Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tinh gọn bộ máy, 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'

Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Tán thành sửa đổi toàn diện Luật tổ chức Chính quyền địa phương

Thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình và Bắc Kạn), các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu nhận thấy, dự án Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các nội dung sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước Trung ương với địa phương và giữa cơ quan các cấp của chính quyền địa phương.

Quan tâm tới quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, dự thảo Luật đang quy định theo hướng kế thừa quy định hiện hành và các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Theo đại biểu, qua triển khai thực tiễn, những quy định về mô hình chính quyền đô thị đã phát huy được hiệu quả.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện những quy định này, nếu thực sự có hiệu quả thì cần có quy định thống nhất về cách thức tổ chức chính quyền đô thị để thực hiện tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Đề cập tới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, một số đại biểu cũng cho rằng, trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Khoản 1 Điều 14 về phân cấp cho chính quyền địa phương quy định "Hội đồng nhân dân được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Hội đồng nhân dân cấp dưới...". Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chỉ rõ, Ủy ban nhân dân cùng cấp là cơ quan chấp hành. Hơn nữa HĐND cấp huyện, cấp xã không phải là cơ quan cấp dưới của HĐND cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, HĐND chỉ quyết định những vấn đề mang tính chủ trương, những chính sách gắn với phạm vi toàn bộ đơn vị hành chính nên không thể phân cấp được. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc tính phù hợp của quy định này.

Đối với cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị kế thừa quy định của Luật hiện hành về số lượng đại biểu HĐND, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, khung số lượng Phó Chủ tịch HĐND và số lượng, tên gọi các Ban của HĐND để đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đối với quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, chia nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến hộ gia đình theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng quy định trên chưa đảm bảo tính chặt chẽ; việc thực hiện sắp xếp địa giới hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện một số nội dung cụ thể khi lấy ý kiến (như tên gọi đơn vị hành chính,..) để đảm bảo tính khách quan và tăng tính chủ động.

Cũng đề cập tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, nhận thấy đây là quy định cần thiết, nhằm đảm bảo tính đồng thuận của nhân dân trong quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp, khi lấy ý kiến của nhân dân về nhập đơn vị hành chính cấp xã thì không nhận được sự đồng thuận của nhân dân nên không thực hiện được việc nhập địa giới hành chính.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị xác định rõ việc lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời xem xét việc lấy ý kiến là cơ sở để tham khảo hay cơ sở để quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Nội dung này cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định.

Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Ngoài ra, liên quan tới quy định về phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung "Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh" tại Điều 32 dự thảo Luật.

Theo đó, tại thực tiễn địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân có sự phối hợp rất chặt chẽ để thống nhất các nội dung thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn từ tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát cũng như xem xét, phối hợp giải quyết các kiến nghị, đề nghị của cử tri.

Vì vậy, việc tham dự phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội nắm được những vấn đề thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn yêu cầu về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc phân cấp, ủy quyền ở cả hai phía (thực hiện phân cấp và được phân cấp) tại Điều 14 dự thảo Luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Cần bổ sung cụ thể quy định về các trường hợp không được phân cấp, ủy quyền

Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TPHCM), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, phạm vi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); ủng hộ, thống nhất với quan điểm là cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để tăng tính chủ động của chính quyền địa phương theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Góp ý kiến vào nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung giải thích để phân định rõ hơn các khái niệm này, bảo đảm việc triển khai áp dụng hiệu quả và tránh bị lạm dụng trong thực tế.

Liên quan đến nội dung về phân quyền cho chính quyền địa phương, tại khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định tại Điều 14, Điều 15 của Luật này, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, dự thảo Luật cần bổ sung cụ thể quy định về các trường hợp không được phân cấp, ủy quyền để đảm bảo dễ thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân liên quan đến đầu tư công, quy định về thành phần Ủy ban nhân dân, cơ chế hoạt động của Ủy ban nhân dân.

Đồng thời đề nghị, cần phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xem xét khả năng tái lập cơ chế Thường trực Ủy ban nhân dân để giảm gánh nặng công việc cho Ủy ban.

Đại biểu Hà Phước Thắng

Đại biểu Hà Phước Thắng

Cần có quy định về phân nhóm các lĩnh vực và loại đơn vị sự nghiệp công lập được phân cấp, ủy quyền

Cũng quan tâm đến nội dung phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật, đặc biệt liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, so với việc phân cấp, ủy quyền chỉ cho các cơ quan hành chính cấp dưới như trước đây, dự thảo Luật đã mở rộng thêm đối tượng được phân cấp, ủy quyền là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, để tránh chồng chéo và rõ trách nhiệm, đại biểu cho rằng, cần có quy định về phân nhóm các lĩnh vực và loại đơn vị sự nghiệp công lập được phân cấp, ủy quyền.

Như vậy sẽ giúp cho việc phân cấp, ủy quyền được chính xác theo định hướng từng nhóm, lĩnh vực được giao, đồng thời phát huy tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, khoản 3, Điều 4 quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần điều chỉnh lại theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Đồng thời cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình trước nhân dân để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Theo đại biểu, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng cần được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này.

