Sốt xuất huyết: Mỗi người nhập viện tốn 6-10 triệu đồng, tạo gánh nặng kinh tế lớn

Mỗi người nhập viện vì sốt xuất huyết sẽ phải tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế-xã hội rất lớn.

Thông tin trên được TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại tọa đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" chiều 3.12.

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Theo đó, TS Hoàng Minh Đức cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Cách đây 7 năm, một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết chỉ ra mỗi người nhập viện sẽ phải tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế-xã hội rất lớn.

"Từ trước tới nay chúng tôi vẫn biết vắc xin là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là công tác phòng chống dịch. Trong 58 bệnh truyền nhiễm, hiện có hơn 40 bệnh có vắc xin. Vắc xin sốt xuất huyết được cấp phép vào tháng 5.2024. Khi có vắc xin, chúng ta có một trong những vũ khí hiệu quả. Hiện vắc xin này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền", TS Hoàng Minh Đức cho hay.

Vào tháng 5.2024 vừa qua, vắc xin phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, bắt đầu được triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.

Thông tin rõ hơn về loại vắc xin này, ông Dion Warren, Tổng giám đốc khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA) tại Takeda, cho biết hiện nay vắc xin đã chính thức được phê duyệt lưu hành tại 40 quốc gia, bao gồm các nước ở khu vực Nam Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Đông Nam Á.

Tại khu vực này, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã đưa vắc xin này vào chương trình y tế nhằm đối phó với bệnh sốt xuất huyết. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đã mở rộng đáng kể phạm vi chỉ định sử dụng vắc xin này, tạo tiền đề cho việc áp dụng rộng rãi. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật khuyến cáo về phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó đặc biệt khuyến nghị sử dụng vắc xin này tại các khu vực có gánh nặng bệnh cao, như Việt Nam.

Ngoài ra, WHO cũng đã công nhận và thông qua quy trình thẩm định vắc xin, đánh giá cao mức độ an toàn và chất lượng của sản phẩm. "Điều này cho phép vắc xin được sử dụng tại cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân, mở rộng cơ hội tiếp cận và mang lại lợi ích sức khỏe cho hàng triệu người trên toàn thế giới", ông Dion Warren nói.

Theo dữ liệu của Công ty Takeda, vắc xin TAK 003 có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%. Đến nay, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức đánh giá đây là một tin vui với người dân và ngành y tế vì mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn.

Hiện vắc xin này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền. Vắc xin hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam. Ông cho biết thêm hiện Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, và có những đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét có thể đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bắt buộc cho người dân.

"Việc này đang trong quá trình đánh giá và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, việc có đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm bắt buộc cho người dân, Nhà nước bỏ tiền ra mua hay không, cần có thêm thông tin, như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả với cộng đồng, gánh nặng về tài chính để Chính phủ có thể quyết định", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hằng năm tại đây tiếp nhận 10.000-15.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám (khoảng 10-20% bệnh nhân nặng hoặc là có đe dọa chuyển nặng phải nhập viện). Đây là gánh nặng đối với toàn bộ hệ thống y tế, từ trung ương cho đến địa phương.

Hiện vắc xin sốt xuất huyết vẫn chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, do đó vắc xin không được tiêm miễn phí. Giá vắc xin sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC là 1.390.000 đồng/mũi, lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Tuy nhiên, giá vắc xin sốt xuất huyết có thể thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm.

GS.TS Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học dự phòng Việt Nam, cho rằng việc mở rộng triển khai tiêm vắc xin một cách bài bản là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng sẽ phải giám sát chặt chẽ về hiệu quả, độ an toàn của vắc xin khi triển khai làm sao cho người dân tiếp cận được với vắc xin một cách dễ dàng nhất.

Tuy nhiên ông Nam cũng nhấn mạnh, nếu chỉ sử dụng vắc xin không thì khó có thể toàn diện được. Vẫn còn muỗi, vẫn còn loăng quăng, bọ gậy thì vẫn còn sốt xuất huyết. Do vậy, các địa phương, y tế cơ sở cũng như người dân tuyệt đối không được lơ là, cần chủ động, sát sao với những biện pháp phòng bệnh mà ngành y tế đã phổ biến và áp dụng.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sot-xuat-huyet-moi-nguoi-nhap-vien-ton-6-10-trieu-dong-tao-ganh-nang-kinh-te-lon-226693.html
Zalo