Tác hại khôn lường của sữa giả đối với sức khỏe cộng đồng

Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, sữa giả còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Trong những năm gần đây, tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra những hậu quả không nhỏ đối với sức khỏe cộng đồng. Vụ việc gần đây nhất, với gần 600 loại sữa bột giả bị phát hiện và triệt phá, đã làm dấy lên lo ngại về mức độ phổ biến và nguy hiểm của nạn sữa giả. Những hậu quả nghiêm trọng mà sữa giả có thể gây ra, đặc biệt là đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, và người cao tuổi…

Hậu quả đối Với sức khỏe trẻ em

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi sử dụng sữa giả. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn từ Bệnh viện Nhi Trung ương, sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong những năm đầu đời của trẻ. "Trẻ uống sữa giả có nguy cơ thiếu hụt canxi, sắt, vitamin D, DHA…, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí tuệ".

Sữa giả không chỉ thiếu các dưỡng chất cần thiết mà còn có thể chứa các chất độc hại như melamine, một hóa chất công nghiệp nguy hiểm. Melamine có thể gây tổn thương thận, viêm ruột và thậm chí tử vong nếu trẻ tiếp xúc trong thời gian dài. Các triệu chứng ngộ độc thường gặp bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, co giật và sốt. Nếu không được phát hiện kịp thời, những biến chứng này có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

Nguy cơ với phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai là một nhóm đối tượng khác cần đặc biệt quan tâm khi sử dụng sữa giả. Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. "Phụ nữ mang thai được đáp ứng dinh dưỡng đầy đủ sẽ đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và cung cấp các chất cần thiết để thai nhi phát triển toàn diện về thể chất và trí não".

Sữa giả có thể gây thiếu hụt các vi chất quan trọng như canxi, acid folic, dẫn đến nguy cơ thai nhi nhẹ cân, sinh non hoặc dị tật. Ngoài ra, các chất phụ gia không rõ nguồn gốc trong sữa giả có thể gây nhiễm độc thai kỳ, làm tăng nguy cơ dị ứng và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi phụ nữ thường bị nghén và ăn uống kém, việc sử dụng sữa giả càng trở nên nguy hiểm, có thể dẫn đến mệt mỏi, chuột rút và suy nhược cơ thể.

Tác động đến người cao tuổi và người có bệnh nền

Người cao tuổi và những người có bệnh nền cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc sử dụng sữa giả. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng từ Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh rằng, "sữa giả không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền".

Với người cao tuổi, sữa giả có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, rối loạn chuyển hóa và thậm chí ngộ độc do chức năng tiêu hóa suy giảm. Đối với bệnh nhân tiểu đường, ung thư hoặc các bệnh mạn tính khác, sữa giả có thể chứa đường công nghiệp hoặc chất làm ngọt không phù hợp, làm tăng đường huyết và gây ra nguy cơ hôn mê hoặc đột quỵ. Việc thiếu hụt dinh dưỡng từ sữa giả cũng làm giảm khả năng phục hồi và điều trị của người bệnh, kéo dài thời gian bệnh và làm nặng thêm tình trạng sức khỏe.

Sữa giả không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Những hậu quả từ việc sử dụng sữa giả có thể kéo dài và gây ra những tổn thương không thể phục hồi. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chỉ sử dụng sản phẩm từ các nguồn uy tín và có kiểm chứng chất lượng.

Duy Tuấn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/song-khoe/tac-hai-khon-luong-cua-sua-gia-doi-voi-suc-khoe-cong-dong-202504161350503409.html
Zalo