Dấn bước vào kỷ nguyên mới, bản lĩnh người cán bộ và trách nhiệm với dân tộc

Nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam lại đứng trước một cuộc chuyển mình lớn, không phải bằng xe tăng, súng đạn, mà bằng trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tinh thần cải cách. Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang đặt ra một 'bài thi lịch sử' mới cho từng cán bộ, đảng viên - nơi bản lĩnh và trách nhiệm không chỉ đo bằng chức vụ, mà bằng sự dấn thân.

50 năm trước, chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ kết thúc chiến tranh mà mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: hòa bình, độc lập, thống nhất và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hôm nay, trong hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng.

Để mở lối cho tương lai, Đảng ta đã lựa chọn con đường đầy dũng khí cải tổ mạnh mẽ bộ máy, tinh gọn tổ chức, đổi mới căn bản phương thức vận hành của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển. Không còn chỗ cho trì trệ, rườm rà, chồng chéo và lợi ích cục bộ. Đây là cuộc cách mạng không tiếng súng, nhưng quyết liệt và mang ý nghĩa sống còn.

Không phải ngẫu nhiên khi các cơ quan Trung ương công bố một loạt con số ấn tượng vào tháng 3/2025, quá trình sắp xếp đã đạt nhiều kết quả quan trọng: giảm 4 cơ quan Đảng cấp Trung ương, 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ, hơn 1.000 đơn vị cấp cục, vụ và gần 4.500 đầu mối cấp chi cục, phòng. Tại địa phương, đã giảm 466 sở, ngành; hơn 3.900 đơn vị cấp phòng và nhiều đầu mối đảng đoàn, sở ngành tương đương. Hiện việc sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng chính quyền hai cấp đang được khẩn trương triển khai.

Thành phố Lai Châu với hạ tầng, đô thị ngày càng phát triển.

Thành phố Lai Châu với hạ tầng, đô thị ngày càng phát triển.

Điều này không chỉ phản ánh tinh thần hành động quyết liệt của Trung ương mà còn là lời cam kết với nhân dân về một bộ máy hiệu lực, hiệu quả, phục vụ dân ngày một tốt hơn. Riêng ở các địa phương như Lai Châu, vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ, công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là nhiệm vụ hành chính mà còn là phép thử cho bản lĩnh chính trị, năng lực tổ chức và sự đồng thuận xã hội.

Nhưng cải cách không thể chỉ là “việc của cấp trên”, hay “việc của tổ chức”. Nó cần được tiếp sức từ tinh thần chủ động, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân - những người đang trực tiếp sống, làm việc trong hệ thống đang đổi mới từng ngày.

Nhớ lại những câu chuyện xúc động từ thời chiến như người mẹ liệt sĩ nói “Nếu giữ con thì mất nước”, hay vị đại đội trưởng sẵn sàng hy sinh để giữ cầu tiến quân,… khiến chúng ta xúc động không phải vì cái chết, mà vì tấm lòng. Họ đã gác lại lợi ích riêng vì một lý tưởng chung. Hôm nay, tinh thần ấy vẫn cần thiết, chỉ khác rằng “hy sinh” bây giờ là chấp nhận rút lui đúng lúc, nhường ghế cho người xứng đáng hơn, gạt bỏ định kiến để sáp nhập hiệu quả hơn.

Đó là lý do khiến hình ảnh những cán bộ tự nguyện nghỉ hưu sớm, những người chủ động chuyển đổi công tác để thích ứng sau sáp nhập, trở thành những tấm gương sáng trong công cuộc đổi mới bộ máy. Đằng sau mỗi con số tinh giản là những câu chuyện về sự lựa chọn không phải dễ dàng, nhưng đầy trách nhiệm.

Khi sáp nhập đơn vị hành chính, đổi tên tỉnh, tên xã... là những vấn đề không tránh khỏi tranh luận. Nhưng cần nhìn nhận rằng, bản sắc không nằm ở cái tên. Bản sắc là hồn cốt văn hóa đã thấm trong từng nếp nhà, từng phong tục, từng lễ hội, từng dòng sông con suối của mỗi vùng đất như Lai Châu. Những trầm tích văn hóa ấy sẽ tiếp tục sống, nếu người dân trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói đầy sâu sắc: “Đất nước là quê hương”. Hãy giữ gìn quê hương không phải bằng cách níu kéo một cái tên, mà bằng cách làm cho vùng đất ấy ngày càng phát triển, Nhân dân nơi ấy ngày càng ấm no, hạnh phúc".

Cải cách bộ máy là điều tất yếu. Nhưng để thành công, cần thêm một yếu tố: niềm tin. Niềm tin vào chủ trương đúng đắn của Đảng; vào sự điều hành minh bạch, khách quan của chính quyền; và quan trọng nhất, niềm tin vào sức dân.

Cần đẩy mạnh truyền thông để mỗi người dân hiểu rằng đây không phải là “tái cơ cấu vì hình thức” mà là một bước chuyển lớn vì lợi ích lâu dài. Đồng thời, các cấp cần nghiêm túc chống tiêu cực trong sắp xếp: chống “chạy vị trí”, chống “im lặng chờ thời”, chống cục bộ địa phương, chống biểu hiện “nói một đằng, làm một nẻo”,… để bộ máy mới thực sự là bộ máy phục vụ dân.

50 năm trước, bước chân thần tốc của các cánh quân giải phóng đã làm nên mùa Xuân lịch sử. Hôm nay, bước chân cải cách dù thầm lặng vẫn cần nhanh, quyết liệt và đúng hướng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở những nơi như Lai Châu cần trở thành lực đẩy vững chắc, truyền niềm tin cho Nhân dân các dân tộc, lan tỏa tinh thần cải cách tích cực.

Kỷ nguyên phát triển hùng cường đang gọi tên Việt Nam. Và để trả lời tiếng gọi đó, mỗi người chúng ta phải chọn đứng về phía hành động với bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công dân và tinh thần dấn thân không né tránh.

Lê Chí Công - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/chinh-tri/dan-buoc-vao-ky-nguyen-moi-ban-linh-nguoi-can-bo-va-trach-nhiem-voi-dan-toc-536171
Zalo