Cổ phiếu công ty mẹ Google đạt mức cao kỷ lục khi ông Trump bổ nhiệm Andrew Ferguson làm Chủ tịch FTC
Alphabet dẫn đầu một đợt tăng giá cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn hôm 11.12. Cổ phiếu công ty mẹ Google đạt mức cao kỷ lục sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Andrew Ferguson làm người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền.
Ông Trump đã bổ nhiệm Andrew Ferguson để thay thế Lina Khan, người hết nhiệm kỳ làm Chủ tịch FTC.
FTC đã trở thành điểm nóng chính trị dưới thời bà Lina Khan, người đã thúc đẩy việc thực thi luật chống độc quyền như một biện pháp kiểm soát quyền lực của hãng công nghệ lớn. Alphabet, Microsoft và Apple phải đối mặt với áp lực quản lý gia tăng từ FTC trong nhiệm kỳ của bà Lina Khan.
“Ferguson là ‘người bất đồng chính kiến nổi tiếng’ dưới thời Lina Khan và nhiều người cảm thấy rằng dưới sự lãnh đạo của ông, vụ kiện chống độc quyền với Alphabet sẽ kết thúc", Jay Woods, trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu tại Freedom Capital Markets, nhận định.
Freedom Capital Markets là công ty dịch vụ tài chính, thường hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, nghiên cứu thị trường và môi giới chứng khoán.
Trump và đội ngũ của ông thường chỉ trích các hãng công nghệ lớn, dù một số người ủng hộ Tổng thống đắc cử Mỹ nổi bật nhất lại là các giám đốc điều hành công nghệ. Vẫn chưa rõ cách chính quyền Trump sẽ tiếp cận chính sách quản lý và sáp nhập trong lĩnh vực này như thế nào.
Hôm 11.12, cổ phiếu Alphabet tăng khoảng 5,5% lên mức cao kỷ lục là 195,45 USD. Cổ phiếu Tesla cũng tăng 4,6%, đạt mức cao mới, tiếp tục đợt tăng giá kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5.11, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng hãng sản xuất xe điện này sẽ hưởng lợi nhờ mối quan hệ gần gũi giữa Elon Musk với ông Trump.
Cổ phiếu các hãng công nghệ khác cũng tăng giá hôm 11.12: Microsoft tăng 1,2%, Amazon và Meta Platforms đều tăng 2%.
Báo cáo lạm phát mới nhất làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 12 này, giúp cổ phiếu công nghệ tăng giá.
Cổ phiếu Alphabet đã tăng hơn 10% trong hai ngày qua sau thông báo từ công ty về phiên bản mới mô hình AI và chip lượng tử đột phá.
Hôm 11.12, Google đã phát hành thế hệ thứ hai của mô hình AI Gemini và hé lộ các cách sử dụng AI mới ngoài chatbot, gồm cả kính thông minh.
Ngày 10.12, Google đã tiết lộ chip thế hệ mới Willow, được cho là đã giúp vượt qua một thách thức quan trọng trong điện toán lượng tử. Willow hoàn thành các tác vụ thống kê vượt ngoài tầm với của siêu máy tính nhanh nhất thế giới.
Theo Hartmut Neven - nhà sáng lập Google Quantum AI, một chip tùy chỉnh mang tên Willow thực hiện các nhiệm vụ chỉ vài phút mà các siêu máy tính hàng đầu thế giới cần tới 10 triệu tỉ năm để hoàn thành.
“Khi viết ra, đó là số 1 với 25 số không. Một con số khó tin”, Hartmut Neven nói trong buổi họp báo.
Quantum AI là bộ phận nghiên cứu và phát triển của Google, tập trung vào công nghệ máy tính lượng tử. Đơn vị này được thành lập để khám phá tiềm năng của máy tính lượng tử trong việc giải quyết các vấn đề mà máy tính truyền thống không thể xử lý hiệu quả.
Đội ngũ của Hartmut Neven gồm khoảng 300 người tại Google đang thực hiện sứ mệnh xây dựng máy tính lượng tử có khả năng xử lý các vấn đề không thể giải quyết được bằng các phương pháp thông thường, chẳng hạn năng lượng nhiệt hạch an toàn và chống lại biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi coi Willow là bước quan trọng trong hành trình xây dựng một máy tính lượng tử hữu ích với các ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực như khám phá thuốc, năng lượng nhiệt hạch, thiết kế pin và hơn thế nữa”, Sundar Pichai (Giám đốc điều hành Google) cho biết trên X.
Dù máy tính lượng tử có thể giải quyết các thách thức này vẫn còn nhiều năm nữa mới thành hiện thực, Willow đánh dấu bước tiến lớn theo hướng đó, theo Hartmut Neven và các thành viên trong đội ngũ của ông.
Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học tin rằng máy tính lượng tử siêu nhanh cuối cùng sẽ có thể thúc đẩy sự đổi mới ở nhiều lĩnh vực.
Nghiên cứu lượng tử được coi là lĩnh vực quan trọng mà cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đầu tư mạnh. Mỹ còn áp đặt các hạn với việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm này.
Olivier Ezratty, chuyên gia độc lập về công nghệ lượng tử, nói hồi tháng 10 rằng tổng đầu tư của khu vực công và tư nhân vào lĩnh vực này lên tới khoảng 20 tỉ USD trên toàn thế giới trong 5 năm qua.
