Sức sống mới ở Đảo Mê

Trở lại Đảo Mê lần này, điều khiến tôi và nhiều khách du lịch dễ nhận thấy là sự nhộn nhịp của tàu thuyền. Gần các đảo như Hòn Mê, Hòn Bung, Hòn Đót, Hòn Miệng, Hòn Vàng... hàng chục ô, lồng nuôi trồng thủy sản nối tiếp nhau, tạo nên một không gian tràn đầy sức sống.

Ô, lồng nuôi trồng thủy sản ở khu vực gần đảo Hòn Mê.

Ô, lồng nuôi trồng thủy sản ở khu vực gần đảo Hòn Mê.

Cách đất liền khoảng 11km, đảo Hòn Mê (thị xã Nghi Sơn) là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 18 đảo lớn, nhỏ nơi đây. Với hệ sinh thái đa dạng của các loài động thực vật, cùng vẻ đẹp hoang sơ, Hòn Mê được ví như “hòn ngọc xanh” giữa biển.

Nhằm sớm khai thác tiềm năng sẵn có, từ năm 2015 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Đảo Mê theo hướng kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều hạ tầng du lịch đã được đầu tư, tạo điều kiện để du khách tham gia tour du lịch có những trải nghiệm độc đáo ở Đảo Mê.

Không chỉ phát triển du lịch, vùng biển nơi đây còn giàu tiềm năng để nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2016 Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đã triển khai đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm hùm, cá giò, ốc hương kết hợp với hàu Thái Bình Dương tại đây. Kết quả cho thấy, khu vực nơi đây có môi trường nước trong xanh, sạch sẽ, phù hợp cho phát triển thủy sản quy mô lớn.

Ông Trần Văn Luận ở thôn Trung Sơn, xã Nghi Sơn - một trong những hộ tiên phong di dời ô, lồng nuôi cá từ trong vịnh Nghi Sơn ra khu vực đảo Hòn Bung, chia sẻ: "Trước thực trạng số hộ nuôi trồng thủy sản tự phát diễn ra ồ ạt, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường nước và dễ phát sinh dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân để đầu tư di dời các lồng bè cá. Những ngày đầu mới ra, gia đình gặp nhiều khó khăn, từ chi phí vận chuyển, đầu tư ô, lồng mới, cho đến việc chăm sóc, vận chuyển thức ăn, con giống. Tuy nhiên, sau thời gian kiên trì vượt khó, nhờ nguồn nước ngoài đảo Hòn Bung sạch sẽ, giúp cá sinh trưởng khỏe mạnh, giảm rủi ro dịch bệnh, gia đình không những ổn định với nghề, mà còn mở rộng số lượng ô, lồng nuôi, nâng cao thu nhập gấp nhiều lần so với trước".

Không riêng ông Luận, nhiều hộ dân khác cũng đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn khi quyết định di dời các ô, lồng nuôi thả cá ra các đảo như Hòn Mê, Hòn Bung, Hòn Đót, Hòn Miệng, Hòn Vàng... thuộc hệ thống Đảo Mê để hướng đến việc nuôi trồng thủy sản bền vững. Trong đó, anh Lê Đình Dũng ở tổ dân phố Tiền Phong, phường Hải Bình, từ cuối năm 2022 đã đầu tư gần 12 tỷ đồng nuôi cá lồng tại khu vực Đảo Mê. Với việc đầu tư trung bình mỗi năm thả 12 vạn cá chim, 3 vạn cá mú và 5 vạn cá bớp, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hơn 4 tỷ đồng. Nói về mục tiêu, anh Dũng cho biết đang cải tiến công nghệ, ô lồng để mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước và phát triển nghề nuôi cá lồng thành ngành sản xuất quy mô lớn, ngày 1/9/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3416/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đề án này, dự án nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên vùng biển đảo Hòn Mê được ưu tiên kêu gọi đầu tư với tổng quy mô 88ha (gồm 15ha nuôi tôm hùm và 73ha nuôi cá biển). Tiếp đó, ngày 28/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4716/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “phát triển nuôi cá lồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, vùng quanh đảo Hòn Mê đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 700 ô lồng, sản lượng 1.400 tấn; đến năm 2030 đạt 1.500 ô lồng với sản lượng 4.500 tấn. Ngày 5/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND về phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đến năm 2045, trong đó dự án nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại Đảo Mê được ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững cho nghề cá biển.

Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn Nguyễn Ngọc Thương nhận định: "Nghề nuôi cá lồng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại các xã, phường ven biển. Tuy nhiên, do các khu vực nuôi cũ đang nằm trong vùng sản xuất công nghiệp nên việc di dời ra Đảo Mê là xu thế tất yếu. Đến nay, xã Nghi Sơn đã vận động được hơn 30 hộ dân di dời ô lồng ra khu vực Đảo Mê, trong đó nhiều mô hình bước đầu cho hiệu quả tích cực.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/suc-song-moi-o-dao-me-247551.htm
Zalo