Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng về nghệ sĩ quảng cáo sữa giả
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn tìm hiểu về những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sữa giả.
Trong những ngày gần đây, một số nghệ sĩ nổi tiếng đã gây chú ý khi từng quảng cáo cho các sản phẩm sữa giả được cơ quan chức năng công bố.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chia sẻ với báo chí rằng thực tiễn mới đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bộ đã nhận được nhiều góp ý tâm huyết, trong đó có những đề xuất cụ thể nhằm điều chỉnh hành vi quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Vấn đề người nổi tiếng tham gia quảng cáo sữa giả đang được dư luận quan tâm. Ảnh chụp màn hình
Theo đó, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo. Họ sẽ phải xác minh thông tin sản phẩm một cách minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mình truyền tải.
Dự kiến, nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ đưa ra các chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm, bao gồm cấm quảng cáo, hạn chế hoạt động nghệ thuật hoặc không được xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.
Bên cạnh đó, đối với yêu cầu của Bộ Y tế về việc xử lý nghiêm việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, sữa giả, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn tìm hiểu và có thông tin cụ thể.
Vừa qua, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.