Máy tính thông thường hoạt động theo kiểu nhị phân: Chúng thực hiện các tác vụ bằng các đoạn dữ liệu nhỏ, vốn chỉ tồn tại ở trạng thái 1 hoặc 0. Thế nhưng, các đoạn dữ liệu trên máy tính lượng tử, được gọi là qubit, có thể ở trạng thái 1 và 0 cùng lúc, cho phép chúng xử lý số lượng lớn kết quả tiềm năng cùng lúc.
Điều quan trọng là chip của Google cho thấy khả năng giảm lỗi tính toán theo cấp số nhân khi mở rộng quy mô - một kỳ tích mà các nhà nghiên cứu không làm được gần 30 năm.
Bước đột phá trong sửa lỗi, được công bố trên tạp chí khoa học hàng đầu Nature, cho thấy việc thêm nhiều qubit vào hệ thống thực sự làm giảm lỗi thay vì làm tăng lỗi - một yêu cầu cơ bản để xây dựng máy tính lượng tử thực tiễn.
Sửa lỗi là “đích đến cuối cùng” trong máy tính lượng tử và Google đang “tự tin tiến triển” trên con đường đó, theo Julian Kelly, Giám đốc phần cứng lượng tử của Google.
Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư tại hãng Running Point Capital, bình luận: "Những gì chúng ta đang thấy ở đây là Google đang định vị mình ở vị trí tiên phong trong một công nghệ mang tính cách mạng".
"Dù đôi khi Google bị coi là chậm chân trong lĩnh vực AI, nhưng bước đột phá lượng tử gần đây cho thấy công ty biết cách chế tạo các bộ xử lý", Jamie Meyers, nhà phân tích cấp cao tại hãng Laffer Tengler Investments, nói.
Running Point Capital và Laffer Tengler Investments đều là công ty quản lý tài sản và đầu tư chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, chiến lược đầu tư cho khách hàng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp.
Google đang đối mặt các thách thức chống độc quyền nào dưới thời ông Biden?
Hôm 5.8, Thẩm phán liên bang Amit Mehta ra phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới.
Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền liên bang Mỹ nhằm vào sự thống trị thị trường của các hãng công nghệ lớn.
Phán quyết này mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet, điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.
Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn.
"Tòa án đưa ra kết luận sau: Google là công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình", thẩm phán Amit Mehta cho hay. Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến và 95% trên smartphone.
Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài, tiếp theo là khả năng kháng cáo lên Tòa án Quận Columbia và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc tranh chấp pháp lý có thể diễn ra vào năm 2025, hoặc thậm chí là 2026.
Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết.
Thẩm phán Amit Mehta lưu ý rằng Google đã trả 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên hầu hết smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ vững thị phần thống lĩnh của mình.
Phán quyết này là quyết định quan trọng đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện liên quan đến cáo buộc độc quyền với các hãng công nghệ lớn. Do chính quyền Trump đệ trình cách đây vài năm, vụ kiện này đã được đưa ra trước một thẩm phán từ tháng 9 đến tháng 11.2023.
Trong 4 năm qua, các cơ quan quản lý chống độc quyền liên bang Mỹ cũng đã kiện Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram), Amazon và Apple, cáo buộc các công ty này đã duy trì độc quyền bất hợp pháp.
Tất cả các vụ kiện đó đều bắt đầu dưới thời chính quyền đầu tiên của ông Trump.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khởi kiện Google với cáo buộc sử dụng quyền lực thị trường để độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Google bị chỉ trích vì thao túng giá quảng cáo và tạo ra rào cản cho các đối thủ cạnh tranh.
Chưa hết, Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang yêu cầu Google phải bán Chrome để khôi phục sự cạnh tranh trong tìm kiếm trực tuyến.
Google phải bán Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến, các công tố viên trình bày với một thẩm phán hôm 20.11.
Các biện pháp do Bộ Tư pháp Mỹ trình bày là một phần của vụ án mang tính bước ngoặt tại Mỹ có khả năng định hình lại cách người dùng tìm kiếm thông tin. Nếu được áp dụng, các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong thời gian tối đa 10 năm, được giám sát bởi một ủy ban do tòa án bổ nhiệm nhằm khắc phục những gì mà thẩm phán cho là độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và liên quan quảng cáo tại Mỹ, nơi Google xử lý 90% các truy vấn tìm kiếm.
"Hành vi bất hợp pháp của Google đã tước đi của các đối thủ không chỉ các kênh phân phối quan trọng mà còn cả các đối tác phân phối, những người có thể tạo điều kiện cho các đối thủ của Google tham gia vào thị trường này bằng các cách thức mới và sáng tạo", Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án hôm 20.11.
Đề xuất của họ gồm cả việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền mà trong đó Google trả hàng chục tỉ USD hàng năm cho Apple và các nhà cung cấp thiết bị khác để biến công cụ tìm kiếm của mình thành mặc định trên máy tính bảng và smartphone.
Google gọi các đề xuất này là “gây sốc” trong một tuyên bố hôm 21.11.
Thẩm phán liên bang Amit Mehta đã lên lịch xét xử các đề xuất này vào tháng 4.2025, dù Tổng thống đắc cử Donald Trump và người đứng đầu chống độc quyền tiếp theo của Bộ Tư pháp Mỹ có thể can thiệp và thay đổi hướng đi trong vụ án.