Sửa Luật Quy hoạch: Cấp tỉnh sẽ làm quy hoạch thế nào?

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất sửa Luật Quy hoạch nhằm gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng phân quyền cho địa phương.

Sáng 9/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi thay mặt cơ quan thẩm tra báo cáo đánh giá kỹ lưỡng, phản ánh đa chiều về các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng không gian phát triển quốc gia và thúc đẩy hiệu quả tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH

Luật Quy hoạch hiện hành được đánh giá là đã tạo bước đột phá thể chế khi xóa bỏ nhiều quy hoạch sản phẩm, giảm rào cản gia nhập thị trường. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai, nhiều điểm nghẽn mới phát sinh, nhất là khi chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp và sáp nhập đơn vị hành chính được đẩy mạnh. Những yêu cầu đó đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tạo điều kiện cho địa phương phát triển năng động hơn trong giai đoạn mới.

Mở rộng phạm vi, đơn giản thủ tục, đẩy mạnh phân cấp

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ ba mục tiêu lớn, hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch; nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho địa phương; khơi thông điểm nghẽn về tổ chức bộ máy. Một trong những nội dung nổi bật là đề xuất thay cụm từ "Hệ thống quy hoạch quốc gia" bằng "Hệ thống quy hoạch" trong phạm vi điều chỉnh để bao quát cả các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Điều này tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, tránh xung đột pháp luật.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã lược bỏ một loạt quy trình, thủ tục được cho là gây cản trở thực tiễn như quy định xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, tích hợp nhiều bước không cần thiết trong thẩm định. Thay vào đó, việc lập, điều chỉnh quy hoạch sẽ được rút gọn, đẩy mạnh ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương. Quy định mới cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, không gian biển quốc gia và các quy hoạch vùng, tỉnh mà không cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đồng thời rút ngắn thời gian lấy ý kiến.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá cao chủ trương phân cấp, phân quyền nhưng lưu ý cần thận trọng với các nội dung liên quan đến tài nguyên quốc gia đặc biệt như đất và biển. Việc đề xuất giao Chính phủ quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần được xem xét kỹ vì liên quan đến thẩm quyền tối cao của Quốc hội theo Hiến pháp.

Đồng bộ hóa pháp luật, gỡ chồng chéo, tránh tạo nghẽn mới

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định: Việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là yêu cầu chính trị, thể chế hóa chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng lưu ý là dự thảo Luật mới chưa thể hiện rõ nội dung sửa đổi tương thích ở các luật chuyên ngành như đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn. Nếu không được rà soát đồng bộ, nguy cơ "gỡ được một điểm nghẽn lại tạo thêm điểm nghẽn mới" là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu lưu ý các khái niệm như "tích hợp quy hoạch", "phù hợp với quy hoạch", hay giá trị pháp lý của sơ đồ, bản đồ quy hoạch vẫn chưa được xác định rõ. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi địa phương hiểu và thực hiện một kiểu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng đề xuất bỏ quy định về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, chuyển việc phê duyệt danh mục dự án ưu tiên từ Quốc hội, Thủ tướng về cho các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho địa phương, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm quyền và đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung rõ ràng tiêu chí đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư với quy hoạch, nhất là trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cần giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự điều chỉnh quy hoạch tùy theo tính chất, quy mô không gian bị thay đổi sau khi sáp nhập hành chính.

Việc sửa đổi Luật Quy hoạch là bước đi cần thiết để mở rộng không gian phát triển, giải phóng nguồn lực và trao quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương. Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Chỉ khi đó, tư duy đổi mới mới có thể chuyển hóa thành những bước tiến cụ thể, bền vững trong hành trình phát triển đất nước.

Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị yêu cầu: “Đối với cấp tỉnh: Ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp”.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-luat-quy-hoach-cap-tinh-se-lam-quy-hoach-the-nao-386748.html
Zalo