Doanh nghiệp Việt Nam trong xoáy thương chiến: Không còn chỗ cho chiến lược một chiều
Giữa làn sóng biến động không ngừng của thương mại toàn cầu, các chuyên gia khẳng định rằng chỉ những quốc gia và doanh nghiệp sở hữu tư duy chiến lược, đổi mới sáng tạo và khả năng hợp tác đa chiều mới có thể thích ứng linh hoạt, tận dụng cơ hội và vững bước tới thành công bền vững.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: ACCA Việt Nam
Ngày 20/5 tại Hà Nội, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Thích ứng với biến động của bối cảnh kinh tế toàn cầu: Chiến lược dành cho doanh nghiệp Việt Nam”, mang đến một góc nhìn toàn diện về bức tranh kinh tế thế giới và những ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Tại sự kiện, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra phân tích sâu sắc về xu hướng thương mại toàn cầu, đồng thời chia sẻ các chiến lược thực tiễn giúp doanh nghiệp Việt Nam ứng phó hiệu quả với bất ổn, khai thác lợi thế chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực thích ứng trong môi trường kinh tế đầy biến động.
Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách & Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu nhấn mạnh rằng những diễn biến xoay quanh thương mại quốc tế chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm trong năm nay, và cho biết ACCA đang lên kế hoạch công bố một báo cáo chuyên sâu về chủ đề này vào cuối tháng 9.
“Là nền kinh tế có mức độ hội nhập sâu rộng, cách Việt Nam phản ứng trước biến động toàn cầu sẽ mang ý nghĩa tham khảo đáng kể,” ông nói thêm.

Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách & Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: ACCA Việt Nam
Cũng theo ông Suffield, nhiều nhà kinh tế hiện đang cảnh báo về nguy cơ Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong các quý tới khi niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh, một phần do áp lực lạm phát từ chi phí nhập khẩu tăng cao. Dữ liệu mới nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát có thể vượt 6% trong vòng một năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1981.
“Áp lực lạm phát như vậy chắc chắn sẽ bào mòn thu nhập thực tế và kéo giảm sức tiêu dùng. Cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán, tâm lý dè dặt của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể dẫn đến xu hướng cắt giảm đầu tư và chi tiêu,” ông nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Suffield, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế cao đối với Trung Quốc và một số quốc gia khác phần nào mang lại hy vọng về sự ổn định tạm thời, thậm chí mở ra khả năng điều chỉnh dự báo tích cực hơn từ các tổ chức như IMF.
“Dù còn nhiều bất ổn, sự tạm dừng này mang lại một chút ổn định và thậm chí mở ra khả năng dự báo của IMF có thể điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Dẫu vậy, triển vọng sắp tới vẫn phụ thuộc rất lớn vào việc liệu các bên có thể đạt được các thỏa thuận thương mại bền vững trước khi thời hạn hoãn thuế 90 ngày kết thúc. Nếu không, nguy cơ leo thang thương mại có thể quay trở lại,” ông Suffield cảnh báo.
“Từ góc độ của ACCA và cộng đồng kế toán toàn cầu, chúng tôi tin rằng các kế toán viên ở khắp nơi nên tiếp tục giữ thái độ lạc quan có cơ sở, song đồng thời cũng cần chủ động chuẩn bị cho những kịch bản kém tích cực hơn.”
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam khẳng định bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tác động sâu sắc và tạo ra sự chuyển hóa mạnh mẽ trong cách thức vận hành của các doanh nghiệp Việt.
“Trong một môi trường nhiều biến động, thách thức và cơ hội luôn song hành. Chính vì vậy, tọa đàm lần này không chỉ là diễn đàn chia sẻ chiến lược thích ứng hiệu quả mà còn là nơi khơi gợi hành động thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.”

Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam. Ảnh: ACCA Việt Nam
Giám đốc Quốc gia của ACCA Việt Nam đưa ra khuyến nghị rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tiệm cận các chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh nỗ lực đa dạng hóa danh mục thương mại toàn cầu.
“Đặc biệt, việc áp dụng các chuẩn mực công bố thông tin và phát triển bền vững như IFRS S1 và S2 đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tính minh bạch và khả năng hòa nhập với các thị trường quốc tế. Thúc đẩy các tiêu chuẩn này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, mà còn gia tăng vị thế của Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.”
Với vai trò là tổ chức nghề nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kế toán-kiểm toán, tại sự kiện, ACCA đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu các xu hướng mới và cung cấp công cụ, kiến thức giúp doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược phù hợp.
“Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sứ mệnh lớn hơn của chúng tôi: nâng tầm chất lượng nghề nghiệp kế toán và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới một tương lai kinh tế thịnh vượng,” ông Hưng nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn pháp lý, bà Gwendoline Brooker, Phó Tổng Giám đốc Frasers Law cho rằng một trong những thách thức lớn hiện nay của Việt Nam là sự phụ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong khi cơ cấu ngành hàng vẫn tập trung chủ yếu vào sản xuất truyền thống như giày dép, dệt may, sắt thép và linh kiện điện tử.
“Cả thế giới đang dịch chuyển theo hướg đa dạng hóa. Điều này phản ánh rõ trong các chỉ dấu kinh tế gần đây, trong đó có việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, điều từng được xem là gần như không tưởng,” bà nhận định và đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ đang dần trở nên biệt lập, và các nền kinh tế khác nên phụ thuộc vào Mỹ đến mức nào.
Bà Brooker cho biết hiện nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc các thị trường thay thế từ Trung Quốc đến ASEAN và đặc biệt là Liên minh châu Âu. “Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đáng kể các đoàn thương mại EU tới Việt Nam, cũng như sự quan tâm từ các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong việc tìm hiểu pháp lý và quy trình xuất khẩu sang thị trường này.”
“Lần đầu tiên, chúng tôi cũng thấy các phái đoàn từ Canada đến Việt Nam. Đơn cử như Alberta đang mở rộng tiếp cận cả Việt Nam và ASEAN, coi khu vực này, đặc biệt là Việt Nam, là điểm đến ổn định hơn Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị Mỹ-Trung đầy bất ổn,” bà chia sẻ.
Từ kinh nghiệm tư vấn thực tế, bà Brooker đưa ra thông điệp rõ ràng với các doanh nghiệp sản xuất rằng “Hãy đa dạng hóa thị trường. Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ. Đồng thời, cần tăng cường quan hệ với chính phủ Việt Nam, không chỉ để xin giấy phép, mà còn để xây dựng niềm tin, tìm kiếm sự bảo đảm chính sách và thể chế nhất quán nhằm vận hành hiệu quả trong một thế giới đầy biến động.”