Đón Tết ở làng rau Trà Quế

Làng rau cổ Trà Quế (Quảng Nam) lâu nay đã là một phần quan trọng của phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Cùng với cù lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới và các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng Trà Quế đã góp phần tạo lên một Hội An đầy đủ màu sắc khiến du khách đắm say.

Làng Di sản vang danh thế giới

Trong lịch sử, địa danh Trà Quế còn được gọi Nhự Quế, Thanh Quế, Nhà Quế. Lưu truyền rằng, khoảng thế kỷ XVIII, có một vị vua du ngoạn trên dòng Đế Võng rồi ghé vào làng, thưởng thức một loại rau. Nhận thấy vị thơm của rau giống loại trà, vị cay giống quế, vị vua này đặt tên làng rau là “Trà Quế”.

Ông Nguyễn Thêm, Hội trưởng Hội Nông dân làng rau Trà Quế, với 3 đời gắn bó với đồng rau Trà Quế chia sẻ, bí quyết để rau nơi đây thơm ngon là trồng rau bằng rong từ đầm Trà Quế và sông Đế Võng. Thêm nữa, bà con ở đây sử dụng phương pháp sản xuất rau hữu cơ kết hợp giữa thực hành truyền thống và hiện đại.

Làng Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024” đã góp phần tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An, Quảng Nam đến với du khách quốc tế.

Làng Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024” đã góp phần tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An, Quảng Nam đến với du khách quốc tế.

Trà Quế hiện có trên 20 chủng loại rau ăn lá và gia vị. Đặc biệt, húng, é, tía tô ở đây không nơi nào thơm ngon bằng. Độc đáo là khi trộn lẫn các loại rau vào với nhau, sẽ hội tụ đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Chính hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã đặc sắc như cao lầu, mỳ Quảng - những món ẩm thực được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia, chỉ có ở Hội An và Quảng Nam.

Hơn thế nữa, từ nghề trồng rau Trà Quế đã hình thành nên nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng. Những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trồng rau, đặc biệt là những phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp đã được cộng đồng nhân dân thường xuyên thực hành, trao truyền di sản. Tháng 9/2019, chính quyền TP Hội An đã phê duyệt phương án “Phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế” dựa trên sự đồng thuận và hợp tác trước hết từ chính những người dân tại đây.

Làng Trà Quế thu hút du khách khắp nơi vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Ngày đó, người làng rau tổ chức lễ hội Cầu Bông để bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau. Bà con cũng cầu mưa thuận gió hòa, làng rau bội thu. Sinh hoạt này đã trở thành nét văn hóa đặc sắc ngày đầu năm mới ở đây suốt 400 năm qua...

Du khách thích thú khi về với Trà Quế - Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024.

Du khách thích thú khi về với Trà Quế - Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, làng Trà Quế được công nhận "Làng du lịch tốt nhất thế giới" năm 2024 đã góp phần tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An, Quảng Nam đến với du khách quốc tế.
“Nhiều năm qua, làng rau Trà Quế với 202 hộ, 326 nông dân trực tiếp canh tác trên diện tích 18 ha là điểm đến thú vị đối với khách nước ngoài khi du lịch Hội An. Mỗi ngày, làng đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Không phải chỉ thuần nông, gìn giữ nghề truyền thống, nông dân ở Trà Quế còn chăm chỉ học ngoại ngữ, cập nhập công nghệ số để trở thành hướng dẫn viên du lịch thân thiện chuyên nghiệp, hiếu khách”, ông Hồng kể thêm.

Chọn làng rau để... “ăn Tết

Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, tất cả nông dân làng rau Trà Quế đều tất bật để chuẩn bị cung ứng rau sạch cho thị trường dịp Tết. Anh Đặng Duy Ba, ở tổ 4, thôn Trà Quế chia sẻ, anh có 800 m2 trồng rau thơm, mồng tơi và hoa lay ơn. “Kỳ vọng những ngày tới, thời tiết sẽ thuận lợi để rau, hoa tươi tốt, bán được giá để có cái Tết đủ đầy", anh Ba bộc bạch và... khoe, vốn Anh ngữ của anh giờ nói đã hết... mỏi tay nên Tết này, không phải chỉ giới thiệu với khách Tây về lịch sử làng Trà Quế, hướng dẫn khách biết xới đất, bón phân, trồng rau mà còn sẽ mời, giới thiệu với du khách về nhà thưởng thức món mỳ Quảng đặc trưng. Anh nói cũng sẽ hướng dẫn du khách cách gói bánh chưng, bánh ít gai bằng lá dong truyền thống; tạo điều kiện để khách trực tiếp tham gia cùng nông dân thu hoạch trên đồng để họ được trải nghiệm, hiểu và thêm yêu Tết Việt...

