Hà Nội: Xã Bát Tràng phát triển nông thôn mới kiểu mẫu

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng sống của người dân và của khu vực.

Bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng gần đây trở thành công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét làng gốm.

Bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng gần đây trở thành công trình kiến trúc độc đáo mang đậm nét làng gốm.

Từng bước đổi mới

Năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội quyết định công nhận xã Bát Tràng đạt chuẩn NTM. Năm 2019, thành phố công nhận khu vực này trở thành điểm du lịch. Năm 2020, xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng tiếp tục xây dựng và đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường và được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Bát Tràng đi đầu trong 2 lĩnh vực là du lịch và an ninh trật tự. Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh mở rộng giao lưu văn hóa, nhất là phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch trải nghiệm, mua sắm...

Xã Bát Tràng xác định mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân. Đến Bát Tràng hôm nay, có thể thấy rõ diện mạo nông thôn của xã đã được thay đổi, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Các tuyến đường làng, ngõ xóm trong xã đã được bê tông hóa, hạ tầng thoát nước, môi trường được bảo đảm. 100% đường ngõ xóm có hệ thống đèn điện chiếu sáng; đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã có 5 nơi sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng và 5/5 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”.

Về giáo dục, cả ba cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia. Mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 70 triệu đồng, xã hiện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0,7%.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Bát Tràng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tiêu chí được hoàn thành, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, địa phương ngày càng đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong xây dựng NTM, xã Bát Tràng cũng đang tập trung triển khai mô hình thôn, làng thông minh.

Các tuyến đường làng, ngõ xóm trong xã đã được bê tông hóa, hạ tầng thoát nước, môi trường được bảo đảm.

Các tuyến đường làng, ngõ xóm trong xã đã được bê tông hóa, hạ tầng thoát nước, môi trường được bảo đảm.

Theo đó, thôn 2 Bát Tràng xây dựng thành công mô hình thôn thông minh đầu tiên của xã và đáp ứng đủ 5/5 tiêu chí là có tổ công nghệ số cộng đồng phát huy tối đa hiệu quả, giao tiếp thông minh, phát triển thương mại điện tử, du lịch thông minh, cung cấp các dịch vụ xã hội cần thiết. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn với thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.

“Xây dựng thôn, làng thông minh, đưa công nghệ số vào cuộc sống dựa trên ba trụ cột gồm: Chính quyền điện tử (chính quyền số) - xã hội số - kinh tế số; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy công tác quản lý xã hội theo xu hướng hội nhập và phát triển”, ông Phạm Huy Khôi nói.

Phát triển mạnh du lịch và sản phẩm OCOP

Với lĩnh vực du lịch, Bát Tràng đã được công nhận là điểm du lịch của thành phố, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa.

Trong làng cổ Bát Tràng còn lưu giữ những công trình kiến trúc độc đáo. Đó là nhà cổ Vạn Vân với tuổi đời hơn 200 năm và đình làng Bát Tràng, nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội lớn trong năm của làng làm nghề gốm. Xã còn có chợ gốm Bát Tràng được hình thành hàng trăm năm nay với diện tích hơn 6.000m2 là nơi giao lưu, mua bán sầm uất các sản phẩm gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ, vật trang trí, sản phẩm của làng nghề.

Bên cạnh đó, Bảo tàng gốm tại xã Bát Tràng được xây dựng gần đây với mục đích trở thành địa điểm trình diễn những tinh hoa làng nghề truyền thống, lan tỏa giá trị gốm Bát Tràng. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc triển lãm, trưng bày gốm nghệ thuật đặc sắc do các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, thưởng lãm mỗi năm.

Về làng nghề truyền thống, làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng. Du khách có thể trực tiếp ngắm nhìn các nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm đầy tinh tế hay được tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích. Chính vì vậy, làng gốm Bát Tràng được biết đến với các sản phẩm gốm sứ không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà rất nhiều các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng.

Nhiều người dân xã Bát Tràng cho biết, họ rất tự hào về nghề gốm truyền thống đã có hàng trăm năm của mình. Ông Tô Thanh Sơn, một nghệ nhân của làng gốm chia sẻ: “Tôi tự hào khẳng định sản phẩm gốm sứ Bát Tràng rất khác biệt bởi có vẻ đẹp tinh tế mà sang trọng. Cốt đất đặc trưng của gốm Bát Tràng được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1.250 - 1.320 độ C tạo nên màu sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ.

Sau khi kết thúc chuyến tham quan, du khách thường mua sản phẩm tại đây để làm quà cho bạn bè, người thân. Cứ như vậy thương hiệu gốm sứ Bát Tràng được nhiều người biết đến và góp phần tôn vinh giá trị, bản sắc của làng nghề Việt”.

Các sản phẩm gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Các sản phẩm gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn Bát Tràng có gần 200 doanh nghiệp nhỏ và gần 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ. Địa phương có cụm sản xuất làng nghề tập trung với tổng diện tích là 17ha. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các cá nhân, đơn vị sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố Hà Nội. Đến nay, Bát Tràng đã có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP từ 3 đến 5 sao.

Hiện xã có 2 điểm giới thiệu trưng bày và bán các sản phẩm OCOP sản phẩm làng nghề là nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP các làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Bát Tràng…

Với những kết quả đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, xã Bát Tràng sẽ tiếp tục xây dựng hiệu quả NTM tại địa phương. Định hướng phát triển trong giai đoạn mới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt nhấn mạnh: Với sự vào cuộc của chính quyền xã Bát Tràng và huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng sẽ ngày càng phát triển. Tuy nhiên cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền gắn với mô hình chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

Xã cần tập trung phát triển kinh tế gắn với quy hoạch xây dựng đô thị; chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là phát triển văn hóa, du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã và huyện.

Mai Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-xa-bat-trang-phat-trien-nong-thon-moi-kieu-mau-390001.html
Zalo