Sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người; phải chọn được người tinh hoa, người tài...
Tăng cường giám sát việc thực hiện Luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13/2, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_35_51469454/19909920a86e4130187f.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, các rào cản để khơi thông nguồn lực phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước.
Làm rõ hơn một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra, như đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, vừa qua Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Những nơi thí điểm thì tiếp tục triển khai thực hiện, tổng kết và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có nhân rộng được hay không.
Nêu rõ, hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp; đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Chúng ta thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là ở đâu? Chính là ở Hội đồng nhân dân.
Nếu đặt vấn đề không tổ chức Hội đồng nhân dân thì ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ra, nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ ở đâu? Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. "Nhân dân thông qua HĐND để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của UBND", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua các luật rất kỹ lưỡng. Thực tế, cùng một hệ thống pháp luật, có địa phương thực hiện tốt, rất chủ động, sáng tạo, không than khó gì với Trung ương, nhưng cũng có địa phương không thực hiện được, ách tắc việc này, việc kia thì lại đổ cho luật, cho nghị định, thậm chí có địa phương chưa làm đã than khó.
Để xử lý nhanh các công việc, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.
Lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
"Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với luật hay không. Hội đồng nhân dân địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn" - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí việc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội và định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tới đây còn nhiều việc phải làm. Chỉ riêng về pháp luật đã có tới hơn 300 luật liên quan, hơn 5.000 văn bản liên quan nghị định, thông tư, không thể chỉ trong một Kỳ họp bất thường 6,5 ngày này có thể xử lý được hết mà phải tiếp tục thực hiện.
Do đó, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh để từ 1/3 tới bộ máy của nhà nước đi vào hoạt động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được sự hưởng ứng rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Tạo cơ chế phát huy sự năng động, sáng tạo
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội đồng tình sửa Luật Tổ chức Chính phủ và cho rằng, việc phân cấp, phân quyền hiện nay đang có nhiều tồn tại do cơ chế.
![Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_35_51469454/86ac041c3552dc0c8543.jpg)
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội
Theo đại biểu, đã phân cấp - giao việc thì phải trao quyền. Luật không nên quy định chi tiết đến từng cách thức làm thế nào, mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc, yêu cầu, có nghĩa làm như thế nào khi đã trao quyền cho địa phương là do địa phương quyết, chứ không có nghĩa trao quyền cho Chính phủ rồi Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn và địa phương phải làm theo như thế...
Đồng thời, khi phân cấp, phân quyền, phải đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình, có phương thức giám sát, kiểm tra để tránh lạm quyền. Từ đó, tạo cơ chế giúp cán bộ, công chức phát huy được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, để tạo đột phá về thể chế, có hai vấn đề. Thứ nhất, là thay đổi phương thức quản lý, từ quản lý theo hành vi hiện nay, phải xây dựng quy trình thủ tục, chuyển sang quản lý theo kết quả đầu ra, đo lường kết quả đầu ra.
Bên cạnh đó, pháp luật quy định người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức được làm những gì pháp luật cho phép, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức không được làm khác đi, dù kết quả tốt nhưng không đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, cần thay đổi quy định này, ngoài việc cán bộ, công chức không được làm những gì pháp luật cấm, còn phải làm những gì pháp luật chưa quy định nhưng giải quyết được đầu ra. “Cho phép cán bộ, công chức năng động, sáng tạo mà không vi phạm quy định của pháp luật thì mới tạo đột phá về thể chế” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thành Nam - đoàn Phú Thọ bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Luật đã có các quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp, chủ thể được ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền (Điều 14, 15).
Đồng thời, dự thảo Luật lần này đã mở rộng thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp (khoản 14 Điều 28); cho cơ chế Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ do HĐND giao (khoản 2 Điều 27).
Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, các quy định như trên là phù hợp với xu thế tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND hiện nay, đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND để giải quyết một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND và Thường trực HĐND cũng là một cấp gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND…
Về cơ cấu tổ chức của UBND tỉnh (Điều 36 của dự thảo Luật), đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giảm số lượng ủy viên UBND và cơ cấu chỉ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và một số giám đốc Sở như Sở Nội vụ, Công an, Quân sự, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, không nhất thiết mở rộng ra các Sở nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với luật hay không. Hội đồng nhân dân địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn.