Gói thầu 18 tỉ đồng ở Sở GD-ĐT Gia Lai bị tố hạn chế nhà thầu, sự thật thế nào?
Các nhà thầu cho rằng gói thầu mua sắm thiết bị giá trị trên 18 tỉ đồng ở Gia Lai có tiêu chí để hạn chế nhà thầu, không công bằng.
Ngày 12-12, Sở GD-ĐT Gia Lai đang xét gói thầu "Mua sắm và lắp đặt thiết bị hệ thống E-Learning", giá trị trên 18 tỉ đồng. Gói thầu này bị nhiều kiến nghị vì cho rằng có các tiêu chí để hạn chế nhà thầu.
Theo hồ sơ, gói thầu này có một đề nghị làm rõ, hai kiến nghị liên quan đến các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu.
Cụ thể trong số các tiêu chí có tiêu chí yêu cầu cán bộ quản lý/điều hành phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm, trình độ tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vật lý; hóa học; điện, điện tử; cơ điện tử, tin học, công nghệ thông tin. Trong khi đó, các đơn vị tham gia đấu thầu cho rằng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không cần cán bộ phải có chứng chỉ sư phạm.
Bên cạnh đó còn có tiêu chí yêu cầu hàng hóa (máy tính) phải có các chứng nhận CE, FCC, FB, hãng sản xuất phải có chứng chỉ ISO. Các nhà thầu cho rằng chứng nhận trên chỉ áp dụng cho các loại hàng hóa lưu hành tại các nước Châu Âu. Ở trong nước có nhiều nhà sản xuất có thể cung cấp hàng hóa cho gói thầu nhưng bên mời thầu yêu cầu sản phẩm phải được nhập khẩu, có chứng nhận nêu trên.
Bên mời thầu cũng cho rằng bên mời thầu yêu cầu thông số kỹ thuật của máy vi tính và các thiết bị như cảm biến lực, gia tốc không dây, cảm biến từ trường không dây, cảm biến quay không dây... hướng đến sản phẩm của một sản phẩm cụ thể, một hãng sản xuất cụ thể. Trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa cho gói thầu.
Ngoài ra, thời gian thực hiệp hợp đồng trong 20 ngày, trong khi các thiết bị được nhập từ nước ngoài, thời gian nhập khẩu chiếm hầu hết thời gian thực hiện hợp đồng là rất khó để hoàn thiện. Trừ khi nhà thầu đã có sự chuẩn bị sẵn về hàng hóa để cung cấp cho gói thầu.
Từ đó, các nhà thầu kiến nghị bên mời thầu xem xét điều chỉnh các nội dung trên để tăng tính cạnh tranh, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Bên mời thầu là Sở GD-ĐT Gia Lai trả lời rằng việc yêu cầu nhân sự chủ chốt phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm là hoàn toàn hợp lý, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả dự án trong tổ chức triển khai cho các trường học phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến. Khi dự án được thực hiện thí điểm, việc đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho giáo viên không đạt hiệu quả, chất lượng nên phải đào tạo nhiều lần, mất thời gian.
Bên cạnh đó, khi thiết kế chi tiết dự án thì Sở GD-ĐT đã nghiên cứu chương trình giảng dạy và học tập để mua sắm thiết bị được tối ưu các chức năng, đảm bảo mục tiêu. Các thiết kế đã được thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của UBND tỉnh Gia Lai.
Cùng với đó, nhãn hiệu, mã hiệu hàng hóa nêu trong hồ sơ mời thầu chỉ mang tính tham khảo và minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, không phải tiêu chuẩn đánh giá, nhà thầu có thể dự thầu hàng hóa của hãng khác.
Trước ý kiến của nhà thầu về việc các yêu cầu về kỹ thuật định hướng đến sản phẩm của một hãng sản xuất cụ thể thì Sở GD-ĐT Gia Lai cho rằng trên thị trường có rất nhiều hãng sản xuất có thể đáp ứng thông số kỹ thuật của các thiết bị này, nhà thầu có thể chào các sản phẩm có thông số kỹ thuật tương đương hoặc cao hơn.
Nhà thầu muốn "phá cho hôi"(?)
Ông Lê Công Sử, cán bộ phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD-ĐT) Gia Lai, người được giao phụ trách gói thầu trên, cho rằng việc một số nhà thầu gửi đơn kiến nghị là do mâu thuẫn cá nhân, muốn "phá cho hôi". Thực tế thời điểm đóng thầu ngày 10-12, có 4 doanh nghiệp tham gia đấu thầu với giá tham dự thấp nhất là 15,6 tỉ đồng, cao nhất là trên 18 tỉ đồng.