Sửa đổi Luật Quốc tịch: Đồng hành, lắng nghe và gắn kết kiều bào với khát vọng vươn mình

Kiều bào ta dù ở đâu cũng đều hướng về quê hương - đất nước. Trong mọi chặng đường lịch sử, kiều bào ở khắp mọi nơi luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc. Việc sửa đổi Luật Quốc tịch lần này là bước đi quan trọng để 'cởi trói' về mặt pháp lý, để người Việt Nam dù đang ở trong nước hay đang an cư, lạc nghiệp ở nước ngoài đều có thể chung tay góp sức, đồng tâm, hiệp lực đưa quê hương - đất nước mình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quang cảnh Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, ngày 13/1/2023.(Ảnh minh họa)

Quang cảnh Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, ngày 13/1/2023.(Ảnh minh họa)

Quán triệt tinh thần “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” theo chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị ở Nghị quyết 36 năm 2004, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban người Việt), Bộ Ngoại giao đã cùng các cơ quan, địa phương trong nước và các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài không ngừng nỗ lực kết nối, gắn kết trái tim của cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với nhịp đập của dân tộc trong dòng chảy của thời đại.

Đáp lại sự chăm lo, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

Kiều bào khẳng định tin tưởng sâu sắc vào tương lai phát triển của đất nước, mong muốn được tích cực tham gia đóng góp hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; và đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho việc thực hiện những mục tiêu phát triển của đất nước thời gian tới.

Qua các tọa đàm, hội thảo chuyên đề về pháp luật do Ủy ban Người Việt cùng các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trong những năm qua như Tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc (năm 2022), Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu (năm 2022), Tọa đàm về chính sách, pháp luật trong khuôn khổ Chương trình Xuân Quê hương năm 2023, Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 (năm 2024)…, đại diện các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tha thiết trình bày nguyện vọng được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam về vấn đề quốc tịch.

Bên cạnh đó, qua các chương trình khảo sát, lấy ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban người Việt thực hiện, đặc biệt là chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” (được thực hiện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban từ năm 2021 đến nay), bà con tha thiết nhờ Ủy ban báo cáo, nêu lên những nguyện vọng, mong mỏi của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quy định trở lại quốc tịch, nhập quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài.

Những ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của bà con được tổng hợp đầy đủ, rà soát phục vụ công tác nghiên cứu, báo cáo, tham mưu các cơ quan chức năng, kiến nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong tình hình mới.

Cho đến nay, những nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của bà con về vấn đề quốc tịch đã được các cơ quan chức năng xem xét, triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng:

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo đó, các trường hợp này được phép nộp hồ sơ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà không cần phải về nước thường trú.

Đối với các trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài sẽ chỉ phải đáp ứng điều kiện cơ bản do Chính phủ quy định như: (i) Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam phù hợp với pháp luật của nước sở tại. (ii) Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam qua việc xem xét bỏ các quy định về điều kiện tại khoản 1 Điều 23 của Luật. Đối với các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài cũng chỉ cần đáp ứng điều kiện cơ bản do Chính phủ quy định, tương tự như trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nói trên.

Thứ ba, xem xét giao Chính phủ hướng dẫn xác định quốc tịch Việt Nam đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Việc dự thảo Luật sửa đổi có quy định này sẽ tạo điều kiện cho số đông con em của công dân Việt Nam có cơ hội được giữ quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi đã quy định bổ sung các điều khoản liên quan như: Một là khẳng định chủ quyền quốc gia đối với vấn đề quốc tịch; quy định quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Hai là bổ sung “Căn cước công dân, Thẻ Căn cước, Căn cước điện tử” là giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để bảo đảm phù hợp với Luật Căn cước năm 2023; đồng thời bổ sung quy định “các giấy tờ khác do Chính phủ quy định” để bảo đảm tính linh hoạt khi quy định về các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Ba là bổ sung thẩm quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bốn là bỏ Phiếu Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thành phần hồ sơ xin nhập/xin trở lại/xin thôi quốc tịch Việt Nam (trừ một số trường hợp miễn xác minh về nhân thân tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam); đổi tên “Phiếu Lý lịch tư pháp” thành “Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó” nhằm bảo đảm tính linh hoạt, tạo thuận lợi cho người yêu cầu…

Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó “nới lỏng” chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam chính là để tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng, người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Cùng với Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá triển khai khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch chắc chắn cũng sẽ góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Hoàng Thanh Tú – Nguyễn Tạ Hà Mi, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sua-doi-luat-quoc-tich-dong-hanh-lang-nghe-va-gan-ket-kieu-bao-voi-khat-vong-vuon-minh-post545872.html
Zalo