Nghe lỏm được chúng tôi có hơn 100 triệu tiền thưởng Tết, bố mẹ chồng yêu cầu chu cấp toàn bộ số tiền đó cho em gái học lên thạc sĩ

Chồng tôi gật đầu, chính anh cũng hết sức rồi, chẳng còn muốn cố gắng gần gũi bố mẹ mình thêm nữa.

Tôi lấy chồng hơn chục năm, nhưng vì thấy ông bà có tuổi rồi nên thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cho con cái sang ở với ông bà vài tuần, có khi cả tháng.

Tất nhiên, mỗi lần nhà tôi sang thì đều biết ý biết tứ, biếu ông bà thêm tiền hoặc mua thực phẩm để ông bà không phải nuôi ăn con cháu.

Đầu tháng này vợ chồng tôi có đưa con về nhà ông bà ở mấy tuần, ban đầu thì không sao nhưng khoảng mấy hôm gần đây, cứ đến bữa cơm là ông bà nói liên tục về chuyện ông bà già rồi mà em gái chồng thì vẫn còn phải đi học, nó học giỏi mà chẳng lo được cho nó.

Rồi lại kể chuyện ngày xưa, nói chồng tôi sướng vì lúc ra đời bố mẹ còn trẻ khỏe nên lo được cho từ A đến Z.

Mỗi lần như vậy chồng tôi rất khó chịu vì anh ấy có được lo lót cho cái gì đâu, đỗ đại học thì tự đi làm thêm mà kiếm tiền trang trải, may mà ngành chồng tôi chọn là ngành được Nhà nước hỗ trợ học phí chứ nếu không thì chắc cũng phải bỏ học giữa chừng rồi.

Ra trường tự vác xác đi xin việc chứ ông bà có thèm quan tâm đâu, đến khi đi làm có thu nhập thì thứ ông bà hỏi là lương bao nhiêu chứ chẳng bao giờ có chuyện hỏi đi làm có vất vả không con.

Sau đó tôi mới hiểu rằng, nguồn cơn của câu chuyện kể khổ bên bàn ăn bắt đầu từ một tin vui nho nhỏ của tôi và chồng. Thường thì lương thưởng Tết của 2 vợ chồng tôi cộng lại cũng không đến nỗi nào nhưng năm này thì may mắn, chúng tôi có thể sẽ nhận được một khoản thưởng Tết khá lớn từ công ty, có thể lên đến hơn 100 triệu.

Đó là thành quả của cả một năm cật lực lao động, của những đêm thức trắng và nỗ lực không ngừng nghỉ. Chúng tôi cũng bàn với nhau chắc là trích thêm tiền tiết kiệm rồi ra sau Tết sửa sang lại ngôi nhà vì 2 đứa nhà tôi cũng lớn rồi, chúng nó bắt đầu không thích ở chung phòng với nhau nữa. Ngoài ra có lẽ sẽ trích 1 khoản nhỏ cho 2 đứa trẻ con đi du lịch cùng bố mẹ.

Thế nhưng, không biết là có phải do lúc đi ngủ vợ chồng tôi bàn về chuyện này và bố mẹ chồng tôi ở sát tường vô tình nghe được hay không mà ông bà biết được chuyện lương thưởng Tết của 2 vợ chồng. Và từ đó, mọi chuyện dần đi theo một hướng khác. Ông bà đã nhắm đến khoản tiền Tết này với mục đích cho con gái yêu của ông bà học thạc sĩ.

Sau vài lần nói bóng nói gió mà vợ chồng tôi mít đặc chẳng hiểu gì nên ông bà đã thẳng thẳng đặt vấn đề.

 - Bố mẹ nghe bảo 2 đứa sắp có khoảng hơn 100 triệu tiền thưởng Tết. Thế này nhé, bố mẹ già rồi, lo cho thằng anh ổn rồi giờ hai đứa con phải phụ bố mẹ lo cho em. Ra Tết con bé nó học lên thạc sĩ nên 2 đứa sắp xếp cho em khoản thưởng Tết năm nay để em nó đóng học phí.

- Bố mẹ nghe bảo 2 đứa sắp có khoảng hơn 100 triệu tiền thưởng Tết. Thế này nhé, bố mẹ già rồi, lo cho thằng anh ổn rồi giờ hai đứa con phải phụ bố mẹ lo cho em. Ra Tết con bé nó học lên thạc sĩ nên 2 đứa sắp xếp cho em khoản thưởng Tết năm nay để em nó đóng học phí.

Tôi hiểu, việc đầu tư cho giáo dục là quan trọng nhưng vì sao chúng tôi lại phải có nghĩa vụ nuôi con của người khác ăn học? Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ các em trong khả năng của mình nhưng vì sao chúng tôi phải cho em hết số tiền là công sức lao động cả năm trời của gia đình mình. Đấy là còn chưa nói, cho con gái ông bà xong rồi con chúng tôi ăn gì? Uống nước lã, hít khí giời để sống à?

Chồng tôi, một người đàn ông luôn đặt trách nhiệm với gia đình lên hàng đầu, đã quyết định không thể chiều theo yêu cầu của bố mẹ. Anh cho rằng việc đó không hợp lý và chúng tôi cần có kế hoạch rõ ràng cho tương lai, chứ không phải cứ phóng túng vào những việc bên ngoài. Anh sẵn lòng hỗ trợ em gái một phần nhỏ, khoảng 10 triệu, như một lời khích lệ và chia sẻ, nhưng không thể là toàn bộ.

Vừa dứt lời, bố mẹ chồng tôi như biến thành 2 con người khác.

Khi vợ chồng tôi nói thẳng vậy ông bà đứng ngay dậy, đập bàn ầm ầm rồi đuổi thẳng cổ con cháu ra khỏi nhà, trước mặt 2 đứa cháu nhỏ, ông bà chửi bới, nhiếc móc thậm tệ khiến 2 đứa nhà tôi sợ đến mức mặt mũi tái mét.

Cả lòng tự trọng và tình cảm gia đình đều bị tổn thương sâu sắc. Tôi bắt đầu tự hỏi, liệu tình thân có thật sự là điều bất biến trong cuộc sống, hay chỉ là một thứ tình cảm mong manh, dễ vỡ khi tiền bạc đặt vào cán cân? Cơn điên trong tôi bốc lên nhưng vì thương chồng nên tôi cắn răng chịu đựng để anh là người cuối cùng đưa ra quyết định, tôi chấp nhận thuận theo ý chồng kể cả khi trong lòng không cam.

Cuối cùng chồng tôi quyết định rời đi, anh dắt vợ con lên xe rời đi trong im lặng. Dù nhiều năm tháng bị đối xử bất công nhưng anh vẫn cố gắng hàn gắn, duy trì mối quan hệ với bố mẹ mình, điều này tôi hiểu chứ. Vậy mà có vẻ như mọi cố gắng của anh chẳng đổi lại được chút tình cảm nào từ chính những người sinh thành ra anh.

Câu chuyện về tiền bạc, thay vì là lời chúc phúc cho năm mới, giờ đây lại trở thành nguồn cơn của những tranh cãi và hiểu lầm. Cảm giác được chờ đợi và áp đặt đã khiến không gian sống của chúng tôi trở nên nặng nề, khó khăn để thở.

Chuyện của chúng tôi không phải là duy nhất, nhưng nỗi đau và sự phức tạp mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Tôi chỉ mong rằng, dù sau này chuyện này đi đến đâu, dù có làm lành được hay không, thì chúng tôi vẫn có thể giữ được lẽ phải và lòng tự trọng.

Điều khiến tôi căm phẫn nhất là ông bà đã đối xử bất công với chồng tôi giờ tiếp tục hành xử không ra gì trước mặt con tôi. Lần này, tôi tuyên bố thẳng với chồng sẽ không bao giờ bước chân về nhà ấy thêm 1 lần nào nữa. Chồng tôi gật đầu, chính anh cũng hết sức rồi, chẳng còn muốn cố gắng gần gũi bố mẹ mình thêm nữa.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghe-lom-duoc-chung-toi-co-hon-100-trieu-tien-thuong-tet-bo-me-chong-yeu-cau-chu-cap-toan-bo-so-tien-do-cho-em-gai-hoc-len-thac-si-172241217164342632.htm
Zalo