Bà Hồ Thị Lần, 72 tuổi, ở tổ 4, thôn Trà Quế, là nông dân nhiều đời, trồng rau từ năm 12 tuổi.

Bà Hồ Thị Lần, 72 tuổi, ở tổ 4, thôn Trà Quế, là nông dân nhiều đời, trồng rau từ năm 12 tuổi.

Đáp lại tấm lòng, tâm huyết của bà con làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024, những ngày qua, hàng nghìn lượt du khách nước ngoài đến phố cổ Hội An đã tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm trồng rau, tưới nước cùng những người nông dân. Vừa đến Hội An, nữ du khách Carolyn (53 tuổi, quốc tịch Australia) đã hào hứng thuê xe đạp hơn 3 km từ trung tâm phố cổ đến làng rau Trà Quế. “Đây là lần thứ hai tôi đến đây. Vì quá yêu thích cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt nên lần này, tôi đưa hai con trai cùng trở lại Trà Quế để được trải nghiệm làm nông dân Việt”, bà Carolyn bộc bạch.

Trên cánh đồng rau xanh mướt của Trà Quế, chúng tôi cũng bắt gặp nhóm khách du lịch hơn 15 nam nữ du khách trẻ đến từ Canada đang hào hứng chụp ảnh, trải nghiệm những công việc thường nhật của nông dân như cuốc đất, trồng rau, đon đả gánh nước từ khu giếng cổ về tưới cho ruộng rau. "Thật tuyệt vời!", anh Carson - một thành viên của nhóm khách này thốt lên đầy thích thú khi được hướng dẫn viên đưa đến vườn rau hữu cơ rộng 500 m2 của ông Lê Văn Lên. Không thua gì các nông dân trẻ, ông Lên cũng giao tiếp trôi chảy tiếng Anh với du khách.

"Tôi tham gia nhiều hoạt động du lịch ở Hội An trong 5 ngày qua. Tôi rất thích công việc chăm sóc rau bởi vì thường ngày, tôi là người thích nấu ăn, tìm hiểu về ẩm thực, đặc biệt ấn tượng với món mỳ Quảng, trong đó rau Trà Quế làm nên hương vị rất đặc trưng", du khách Kim Woojin, đại diện đoàn khách đến từ Hàn Quốc lần đầu tiên du lịch tại Hội An trong dịp Tết Nguyên đán sau trải nghiệm làm nông dân ở làng Trà Quế, cười rất tươi, bộc bạch.

Du khách tập làm nông dân, tự tay trồng, gánh nước tưới ở làng rau Trà Quế.

Du khách tập làm nông dân, tự tay trồng, gánh nước tưới ở làng rau Trà Quế.

“Chẳng phải là một danh lam thắng cảnh mà chỉ là rau, nhưng làng rau Trà Quế trải qua bao thế kỷ tồn tại có sức hút mãnh liệt đối với du khách nước ngoài như chúng tôi”, lần thứ hai đến Hội An đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, anh Ivan, du khách đến từ Nga, chia sẻ.

Được hình thành từ thế kỷ XVI, làng rau Trà Quế cách phố cổ Hội An chỉ khoảng 3 km và được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế. Thổ nhưỡng lợi thế là đất phù sa pha cát, khí hậu ôn hòa nên người dân phát triển nghề trồng rau hữu cơ lâu đời. Tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 15/11/2024, làng rau Trà Quế ở Hội An, tỉnh Quảng Nam được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới", đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải này năm 2024.

Theo UBND xã Cẩm Hà, bình quân mỗi năm làng rau Trà Quế sản xuất, cung ứng cho thị trường khoảng 1.000 tấn rau sạch các loại. Mỗi năm làng rau đón hơn 24.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm làm nghề cùng cộng đồng, hầu hết là khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt hàng tỷ đồng.

Không chỉ mang đến những trải nghiệm về thiên nhiên và ẩm thực, làng rau Trà Quế còn là điểm đến văn hóa giàu giá trị. Tại đây, các di tích mang tính lịch sử như giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, mộ ông Nguyễn Văn Điển,... hay lễ cúng Cầu Bông cùng các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực cũng đang được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả.

Hoài Thu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/don-tet-o-lang-rau-tra-que-i755682/
Zalo