Từ ngày 1-7, thêm hàng triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, từ 1-7-2025 sẽ có thêm hàng triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, trong đó đáng chú ý là nhóm chủ hộ kinh doanh.
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 đã bổ sung nhiều nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, luật cũng có quy định hướng tới việc buộc các nhóm lao động làm việc online, lái xe công nghệ… tham gia BHXH bắt buộc.
4 nhóm mới phải tham gia BHXH bắt buộc
Theo quy định hiện hành, người lao động có hợp đồng lao động thời hạn 3 tháng mới phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 điều chỉnh theo hướng người lao động và chủ doanh nghiệp có thỏa thuận làm việc bằng hợp đồng 1 tháng trở lên là phải đóng BHXH.
Cạnh đó, luật mới cũng bổ sung 4 nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc sau:
Thứ nhất, chủ hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Thứ ba, người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (tính theo lương tối thiểu vùng).

Luật BHXH mới quy định người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động 1 tháng là phải tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG
Thứ tư, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
Đáng chú ý, luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ. Đối tượng này có thể là tài xế xe công nghệ, người làm việc trong các mô hình kinh tế mới…
Chủ hộ kinh doanh nào phải đóng BHXH bắt buộc?
Trong các nhóm đối tượng mới bổ sung nêu trên, Luật BHXH 2024 giao Chính phủ quy định cụ thể các nhóm chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định này.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, các chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc từ 1-7 gồm: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh còn lại sẽ thực hiện tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1-7-2029.

Các chủ hộ kinh doanh tới đây sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: N.NGỌC
Theo cơ quan soạn thảo, thông tin cơ quan thuế cung cấp, năm 2024 có khoảng 80.000 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và hơn 2 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Nhiều trường hợp chủ hộ kinh doanh hết tuổi lao động, đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng khác hoặc đang tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng khác.
“Tuy nhiên, việc quy định theo lộ trình trên giúp giảm áp lực phải tham gia ngay đối với nhóm chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh nhỏ lẻ và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có thời gian để chuẩn bị thực hiện các công tác quản lý đối tượng tham gia…”- cơ quan soạn thảo cho hay.
Mạnh tay với tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH
Vấn đề chậm và trốn đóng BHXH, Luật BHXH đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Song song đó, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể, luật mới quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Với hành vi trốn đóng BHXH, theo quy định hiện nay, ngoài xử phạt hành chính các bên còn chịu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
“Các quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH…”- Bộ Nội vụ lý giải.
Tiền lương đóng BHXH bắt buộc gồm những khoản nào?
Luật BHXH 2024 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương, bổ sung khác. Trong đó, các khoản bổ sung khác được hiểu là những khoản được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
Các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động cũng không phải đóng BHXH.