử dụng chăn, gối, ga từ vải thổ cẩm cho du khách trải nghiệm. Các thành viên trong gia đình chị thống nhất ăn mặc vải thổ cẩm của dân tộc mình, tạo sự độc đáo. Chính biết cách giữ gìn sự mộc mạc, đơn sơ đó mà du khách đến với homestay của chị đông. Rất nhiều đoàn du khách xin chụp ảnh chung với các thành viên gia đình, tạo sự gần gũi, thoải mái, lan tỏa hình ảnh quê hương bay xa.
Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Lâm Bình cho rằng, ở Lâm Bình có nhiều nhóm, tổ hay hợp tác xã đã có ý thức, quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mang lại lợi thích thiết thực. Cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mời nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật dệt, may trang phục, sản xuất đồ lưu niệm từ vải thổ cẩm cho những người có nhu cầu. Tiêu biểu trong đó có Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình với hơn 20 thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ Tày, Dao thạo nghề. Đến nay mô hình Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình đang là hướng đi bền vững, có triển vọng giải được bài toán giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân.
Mới đây Hưởng ứng Năm Du lịch Tuyên Quang 2023, huyện Lâm Bình tổ chức Phiên chợ Thổ cẩm tại sân vận động thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. Phiên chợ quy tụ các gian hàng thổ cẩm của các xã, thị trấn trong huyện. Bên cạnh trình diễn kỹ thuật dệt, thêu vải thổ cẩm, thì các gian hàng đều tranh thủ quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm như trang phục, chăn, ga, gối đệm, đồ lưu niệm sản xuất từ vải thổ cẩm. Một phiên chợ đa sắc màu, đa dân tộc đã khiến du khách trong và ngoài nước bị cuốn hút, tạo nên sức sống mãnh liệt của thổ cẩm.