Ninh Bình: Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, hướng tới nền sản xuất xanh
Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể. Mục tiêu của chương trình này là nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đang thúc đẩy các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM (Integrated Plant Health Management) để giải quyết toàn diện các vấn đề về dịch hại, an toàn thực phẩm, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, hướng tới nền sản xuất xanh.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), các biện pháp tác động của chương trình IPHM dựa trên nền tảng môi trường cụ thể như: Đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích. Mục tiêu nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
IPHM được phát triển trên nền tảng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tuy nhiên có bổ sung một số nội dung đi sâu về sức khỏe của đất. Hơn nữa, chương trình IPHM còn giúp nông dân nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.
Vụ mùa vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiệp ở xóm Thượng 1, xã Khánh Hòa (Yên Khánh) có 6 sào lúa áp dụng canh tác theo chương trình IPHM. Đây là vụ đầu tiên gia đình ông áp dụng đồng bộ các biện pháp IPHM trên ruộng lúa do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Thực tế khi triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như sử dụng giống xác nhận, giảm mật độ cấy, bón cân đối đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Theo chia sẻ của ông Hiệp, ruộng lúa áp dụng chương trình IPHM cấy thưa hơn, sử dụng phân bón hữu cơ thay phân bón hóa học. Về phòng trừ sâu bệnh, trước đây cứ thấy lúa bị sâu bệnh là ông Hiệp phun thuốc bảo vệ thực vật; đến khi áp dụng chương trình IPHM, ông học được cách điều tra, tính toán lựa chọn thời điểm phun phù hợp giúp tăng hiệu quả phun trừ, giảm số lần phun, lúa thu hoạch cho năng suất cao.
Là học viên tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM trên cây lúa, trong thời gian 14 tuần, ông Phan Đình Toản, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Khánh Hòa đã được cán bộ hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về IPHM theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, học lý thuyết gắn liền với thực hành. Ông Phan Đình Toản chia sẻ việc tham gia lớp huấn luyện đã giúp học viên nhận diện đúng các đối tượng dịch hại cũng như thiên địch trên ruộng lúa; biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa qua từng giai đoạn, từ đó xác định đúng thời điểm bón phân và lượng phân bón, sức khỏe của đất. Từ đó mở ra hình thức canh tác thân thiện với môi trường, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng lúa.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tỉnh đến năm 2030 nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ có trên 80% số xã sản xuất nông nghiệp tập trung có đội ngũ nông dân nòng cốt có kiến thức, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác cùng làm. Tổ chức đào tạo khoảng 90 giảng viên cấp tỉnh về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT-IPHM) cấp tỉnh đối với 3 nhóm cây lúa, rau màu, cây ăn quả. Phấn đấu trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả… được áp dụng IPHM; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30%, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-20% so với sản xuất thông thường.
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã xây dựng, phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về quy định của pháp luật trong quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón và hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tăng cường mở rộng diện tích ứng dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa trên phạm vi toàn tỉnh.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc tổ chức khóa đào tạo giảng viên cấp tỉnh về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT-IPHM) trên cây lúa vụ Mùa 2024 cho 30 công chức, viên chức của các chi cục, trung tâm thuộc Sở; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố. Sau khóa đào tạo, 30 giảng viên cấp tỉnh đã truyền đạt các kiến thức tới 5 lớp huấn luyện nông dân (FFS) với tổng số 150 học viên tham dự (học viên là những nông dân tiêu biểu của 5 xã thuộc các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn).
Ông Nguyễn Tuyên Dương, giảng viên IPHM Quốc gia đánh giá: Đến thời điểm này, Ninh Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu 26 tỉnh phía Bắc về số lượng, chất lượng giảng viên cấp tỉnh trong quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Đây là những nhân tố nòng cốt, thuyết phục, lan tỏa mạnh mẽ IPHM trong thời gian tới, góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người nông dân và tạo cơ sở vững chắc để nông nghiệp Ninh Bình chuyển đổi theo hướng sinh thái, phát triển bền vững, đa giá trị, gắn với du lịch.