Sự nguy hiểm của loại virus khiến hàng chục lợn rừng chết ở Pù Mát

Dịch tả lợn châu Phi khiến hàng chục lợn rừng chết ở Pù Mát là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm và lợn ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%.

Lợn rừng chết do virus dịch tả lợn châu Phi

Tối 18/12, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu bệnh phẩm lợn rừng chết dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Đây là lần đầu tiên vườn quốc gia Pù Mát ghi nhận lợn rừng chết do nhiễm virus này. Vì là rừng đặc dụng, không thể phun thuốc phòng chống dịch cũng như tiêm phòng. "Hiện đơn vị đã chôn lấp hết số lợn rừng bị chết nhằm ngăn mầm bệnh phát tán", ông Tuấn nói.

Hàng chục con lợn rừng chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.

Hàng chục con lợn rừng chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.

Cuối tháng 11, quá trình tuần tra giám sát, cán bộ vườn quốc gia Pù Mát phát hiện lợn rừng nặng 30-50 kg chết rải rác tại khe suối thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông và trạm Khe Thơi, Tam Đình, Tam Hợp, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Thời điểm đó xác lợn rừng bắt đầu phân hủy, qua kiểm tra xác định không có dấu hiệu bị tác động từ săn bắn trái phép.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn (lợn nhà và lợn rừng) do virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, mọi lứa tuổi lợn đều dễ dàng bị bệnh, tỷ lệ chết lên tới gần 100%.

Vì sao lợn rừng lại nhiễm loại virus lưu hành ở vật nuôi, GS.TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho rằng động vật hoang dã chết hàng loạt do dịch bệnh không phải là hiếm. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với thực trạng này. Nguyên nhân chủ yếu do chúng tiếp xúc với vật nuôi và bị nhiễm bệnh, nhiễm những loại virus đang lưu hành trong vật nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm và lợn ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Biểu hiện đặc trưng là viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.

Virus gây dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh, virus sống được rất lâu ở môi trường bình thường, trong dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng,…

Con đường truyền lây thông qua hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus, kể cả con người bằng cách này hay cách khác đã tiếp xúc với mầm bệnh sẽ mang và phát tán mầm bệnh. Hoặc từ sản phẩm lợn chế biến mang mầm bệnh, vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, …).

Phòng ngừa dịch lan rộng

PGS.TS Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tác nhân gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi là virus DNA mạch kép, có vỏ bọc thuộc họ Asfaviridae, giống Asfivirus. Bộ gen của virus dài khoảng 170-193kbp, có khoảng 151-167 khung đọc mở mã hóa cho hơn 50 protein khác nhau.

Trong đó, protein p72 là một trong số các protein của virus dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có tính kháng nguyên cao. Protein p72 được mã hóa bởi gen B646L và có khối lượng phân tử khoảng 73,5kDa; đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành vỏ capsid trong quá trình xâm nhiễm của virus.

Là virus duy nhất được biết đến với bộ gen DNA sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt, ASFV có ít nhất 24 chủng virus khác nhau được phát hiện tại châu Phi. Tuy nhiên, chỉ có Type I và II phát hiện được ngoài châu Phi, trong đó, châu Á (bao gồm Việt Nam) mới chỉ phát hiện lưu hành Type II.

Dựa vào vùng IGR (một gen đánh dấu dịch tễ, dùng để đánh giá nguồn gốc, mối liên quan và sự bùng phát của các chủng virus). Có 9 gen liên quan đến độc lực của ASFV, như MGF, CD2v, I177L... Mỗi gen có chiều dài và tính trạng khác nhau. Dựa vào số lượng và khả năng tổ hợp của các gen này, mà chủng virus sẽ có độc lực cao hay thấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ lệ phát hiện ra những chủng virus tái tổ hợp gen độc lực cao ngày càng nhiều. Sau khi Việt Nam công bố sản xuất thành công vac- xin thương mại cho dịch tả lợn Châu Phi, năm 2023, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với công ty AVAC (một trong các đơn vị sản xuất vacxin) thí nghiệm trên 18 lợn lai 8 tuần tuổi tại Bắc Giang, nhằm phát hiện các biến chủng mới của ASFV.

Tất cả lợn đều được xác nhận âm tính với ASF, circovirus-2 ở lợn, bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển và virus hội chứng sinh sản và hô hấp ở lợn bằng phương pháp PCR, cũng như âm tính với kháng thể kháng ASFV bằng xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzyme. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân lợn đều vào 3 nhóm, rồi gây bệnh bằng các đường khác nhau như mũi, miệng, tiêm bắp...

Chuyên gia khuyến cáo người dân khi chăn nuôi không nên thả rông lợn, gà, trâu bò... để chúng vào rừng tự kiếm ăn vì khả năng lây nhiễm virus khi có dịch bệnh là rất lớn. Nếu có nhu cầu chăn thả tự nhiên thì phải thực hiện làm rào chắn, quản lý đàn gia súc gia cầm, phòng tránh các loại dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới xuất hiện.

Lợn rừng có tên khoa học Sus scrofa, là loài sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Chúng có bộ lông sọc vằn màu xám nâu, cân nặng từ hàng chục đến hàng trăm kg. Bờm lông ở trên gáy mọc dài tận sống lưng là đặc trưng của loài. Kẻ thù trong tự nhiên của chúng là hổ, chó sói và thợ săn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-nguy-hiem-cua-loai-virus-khien-hang-chuc-lon-rung-chet-o-pu-mat-169241219100427538.htm
Zalo