Sữa bột giả, hiểm họa rình rập sức khỏe cộng đồng

Gần 600 loại sữa bột giả cho người bị tiểu đường, suy thận, bà bầu, trẻ sinh non vừa bị cơ quan Công an phát hiện khiến người dùng lo lắng.

Vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Choáng váng với gần 600 loại sữa bột giả

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8-2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

 Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV

Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV

573 nhãn hiệu sữa bột các loại đã được sản xuất, dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Đáng nói, các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... trên thực tế hoàn toàn không có. Thay vào đó, các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.

Cơ quan Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Trong 4 năm, từ 2021 đến nay, các nghi phạm đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỉ đồng.

Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa sữa bột giả đối với sức khỏe cộng đồng – một vấn đề không thể xem nhẹ.

3 dấu hiệu ngộ độc hoặc nhiễm khuẩn từ sữa bột giả

Dấu hiệu ngộ độc cấp tính

Đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa.
Tiêu chảy, phân lỏng, có thể có nhầy máu
Sốt cao, ớn lạnh.
Co giật (nếu ngộ độc nặng).

Dấu hiệu nhiễm khuẩn

Tiêu chảy kéo dài, mất nước (khô môi, khát nước nhiều).
Mệt mỏi, giảm cân nhanh chóng.
Đau đầu, chóng mặt.
Ở trẻ nhỏ: Quấy khóc, bỏ bú, khó thở.

Dấu hiệu ngộ độc hóa chất

Vàng da, vàng mắt (tổn thương gan).
Phù mặt, tay, chân (tổn thương thận).
Khó thở, đau ngực.

Ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, sữa bột giả tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Khi sử dụng trong thời gian dài, các thành phần độc tính có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng nhiễm độc.

Bên cạnh đó, các sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như công bố có thể gây ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em – nhóm đang trong giai đoạn phát triển và hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa.

Những sai lệch trong thành phần dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn tác động lâu dài đến trí tuệ và sức khỏe tổng thể của trẻ.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Tường, nhiều người bệnh hay có suy nghĩ uống sữa để hết đau, hết bệnh, nhưng đó là quan niệm sai lầm. “Sữa hay sản phẩm bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng để gọi là trị bệnh là hoàn toàn không đúng. Các sản phẩm này chỉ giúp người bệnh có sức khỏe cơ bản và phù hợp với bệnh lý đó, không nên nhầm lẫn”, BS Tường nhấn mạnh.

Bởi vậy, người bệnh nếu sử dụng sữa giả, sữa không đúng công bố thành phần, hàm lượng có thể khiến tình trạng bệnh lý nặng hơn trong khi không cải thiện được dinh dưỡng, “tiền mất tật mang”.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Huyền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo y học cộng đồng (MRIT) - Tổng hội Y học Việt Nam, sữa bột giả và kém chất lượng không chỉ gây thiếu hụt dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn, biến chứng nghiêm trọng đặc biệt với trẻ nhỏ và người bệnh.

Sữa bột giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và miễn dịch của trẻ em. Về mặt phát triển thể chất, trẻ có thể bị thiếu các chất dưỡng quan trọng như protein, canxi và vitamin D, khiến trẻ chậm tăng trưởng, không phát triển chiều cao và khối lượng cơ bắp như bình thường.

Ngoài ra, thiếu DHA, omega-3 và sắt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ, làm chậm khả năng học tập và tiếp thu công thức của trẻ.

Cạnh đó, thiếu các vitamin (A, C, D) và khoáng chất (kẽm, selen) sẽ làm suy giảm sức đề kháng, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm như viêm phổi, viêm họng, tiêu chảy. Hơn nữa, việc thiếu dưỡng chất trong giai đoạn phát triển sớm có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh mạn tính khi trưởng thành (béo phì, tiểu đường, tim mạch...).

Làm bệnh mãn tính trầm trọng hơn

Cũng theo bác sĩ Huyền, sữa bột giả thường không đảm bảo thành phần dinh dưỡng, thậm chí có thể chứa các chất độc hại.

Đối với người khỏe mạnh, sữa bột giả dẫn đến thiếu dinh dưỡng do không cung cấp đủ protein, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu, từ đó làm cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết.

Sữa giả thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng và buồn nôn... Nguy hiểm hơn, nếu trong đó chứa các chất hóa học độc hại, kim loại nặng, chất bảo quản vượt quá ngưỡng cho phép, có thể gây ngộ độc cấp tính.

Đặc biệt, với những đối tượng dễ thương tổn như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và bệnh nhân bệnh mạn tính, hậu quả càng nguy hiểm hơn. Thiếu dưỡng chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, sắt, protein có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng phục hồi.

"Sự thiếu dinh dưỡng cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Đặc biệt, với những người mắc bệnh nền, mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc ung thư, sữa giả không đáp ứng được các yêu cầu dinh dưỡng đặc biệt, dễ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn", bác sĩ Huyền khuyến cáo.

Lời khuyên phòng ngừa rủi ro từ sữa bột không nguồn gốc

1.Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm

- Mua sữa từ các cửa hàng, siêu thị uy tín.

- Kiểm tra tem chống giả, mã vạch, và số lô sản xuất. Nếu nghi ngờ, hãy tra cứu thông tin trên website của nhà sản xuất.

2.Kiểm tra bao bì và cảm quan

- Bao bì không rách nát, nhãn mác rõ ràng.

- Sữa bột thật thường mịn, không vón cục, có mùi thơm tự nhiên. Sữa giả có thể vón cục, màu sắc lạ hoặc mùi hóa chất.

3.Ưu tiên sản phẩm có giấy chứng nhận

- Chọn sản phẩm có chứng nhận chất lượng từ Bộ Y tế hoặc các tổ chức uy tín.

4.Cảnh giác với giá rẻ bất thường

- Sữa bột chính hãng có mức giá ổn định. Nếu thấy giá quá rẻ hoặc khuyến mãi bất thường, cần thận trọng.

5.Theo dõi sức khỏe

- Khi sử dụng sản phẩm mới, đặc biệt với trẻ em và người bệnh, cần theo dõi các dấu hiệu bất thường (như tiêu chảy, mệt mỏi). Ngừng sử dụng ngay nếu có nghi ngờ và liên hệ bác sĩ.

6.Tăng cường giáo dục cộng đồng

- Nâng cao nhận thức về tác hại của sữa giả và cách nhận biết thông qua các chương trình truyền thông y tế.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-bot-gia-hiem-hoa-rinh-rap-suc-khoe-cong-dong-post844416.html
Zalo