Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn
Nếu đưa mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có lộ trình áp dụng hợp lý, minh bạch hơn để người dân, doanh nghiệp có thời gian thích ứng với chính sách mới, tạo sự đồng thuận cao khi dự luật này được thông qua.
Xem xét một cách thận trọng
Cho ý kiến với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến quy định về bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) nêu rõ, theo báo cáo của các cơ quan quản lý của Việt Nam, thì phần lớn các chất tạo ngọt ở Việt Nam hiện đang được nhập khẩu với khối lượng lớn, giá rẻ, được miễn thuế hoặc mức thuế rất thấp. Chỉ riêng năm 2023, nước ta đã nhập khẩu 231 nghìn tấn siro HFCS và khối lượng này cũng chủ yếu phục vụ cho ngành nước giải khát. Nếu không có các chính sách hỗ trợ nào khác, vô hình chung chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ đẩy ngành mía đường - nơi đang trực tiếp tạo ra sinh kế cho gần 300 nghìn hộ nông dân và hàng vạn lao động trong các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối - đi vào suy thoái.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài cũng như còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng và dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính bao quát toàn diện của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này.
Bởi, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ tạo ra những tác động đa chiều đến nhiều nhóm đối tượng trong nền kinh tế, cả trực tiếp và gián tiếp. Mặt khác, đối với người tiêu dùng, thì đây là một loại thuế gián thu, được tính vào giá bán sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng - đối tượng cuối cùng chịu chi phí, sẽ là nhóm bị ảnh hưởng rõ nét nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng nêu rõ, chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân, béo phì là hệ quả của nhiều nguyên nhân, như thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền hoặc bệnh lý và việc hấp thụ đường còn tùy vào cơ địa của từng người.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Ngoài ra, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn.
Với những phân tích nêu trên, các đại biểu đề nghị, cần mở rộng phạm vi thu thuế đối với nước giải khát sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp và mức thuế cần được tính toán phù hợp, có thể bằng hoặc cao hơn so với sản phẩm sử dụng từ mía đường.
Cùng với đó, cần bắt buộc ghi rõ các nhãn hàng hóa và cảnh báo sức khỏe đối với sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp, vì người tiêu dùng có quyền được biết và có quyền được lựa chọn. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế đối với các chất tạo ngọt tổng hợp nhập khẩu và tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu, giám sát chất lượng để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, chuyển giá và gian lận thương mại.

ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
“Cần xem xét một cách thận trọng trong việc đưa mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100 ml theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế thì cần có lộ trình áp dụng hợp lý, minh bạch hơn để người dân, doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, thích ứng với chính sách mới và tạo sự đồng thuận cao khi dự luật này được thông qua”, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.
Thay vì áp dụng mức thuế như quy định của dự thảo Luật, thì nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3 - 7%, sau đó là 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.
Vừa thực hiện mục tiêu đề ra vừa tránh "cú sốc" với các doanh nghiệp

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Phân tích vấn đề với kỳ vọng một chính sách thuế tiến bộ, đúng hướng với mục tiêu phát triển bền vững và đặt con người, đặc biệt là sức khỏe của thế hệ tương lai, làm trung tâm, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhấn mạnh, phương án áp thuế suất đối với nước giải khát có đường tiêu chuẩn Việt Nam 5g/100 ml là 8%, mức thuế 10% lùi đến năm 2027 và năm 2028 là quá chậm, quá thấp. Đây không chỉ là chính sách thuế mà là lựa chọn chiến lược của một quốc gia có trách nhiệm, đồng thời còn là câu chuyện về mặt đạo đức. Đằng sau mỗi sản phẩm hấp dẫn vị giác đó còn là hệ lụy về sức khỏe và những câu chuyện đau lòng về môi trường, động vật và con người.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chính sách thuế này không nhắm vào việc cấm đoán mà tạo động lực cho lựa chọn đúng. Thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ giảm bệnh, giảm gánh nặng y tế, tái phân phối trách nhiệm tài chính; ai gây hại cho sức khỏe cộng đồng phải góp phần khắc phục, giảm chi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chữa bệnh không lây nhiễm của người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030 - 2035. Với quan điểm như vậy, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ, “một chính sách thuế tuy nhỏ nhưng là lời tuyên bố mạnh mẽ, Việt Nam không đánh đổi sức khỏe nhân dân, lấy tăng trưởng thuần túy”.
Theo thống kê hiện nay, lượng đường chúng ta tiêu thụ đã lên 46,5% lượng đường tự do mỗi ngày và phần lớn đến từ nước giải khát có đường. Đây chính nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân. Đến nay đã có 107 quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này và tại khu vực ASEAN thì 7/11 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (tính cả Đông Timor - thành viên không chính thức của ASEAN).
Từ thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, “phải đánh thuế sớm hơn, vì đến giờ phút này chúng ta cũng đã muộn rồi, không thể để thế hệ con em đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi chúng ta mới bàn”.
Giải trình làm rõ những nội dung đại biểu nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thống kê hiện nay lượng đường mà chúng ta tiêu thụ đã lên 46,5% lượng đường tự do mỗi ngày và phần lớn đến từ nước giải khát có đường. Đây chính nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân. Đến nay đã có 107 quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này và tại khu vực ASEAN thì 7/11 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (tính cả Đông Timor - thành viên không chính thức của ASEAN).
Từ thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, “phải đánh thuế sớm hơn, vì đến giờ phút này chúng ta cũng đã muộn rồi, không thể để thế hệ con em đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi chúng ta mới bàn”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, những loại nước sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao. Trong đó, những sản phẩm như nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đã tiếp thu về mức đánh thuế và thời gian áp dụng theo hướng giãn thời hạn và giảm tỷ lệ theo mức năm 2027 là 8%, năm 2028 là 10%. Liên quan đến thời hạn đối với tất cả các mặt hàng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ rà soát để xem cụ thể mặt hàng nào sẽ áp thuế từ ngày 1/1/2026 và những mặt hàng nào lùi sang 1/1/2027 để vừa thực hiện được mục tiêu của Quốc hội, nhưng đồng thời cũng tránh "cú sốc" đối với các doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng, tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố cho thấy, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát được chế biến từ nước và có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất có ga hoặc không có ga.
“Với khái niệm như vậy, những loại nước sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao. Và, những sản phẩm như nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.