Cử tri Bình Định đồng thuận cao đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp

Ngày 21/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (phiên bất thường) cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới. Theo đó, 46/46 đại biểu thống nhất với đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định và đề án sắp xếp đơn vị cấp xã của tỉnh Bình Định.

Theo đề án, tỉnh Bình Định sẽ sáp nhập với tỉnh Gia Lai, lấy tên là tỉnh Gia Lai và đặt trung tâm chính trị - hành chính tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định hiện nay.

Tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576,5 km² với quy mô dân số hơn 3,153 triệu người với 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường) và Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh sẽ còn 58 đơn vị hành chính (gồm 41 xã; 17 phường); giảm 97 đơn vị hành chính (gồm 74 xã; 11 phường; 12 thị trấn); giảm với tỷ lệ 62,58%, đồng thời giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức hiện có ở cấp huyện và cấp xã để bố trí làm việc tại các xã mới. Sau đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời hạn 5 năm, theo đúng quy định của Chính phủ.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết thông qua Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025.

Theo đó, 100% đại biểu đều thống nhất với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã cũng như trao đổi về tên gọi của các đơn vị, địa giới hành chính giữa các đơn vị, cách chọn nơi đặt trung tâm trụ sở hành chính sau khi sáp nhập.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định là phù hợp với yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền cơ sở, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy tiềm năng hiệu quả đầu tư KT-XH, phù hợp với nhiệm vụ, định hướng phát triển của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ cho Đảng ủy UBND tỉnh nghiên cứu, bám sát Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến góp ý của các đồng chí tham dự Hội nghị, hoàn thiện Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025, trình HĐND tỉnh cho ý kiến.

Đồng thời, khẩn trương tiến hành các thủ tục xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội; chủ động bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị

Về phương án sát nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định cũng sẽ giao việc đặt tên xã cho chính quyền địa phương cấp huyện, lãnh đạo chính quyền địa phương có toàn quyền quyết định.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị Ban Thường vụ các huyện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng việc đặt tên gọi, tính toán kỹ đến yếu tố lịch sử, văn hóa, địa hình, địa điểm đặt trụ sở, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí đi lại.

Đây là trách nhiệm lớn lao đối với lịch sử, cách đặt tên hôm nay sẽ truyền lại cho nhiều thế hệ sau này nên không thể đặt tên một cách đại khái mà cần phải hết sức thận trọng và có trách nhiệm.

Trước đó, vào sáng ngày 21/4, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã tổ chức thông tin về việc lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành 01 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai và sắp xếp, tổ chức lại 58 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo kết quả thống kê tại thời điểm công bố, đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với Bình Định, toàn tỉnh có 435.295 cử tri được lấy ý kiến. Có 430.047 cử tri đã tham gia ý kiến, đạt tỷ lệ 98,79%; trong đó, 423.070 cử tri đồng ý, chiếm tỷ lệ 98,38%; còn lại 1,62% cử tri không đồng ý.

Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, cũng có sự tham gia của 434.710 cử tri. Trong đó, 429.462 cử tri đã tham gia ý kiến, đạt tỷ lệ 98,79%; trong đó, 423.179 cử tri đồng ý, chiếm tỷ lệ 98,54%; còn lại 1,46% cử tri không đồng ý.

Ngọc Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cu-tri-binh-dinh-dong-thuan-cao-doi-voi-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cac-cap-post546139.html
Zalo