Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản sẽ giảm 7%
Tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết tại Nhật Bản được dự báo sẽ giảm 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026.

Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo dự kiến, đây là lần sụt giảm đầu tiên trong vòng sáu năm khi các nhà sản xuất chịu tác động từ những khó khăn trong thương mại và biến động tỷ giá.
Thuế quan của Mỹ và đồng yen tăng giá đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép và vận chuyển, mặc dù mức lợi nhuận chung vẫn ở mức cao.
Nikkei đã tổng hợp dự báo lợi nhuận của khoảng 1.000 công ty niêm yết trên Thị trường cao cấp (Prime) của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) có năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Năm tài chính 2025 (từ ngày 1/4/2025 – 31/3/2026), lợi nhuận của các nhà sản xuất dự kiến sẽ giảm 7%.
Ngành ô tô, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, phải đối mặt với mức giảm lợi nhuận 32%. Trong số 4 nhà sản xuất ô tô lớn đã công bố dự báo, Honda Motor dự kiến lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất với mức giảm 70%. Tác động kết hợp của thuế quan và tỷ giá hối đoái dự kiến sẽ cắt giảm lợi nhuận chung của ngành khoảng 1.100 tỷ yen (7,64 tỷ USD).
Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép dự kiến sẽ giảm 27%. Nippon Steel dự kiến lợi nhuận sẽ giảm 43% khi tính đến tác động lên tới hàng chục tỷ yên từ thuế quan.
Chủ tịch Nippon Steel - Tadashi Imai nói với các phóng viên hồi đầu tháng này: “Tác động gián tiếp đến xuất khẩu, đặc biệt là từ ô tô, sẽ cực kỳ lớn”. Ông cũng cảnh báo về “xuất khẩu gây giảm phát”, tức là các sản phẩm thép dư thừa từ Trung Quốc được bán với giá rẻ tại các thị trường lân cận, đồng thời lưu ý rằng điều này có thể dẫn đến tình trạng xấu đi của điều kiện thị trường.
Các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực phi sản xuất cũng dự kiến lợi nhuận sẽ giảm 7%. Ba công ty vận tải biển lớn của Nhật Bản phải đối mặt với tác động tiêu cực kết hợp lên tới 170 tỷ yen từ thuế quan. Các ngân hàng đang được hưởng lợi từ lãi suất tăng và nhu cầu trong nước ổn định, nhưng những khoản lợi nhuận này không đủ để bù đắp cho các khoản lỗ ở nơi khác.
Mặc dù tác động đầy đủ của thuế quan Mỹ vẫn chưa rõ ràng, nhưng tình hình vẫn chưa đến mức tồi tệ như trong đại dịch COVID-19, khi hoạt động kinh tế bị đình trệ hoàn toàn.
Các dự báo ban đầu cho năm tài chính này cho thấy lợi nhuận sẽ giảm dưới 10%, trong khi những dự báo vào tháng 5/2020, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, cho thấy mức giảm tới 20%. Lần này, 8% số công ty chưa công bố dự báo lợi nhuận. Vào tháng 5/2020, con số đó là 60%, theo báo cáo của SMBC Nikko Securities.
Bất chấp những khó khăn, khả năng sinh lời và tình hình tài chính của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tổng lợi nhuận ròng của tất cả các công ty niêm yết được dự báo đạt 47.400 tỷ yen, mức cao thứ 2 kể từ năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2008. Ngành điện tử dự kiến lợi nhuận tăng 2%, nhờ đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn như Tokyo Electron và Advantest dự báo lợi nhuận kỷ lục.
Nhiều công ty như Hitachi, vốn đã tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để nắm bắt nhu cầu AI đang tăng trưởng nhanh chóng, đã gia tăng đáng kể khả năng sinh lời. Lượng tiền mặt mà các công ty niêm yết nắm giữ vào cuối tháng 12 lên tới khoảng 110.000 tỷ yen, tăng 30% so với cuối tháng 3/2019 và thuộc mức cao nhất từ trước đến nay.
Mitsui OSK Lines sẽ theo đuổi các vụ mua lại trị giá khoảng 200 tỷ yen. Công ty vận tải biển này đang cân nhắc những kế hoạch cho các lĩnh vực tạo ra thu nhập ổn định, chẳng hạn như tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hoạt động của nhà ga. Chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Nhật Bản tại Nomura Securities, Tomochika Kitaoka, cho biết: “Các công ty cần phải linh hoạt trong việc ứng phó với những thay đổi bằng cách thực hiện các bước như đa dạng hóa cơ sở sản xuất và thị trường (nơi họ đang tập trung)”.