Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu

Bài thơ 'Tình em' của tác giả Hồ Ngọc Sơn tái hiện bức tranh hiện thực đời sống và sức mạnh kỳ diệu của tình yêu.

Tình em
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng

Anh đi xa bao núi…
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Anh đi xa xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sóng lộng

Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng

Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi

Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…
HỒ NGỌC SƠN

Dù sáng tác không nhiều nhưng bài thơ “Tình em” của tác giả Hồ Ngọc Sơn xứng đáng được tôn vinh là một thi phẩm sống mãi với thời gian.

Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn sinh năm 1932 ở Quảng Ngãi. Ông vào bộ đội rồi tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1961, ông trở về miền Nam chiến đấu trên chiến trường khu 5 và Tây Nguyên. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Tình yêu vốn là thứ tình cảm vĩnh cửu, nhân văn, trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca. “Có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu đương” (Lev Tolstoy). Vì vậy, có bao nhiêu bài thơ tình thì có bấy nhiêu cách diễn tả những sắc thái của tình yêu.

Giữa bao nhiêu cây bút làm thơ tình, Hồ Ngọc Sơn vẫn tìm cách sáng tạo riêng, độc đáo. Ông viết “Tình em” trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Đặt bài thơ trong hoàn cảnh ra đời, chúng ta thấm thía sức mạnh của tình yêu đôi lứa. Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn, nhịp ngắn, gồm 32 câu thơ, dạt dào cảm xúc, diễn tả những cung bậc phong phú của “tình em”.

“Tình em” là bài thơ tình chứa đựng “ý không cùng” bởi thi phẩm không chỉ tái hiện bức tranh hiện thực cuộc sống, sự xa cách trong tình yêu: Anh đi xa bao núi/ Anh đi xa càng xa/ Anh đi xa xa mãi/ Anh đi biệt tháng ngày… Những câu thơ thể hiện cuộc chiến đấu gian nan, sự kiên cường của người lính và chờ đợi của hậu phương. Sâu thẳm trong những câu thơ còn là tình yêu tha thiết, sâu đậm của “anh” và “em” trong hoàn cảnh chia xa.

Hình ảnh so sánh và điệp từ, điệp cấu trúc liên tiếp gợi tả những cung bậc “tình em” dành cho anh. Có thể thấy qua ngôn ngữ thơ tác giả thể hiện tình em lưu luyến, nhớ nhung, quấn quýt không rời, lặng lẽ song hành khắp nẻo đường chiến đấu cùng anh: Tình em như khe suối/ Chảy theo anh khắp rừng/ Tình em như sông dài. Tình em dịu dàng, âu yếm hướng anh đến những gì đẹp đẽ nhất. Tình em cũng ấm áp, nồng nàn sưởi ấm anh trong đêm đông lạnh lẽo: Tình em là lửa hồng/ Rực cháy giữa đêm đông/ Mặt trời lên đỏ mọng/ Như môi em tươi hồng.

Bước đường hành quân, chiến đấu của anh gặp nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng có tình yêu của em kín đáo mà mãnh liệt, khiêm nhường mà say đắm, dõi theo từng bước anh đi thì gian khổ nào cũng vượt qua.

Bài thơ còn chứa đựng những suy ngẫm triết lý sâu sắc về quy luật cuộc đời và quy luật tình yêu: Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi. Hồ Ngọc Sơn quan niệm tình yêu đôi lứa có sức mạnh kỳ diệu. Sự thủy chung, đợi chờ, tin yêu của “em”, nơi hậu phương chính là cội nguồn sức mạnh.

Với nguồn mạch yêu thương dào dạt, nhà thơ đã ngợi ca và trân trọng: Tình em là lửa hồng/ Rực cháy giữa đêm đông/ Mặt trời lên đỏ mọng/ Như môi em tươi hồng/ Vì sao khuya đỉnh đồi/ Là mắt em xa xôi/ Làm cánh gió em ơi/ Chắp cánh chim em ơi.

Những hình ảnh đó đều là vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh, thân thương gần gũi, vừa ấm áp, ngọt ngào lại vừa bay bổng, lãng mạn, giàu giá trị thẩm mỹ. Tình yêu ấy là đôi cánh diệu kỳ tiếp thêm sức mạnh cho anh và em: Chắp cánh ta yêu nhau/ Trọn đường đời chiến đấu/ Anh đi biệt tháng ngày/ Tình em như sông dài…

Tình yêu lứa đôi trong bài thơ luôn gắn bó mật thiết với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ quốc, với mục tiêu chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Khi ấy, thử thách lớn nhất không phải là đạn bom ác liệt mà là cuộc đấu tranh quyết liệt giữ vững lòng tin vào ngày mai thắng lợi.

Với ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu khả năng liên tưởng, giàu nhạc điệu, điệp từ "tình em" láy đi láy lại tới 6 lần, trở thành âm hưởng chủ đạo mang sắc thái trân trọng, ngợi ca, tin yêu. Biện pháp tu từ so sánh kép liên tiếp “tình em” như sự sống, cỏ hoa, sông dài, buồm căng… trở thành dư âm thiết tha, ngân dài trong lòng độc giả.

“Thơ là tiếng nói tri âm” nên bài thơ “Tình em” đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc vào cuối năm 1962. Bản nhạc nhanh chóng trở thành một trong những bản tình ca nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ. “Tình em” xứng đáng được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay trong nền thi ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ là một bản tình ca sống mãi cùng năm tháng.

TRẦN LÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/suc-manh-ky-dieu-cua-tinh-yeu-401449.html
Zalo