Bộ Công an tiên phong, đi đầu trong đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân là một quá trình phát triển mang tính lịch sử và khách quan. Trong đó, việc thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được coi là một cuộc 'cách mạng' lớn và toàn diện, thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu. Đây là bước đi quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng và hiệu quả toàn diện trong mọi mặt công tác của lực lượng Công an.

Đổi mới tổ chức, bộ máy luôn gắn với yêu cầu thực tiễn cách mạng

Lễ Tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc tại Hội nghị triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an.

Lễ Tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc tại Hội nghị triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an.

Ngày 19/8/1945, lực lượng Công an nhân dân (CAND) chính thức thành lập gồm: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở Trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, tình thế cuộc cách mạng "ngàn cân treo sợi tóc", đối phó với “thù trong giặc ngoài”; kịp thời phát hiện, trấn áp, bóc gỡ nhiều tổ chức, đảng phái phản động, âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân do liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành.

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất lực lượng Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ thuộc Bộ Nội vụ và bố trí theo ba cấp: Nha Công an Việt Nam; Công an Kỳ; Công an tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chính quyền cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, trong giai đoạn “cao điểm” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1948 – 1953), tổ chức bộ máy của CAND có 03 lần điều chỉnh, Nha Công an được đổi tên gọi thành Thứ Bộ Công an, sau là Bộ Công an. Riêng Nam Bộ, tổ chức của Công an gồm có: Sở Công an Nam Bộ, các Ty Công an tỉnh, Công an huyện, Ủy viên Công an xã.

Để đáp ứng yêu cầu “khẩn trương, kịp thời, chắc thắng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Công an có ba lần kiện toàn tổ chức bộ máy, được xác định là cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ; bước đầu phân định các lực lượng An ninh, Cảnh sát; đến năm 1973, có 36 đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ, không có cấp Tổng cục. Ở miền Nam, gồm có Ban Bảo vệ an ninh xứ ủy (sau là Ban An ninh Trung ương Cục) và Ban An ninh các cấp. Nhiệm vụ của CAND được quy định ngày càng cụ thể, xác định rõ ba chức năng: tham mưu, quản lý nhà nước và trực tiếp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xung phong lên đường chi viện chiến trường miền Nam

Đất nước thống nhất, song trước những kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội vẫn hiện hữu, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 02/12/1980 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; tổ chức bộ máy của Bộ Công an được kiện toàn một bước theo Nghị định số 250/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) gồm 04 Tổng cục (An ninh, Cảnh sát, Xây dựng lực lượng, Hậu cần) và 08 Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng nhằm nhanh chóng tổ chức các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, củng cố chính quyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, CAND tiếp tục được xác định là lực lượng vũ trang tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước, là nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, yêu cầu xây dựng trở thành lực lượng “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến năm 2014, tổ chức, bộ máy của Bộ Công an 06 lần được kiện toàn, thành lập thêm một số đơn vị trực thuộc Bộ để tổ chức chuyên sâu; hợp nhất một số Tổng cục để đảm bảo tập trung, thống nhất; nhằm chủ động hơn trong nắm, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ.

Cuộc “cách mạng” lớn, toàn diện về tổ chức, làm thay đổi tích cực các mặt công tác từ Bộ tới cơ sở

Kế thừa thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, trưởng thành; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; căn cứ các quy định của Hiến pháp, pháp luật, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã gương mẫu, đi đầu, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; tiến hành từng bước thận trọng, bài bản, khoa học, khách quan trong nghiên cứu, tham mưu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động, hiệu lực hiệu quả, tiến tới kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh. Đây được xem là một cuộc “cách mạng” lớn, toàn diện về tổ chức, làm thay đổi tích cực các mặt công tác của lực lượng CAND từ trước đến nay.

Lễ Tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc tại Hội nghị triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, 07/08/2018

Lễ Tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc tại Hội nghị triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, 07/08/2018

Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, tham mưu báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án số 106). Sau khi Đề án số 106 được thông qua, Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và kiện toàn tổ chức bộ máy, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quán triệt các nguyên tắc tổ chức, quản lý tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo từng lĩnh vực công tác, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ và bố trí theo cấp hành chính; tiến hành tách cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức sự nghiệp; quy định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng tổ chức, đơn vị Công an. Tổ chức bộ máy thống nhất từ Bộ đến Công an các địa phương theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; quan hệ phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, các đơn vị và các cấp Công an ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Theo đó:

Tại Bộ Công an: giải thể 06 Tổng cục, qua đó bảo đảm sự lãnh đạo từ Bộ đến Cục được nhanh hơn, chính xác, kịp thời, không qua cấp trung gian; hợp nhất các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có cơ chế phối hợp, qua đó đã giảm 55 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Công an địa phương: sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với Công an tỉnh, thành phố và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ... qua đó đã giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội.

Ngày 10/7/2023, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 19 nhằm tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh; tiếp tục giảm 279 đơn vị cấp phòng, 1.237 đơn vị cấp đội… Do đó, không chỉ tiếp tục khắc phục tình trạng cồng kềnh về tổ chức bộ máy, trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ và sự chia cắt về địa bàn, lĩnh vực quản lý mà còn tạo cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, sắp xếp cán bộ, cơ cấu biên chế trong nội bộ một cách hợp lý, theo hướng tăng cường chất lượng, chuẩn hóa chức danh và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa phương tiện phục vụ công tác và chiến đấu.

Thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên phạm vi toàn quốc. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; khẩn trương hoàn thiện, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định có liên quan; tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; quan tâm tăng cường bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho Công an xã, thị trấn chính quy. Công an các địa phương cũng triển khai nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc triển khai điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đến nay đã tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bộ về Công an địa phương, từ Công an cấp tỉnh về cơ sở, trong đó có hơn 55,000 lượt cán bộ, chiến sĩ được điều động đảm nhiệm các chức danh Công an xã chính quy tại hơn 8.800 xã, thị trấn.

Công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy

Đảng ủy Công an Trung ương xác định công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả. Việc nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy luôn được triển khai đồng thời với nghiên cứu, xây dựng các phương án bố trí, sắp xếp cán bộ. Do đó ngay sau khi triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP đã nhanh chóng hoàn thành việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chỉ huy cấp Tổng cục (cũ), cấp cục và cấp phòng; khẩn trương điều chỉnh cơ cấu cán bộ theo hướng tăng cường cho cơ sở. Ngay sau khi triển khai mô hình tổ chức theo Nghị định số 01/2028/NĐ-CP, đã giảm 172 đồng chí lãnh đạo cấp Cục, hơn 1.500 đồng chí lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện và tương đương; hơn 2.300 đồng chí lãnh đạo cấp đội và tương đương; nhanh chóng ổn định việc bố trí cán bộ tại các đơn vị để đáp ứng yêu cầu công tác.

Cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác chính trị tư tưởng; thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý và giải quyết kịp thời trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy; đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý, khắc phục sơ hở, yếu kém, khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ. Do làm tốt công tác này nên việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy của lực lượng CAND đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Công an cấp xã, sau 01 năm triển khai tổ chức bộ máy mới đã nhanh chóng bố trí gần 6.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại hơn 2.200 xã; nhiều địa phương nhanh chóng bố trí Công an chính quy tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy trong toàn quốc đã nhanh chóng triển khai bám cơ sở, bám dân, triển khai toàn diện các nội dung công tác một cách bài bản, qua đó đã tạo nên một luồng gió mới về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng Công an xã chính quy trao đổi tình hình an ninh, trật tự với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng Công an xã chính quy trao đổi tình hình an ninh, trật tự với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc triển khai sắp xếp, tổ chức bộ máy những năm qua bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND; không gây xáo trộn, gián đoạn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công an các cấp; thực hiện triệt để nguyên tắc một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc và một việc chỉ có một cơ quan đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; chức năng, nhiệm vụ của Công an các cấp được phân định rõ hơn, từ đó tạo điều kiện để trao quyền thực chất, đầy đủ, tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn cho các đơn vị; các hệ lực lượng được bố trí chuyên sâu, bám sát cơ sở, bám sát Nhân dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tăng cường công tác nắm tình hình và kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; tăng cường cải cách hành chính, đưa các dịch vụ hành chính công về an ninh, trật tự đến trực tiếp với Nhân dân…. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá “năm sau tốt hơn năm trước”, tiếp tục góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, lành mạnh cho phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.

Chủ động, nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Cuộc "cách mạng" tổ chức bộ máy của lực lượng Công an những năm vừa qua, luôn có sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ đã có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết thống nhất, kiên định và quyết tâm đổi mới, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung; có sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả của các ban, bộ, ngành liên quan và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Dù không có rào cản nhưng khi triển khai chủ trương lớn và mang tính lịch sử này, Đảng ủy Công an Trung ương đã xác định 03 khó khăn cơ bản, đó là: Phát sinh những bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý; Khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy; Thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ tại những đơn vị giải thể, sáp nhập; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã...Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những vấn đề trên đã được giải quyết căn cơ. Đây là kết quả rất quan trọng, dựa trên những nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương.

Thứ nhất, Bộ Công an luôn tuân thủ các nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng CAND, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ.

Thứ hai, chủ động đề xuất, xây dựng cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới như đã nêu trên; tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật CAND năm 2018. Bộ trưởng Bộ Công an đã nhanh chóng ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Bộ, ban hành các thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an cấp tỉnh, cấp huyện, Công an phường.

Thứ ba, Bộ Công an đã tranh thủ tối đa và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương chiến lược này. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành liên quan, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương có tổ chức Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các thế hệ cán bộ lão thành trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Thứ tư, thực hiện bài bản, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng (cả trong lực lượng Công an và ngoài xã hội), có kế hoạch riêng tuyên truyền chuyên đề riêng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đối với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần gương mẫu, hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Chia sẻ với báo chí về những kết quả trong triển khai Nghị quyết số 18 của lực lượng CAND, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định 01, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng) đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Đó là: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công vừa việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy. Mọi chương trình, kế hoạch hành động đều quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu chung và kết hợp hài hòa giữa các lợi ích; phải hành động quyết liệt, quyết tâm cao và nỗ lực lớn của toàn lực lượng.

Hai là, phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng trong quá trình nghiên cứu, đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Ba là, xác định rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn để có kế hoạch, giải pháp phù hợp; chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng kết hợp chặt chẽ với thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân; chủ động phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề này để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết nội bộ.

Bốn là, đổi mới phải luôn luôn đi đôi với kế thừa có chọn lọc những ưu điểm của các mô hình tổ chức bộ máy trong lịch sử.

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng lớn mà lực lượng Công an nhân dân đã tiên phong đi trước, mở đường, là bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa lực lượng, không chỉ tạo tiền đề hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong quán triệt thực hiện các quyết nghị, chủ trương chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; coi đây là “chìa khóa” để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-cong-an-tien-phong-di-dau-trong-doi-moi-sap-xep-bo-may-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-post1697328.tpo
Zalo