Sức sống mới trên vùng đồi cát
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Vùng 4 đã xây dựng thành công khu tăng gia sản xuất–chế biến tập trung hiện đại. Vừa đi vào hoạt động, mô hình đã khẳng định được tính hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ.
Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển Nam Trung Bộ, kéo ra phía Đông đến hết vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả khu vực biển quần đảo Trường Sa và Căn cứ quân sự Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Vùng biển rộng lớn, nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề dẫn tới việc bảo đảm hậu cần, đặc biệt là hậu cần tại chỗ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Vùng 4 Hải quân là 1 trong 7 đơn vị trong toàn quân được chọn làm điểm Đề án “Tăng gia sản xuất-chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”. Khu tăng gia tập trung triển khai trong điều kiện môi trường khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng chủ yếu là sỏi, cát nên khối lượng vận chuyển san, gạt rất lớn, thời gian xây dựng ngắn… Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án; cử cán bộ, nhân viên đi học tập, nghiên cứu tại các đơn vị, địa phương có thế mạnh về tăng gia sản xuất; mời cán bộ có kinh nghiệm đến tập huấn; lựa chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp với địa bàn căn cứ Cam Ranh…
Sau hơn 6 tháng thi công, CBCS đã huy động hơn 13.000 ngày công, hàng trăm lượt xe máy, bốc dỡ, vận chuyển trên 10.000m3 bê tông và bổ sung hơn 8.000m3 đất màu. Hiện nay, dự án đã hoàn thành bảo đảm chính quy, xanh, sạch, đẹp và hoạt động có hiệu quả. Đại úy QNCN Lương Văn Minh, Nhân viên tăng gia sản xuất, Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Vùng 4 cho biết: “Áp dụng kỹ thuật cao trong trồng trọt, các loại rau ăn lá trung bình chỉ cần 20 ngày là cho thu hoạch, năng suất gấp 2-3 lần so với kỹ thuật truyền thống. Các luống rau này hàng ngày được phun nước tưới tự động theo giờ, giảm rất nhiều nhân công chăm sóc mà hiệu quả lại cao”.
Rau xanh được trồng trong hệ thống nhà màng, nhà lưới có trang bị hệ thống quạt thông gió, lưới cắt nắng, hệ thống lưới phun sương, nhỏ giọt… tất cả đều được điều khiển tự động. Tăng gia chăn nuôi, chế biến tập trung được xác định là trọng tâm của mô hình. CBCS đã lựa chọn nuôi lợn thịt, lợn nái, gà thịt, gà đẻ trứng chất lượng cao. Chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng theo công nghệ chuồng khép kín với hệ thống làm mát, thông gió tích hợp cảm biến nhiệt; hệ thống phun thuốc sát trùng; cũi lồng, máng ăn, máng uống tự động và hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ mới.
Với máy móc hiện đại, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, Trạm chế biến tập trung đã nâng cao năng suất chế biến và bảo quản thực phẩm lâu dài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tá Vũ Văn Thái, Trưởng Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Vùng 4 kể: “Khu tăng gia sản xuất, chế biến tập trung của Vùng 4 Hải quân được đầu tư tương đối bài bản và đồng bộ từ hệ thống chuồng nuôi đến khu chế biến giết mổ gia súc, gia cầm, hệ thống làm đậu phụ, giá đỗ và kho lạnh. Những trang thiết bị này giúp chúng tôi tiết kiệm được nhân công, tăng năng suất chế biến; đồng thời giảm thời gian chế biến, thực phẩm được bảo quản dài ngày, bảo đảm phục vụ đời sống bộ đội trong toàn vùng”.
Với quy trình tăng gia sản xuất, chế biến tuần hoàn, khép kín và hiện đại, mô hình khu tăng gia sản xuất chế biến đã cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng tốt, giá cả ổn định và thấp hơn giá thị trường. Khu tăng gia, chế biến tập trung không chỉ giúp hạn chế ảnh hưởng của biến động giá cả thị trường đến đời sống bộ đội mà còn tạo ra nguồn cung cấp hậu cần tại chỗ; dự trữ một phần thực phẩm phục vụ nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
Đánh giá về hoạt động của mô hình, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân cho biết: Mô hình điểm tăng gia sản xuất, chế biến của Vùng 4 là một thành công lớn của đề án, là một sự lựa chọn hết sức đúng đắn. Mô hình đi vào hoạt động bước đầu đã đạt được kết quả rất tốt. Chúng ta đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cây trồng, vật nuôi phát triển tốt; chủ động được nguồn thực phẩm tươi sống, bảo đảm cho các cơ quan Vùng 4, các đơn vị đóng quân trong căn cứ quân sự Cam Ranh và đáp ứng một phần lương thực, thực phẩm cho CBCS các đảo trên quần đảo Trường Sa và các tàu xuất phát nhanh thực hiện nhiệm vụ.
Với chủ trương sát đúng và cách làm phù hợp, CBCS Vùng 4 đã vượt qua khó khăn xây dựng thành công mô hình tăng gia sản xuất-chế biến tập trung. Hiệu quả của mô hình đã khẳng định hướng đi đúng, sự sáng tạo trong áp dụng khoa học công nghệ vào tăng gia, chế biến nhằm nâng cao đời sống bộ đội, tạo sức sống mới trên vùng gió cát.