Về quy định liên quan đến Ủy ban nhân dân, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật kế thừa nguyên tắc tổ chức và hoạt động hiện nay, nhưng cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên.

Đồng thời, có thể xem xét đề cao vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo nguyên tắc rõ người, rõ trách nhiệm để phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và tổ chức bộ máy mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất giữa dự thảo Luật này và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về cơ chế phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát. Cùng với đó có quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa dự thảo Luật này với các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”

Phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”

Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, An Giang và Phú Thọ), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, cần nghiên cứu thêm vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 13, phân cấp cho chính quyền địa phương tại Điều 14 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

“Đúng ra Điều 13 phải là nguyên tắc phân quyền, địa phương tự chủ, chịu trách nhiệm, cơ quan nhà nước cấp trên chịu trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra, giám sát những vấn đề mình phân quyền; còn Điều 14 không phải phân cấp mà là nội dung phân quyền”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, còn có những điều ủy quyền nằm trong nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương lại không đưa vào Điều 15 quy định về ủy quyền cho chính quyền địa phương, do đó, cần nghiên lại nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”, đồng thời phải lấy kết quả, tính mục đích làm cơ sở để thiết kế các quy định này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quy định tại khoản 4, Điều 28 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND và cho rằng, trong điều kiện HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND, thì Thường trực HĐND được quyết định. Tại quy định về HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bổ sung “HĐND được phép ủy quyền những việc thấy cần thiết và UBND phải thực hiện những điều ủy quyền đó và chịu trách nhiệm trước HĐND”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các điều kiện ủy quyền phải tính toán cho hợp lý, khi đã ủy quyền sẽ thay đổi trình tự, thủ tục. “Hiện nay “vướng nhất”, “ngại nhất” là thủ tục, vì thủ tục mới ủy quyền.

Một là vì tính cấp bách của vấn đề, hai là sự phù hợp với thực tiễn, ba là trình tự thủ tục rườm rà, cái gì cũng báo cáo với tỉnh, báo cáo với trung ương thì mới ủy quyền, cho nên phải làm thay đổi trình tự, thủ tục thì mới nhanh được, mới quyết được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Cũng về nội dung phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Luật đã có các quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp, chủ thể được ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền (Điều 14, 15).

Đồng thời dự thảo Luật lần này đã mở rộng thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp (khoản 14 Điều 28); cho cơ chế Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ do HĐND giao (khoản 2 Điều 27).

Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, các quy định như trên là phù hợp với xu thế tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND hiện nay, đảm bảo Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung, quy định một cách rõ hơn về cơ sở pháp lý trong việc HĐND giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND thông qua việc bổ sung phương thức ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND vào khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật; bổ sung điểm c vào khoản 14 dự thảo Luật quy định Thường trực HĐND được quyết định giữa hai kỳ họp với nội dung: “Các nội dung khác theo quy định của pháp luật và các trường hợp được Hội đồng nhân dân giao, ủy quyền”.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đề cập về dự án Luật này, đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND để giải quyết một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND; và Thường trực HĐND cũng là một cấp gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND…

“Tôi cho rằng, nên giao HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND một số việc và báo cáo lại kết quả xử lý các vấn đề giữa hai kỳ họp để HĐND xem xét, quyết định”, đại biểu kiến nghị.

Về cơ cấu tổ chức của UBND (Điều 36 của dự thảo Luật), đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giảm số lượng ủy viên UBND và cơ cấu chỉ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và một số giám đốc Sở như Sở Nội vụ, Công an, Quân sự, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, không nhất thiết mở rộng ra các Sở nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Trước đó, chiều 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo đó, quan điểm sửa đổi luật nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bảo đảm vừa kế thừa những quy định còn phù hợp, vừa tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; khắc phục các hạn chế, bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua.

Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về việc ‘‘Luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội’’ nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Mục tiêu sửa đổi cơ bản và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Dự thảo Luật gồm 07 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành) với các nội dung cơ bản về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.

Dự thảo Luật đã quy định một chương riêng về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Chương III), là cơ sở để các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước ở địa phương trong các ngành, lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm phù hợp.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành.

Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp, dự thảo Luật quy định theo hướng: Quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND.

Giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Giao Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất…

Cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và từng thành viên UBND.

Quy định rõ các nhiệm vụ của UBND phải thảo luận và quyết định tập thể; các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được ủy quyền cho Chủ tịch UBND thực hiện; Quy định theo hướng mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Tán thành sửa đổi, phạm vi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, phạm vi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Nội dung của dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của Luật hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về cách thức quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền, đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền, phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thể hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp theo hướng quy định một cách khái quát về các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này theo các nhóm lĩnh vực như Luật hiện hành, có sự phân biệt nhất định về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, tạo cơ sở cho việc tiếp tục quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong các luật chuyên ngành.

Đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính ổn định, lâu dài của Luật...

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sua-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-tinh-gon-bo-may-dia-phuong-quyet-dia-phuong-lam-dia-phuong-chiu-trach-nhiem-119250212162026131.htm
Zalo