Dịch sởi lan rộng
Dịch sởi 'nóng' ở nhiều địa phương. Số ca nhiễm tăng, một số địa phương đã ghi nhận trẻ tử vong vì sởi. Bệnh viện bắt đầu quá tải. Có gia đình 7 đứa trẻ mắc sởi phải nhập viện trong đợt dịch này.
Thông tin trên được BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ với PV Báo SGGP trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp.
Ghi nhận ngày 3-12, khoa Nhiễm - Thần kinh có 108 bệnh nhân sởi, hơn 85% là trẻ từ địa phương khác đến. Các bé đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đáng lo ngại, tỷ lệ nhập viện vì biến chứng chiếm gần 70%, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Thời gian điều trị trung bình từ 5-7 ngày.
Trong đó, ghi nhận một nhà có 7 trẻ mắc sởi cùng điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm - Thần kinh trong đợt dịch này. Cụ thể, gia đình có tổng cộng 8 người con, lớn nhất 18 tuổi. Cha mẹ lên thành phố làm ăn và gửi các con cho ông bà chăm sóc. Đợt đầu, 4 trẻ nhiễm sởi phải nhập viện. Đợt sau, 3 bé khác mắc sởi phải điều trị nội trú, xuất viện chiều 2-12.
"Các bệnh nhi từ 4 đến 12 tuổi, không được tiêm bất kỳ mũi vaccine sởi nào. Khai thác thông tin ghi nhận, gia đình sống trong một khu trọ, thu nhập thấp, điều kiện rất khó khăn", BS Dư Tuấn Quy chia sẻ.
Chia sẻ với bác sĩ, một số cha mẹ của bệnh nhi cho rằng vaccine gây ra tự kