'Sức đề kháng' của doanh nghiệp đang bị bào mòn
Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chính là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu, từ đó không còn quan niệm 'con buôn'.
Bộ tứ trụ cột
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng - trao đổi tại Diễn đàn CEO tổ chức mới đây tại TPHCM rằng, doanh nghiệp (DN) Việt đang chịu sức ép rất lớn cả trong lẫn ngoài nước. Bài toán khó không chỉ nằm ở vốn, công nghệ, thị trường hay chuyển đổi số - chuyển đổi xanh mà còn ở khả năng kết nối, tận dụng chuỗi giá trị toàn cầu và định hướng chiến lược dài hạn.
“Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn vươn tầm quốc tế, nhưng nhìn chung phần đông DN vẫn nhỏ, sức cạnh tranh yếu và đang chậm nhịp trong chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hay hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Lực nói.
Điểm sáng lớn nhất là sự ra đời của bốn nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57/2024, Nghị quyết 59/2025, Nghị quyết 66/2025 và Nghị quyết 68/2025. Đây được xem là “bộ tứ trụ cột” kiến tạo tầm nhìn và định hình lộ trình phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Toàn cảnh diễn đàn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đây không chỉ là những văn bản chỉ đạo mà còn là kim chỉ nam chiến lược, thể hiện tầm nhìn sâu rộng và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc kiến tạo một nền kinh tế năng động, hội nhập và bền vững.
“Đơn cử như Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chính là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Từ đó, không còn quan niệm “con buôn”, xem doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh doanh” - ông Lực nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM - cho biết, hiện sức đề kháng của DN đang bị bào mòn. Làn sóng DN rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua từ năm 2022-2024 và trong 4 tháng đầu năm nay đã gần bằng một nửa năm 2024. Đây không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn mà liên tục.
“Tất nhiên quá trình kinh doanh có sàng lọc thị trường, nhưng số lượng rút lui hàng trăm ngàn và liên tục thể hiện sức sống, sức chống chịu với thị trường” - ông Hòa nhìn nhận.
Thúc đẩy khai thác thị trường trong nước
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn. Trong vài năm qua, việc này đã thực hiện một cách chiến lược, bài bản, nhiều DN của TPHCM đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa.

Nghị quyết 68 của Trung ương góp phần giúp kinh tế tư nhân bứt phá.
“Chúng ta cũng phải nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh có "bộ tứ" nghị quyết là căn cơ, nền tảng cho kinh tế tư nhân, cho DN, cho khoa học công nghệ” - ông Vũ nói và nhấn mạnh đến việc thúc đẩy việc liên kết, liên kết vùng nguyên liệu, thị trường. Tới đây, khi TPHCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không gian phát triển mở rộng hơn cho DN.
Từ góc nhìn nghiên cứu, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho biết, DN cần được hỗ trợ tín dụng ưu đãi, kích cầu tiêu dùng nội địa, hoàn thuế, nâng cấp hạ tầng giao thông, và đặc biệt là cắt giảm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, DN cần chủ động định vị lại thị trường, phân loại xuất khẩu vào các khu vực như thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU), thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi) hay thị trường ngách - nơi có dung lượng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao.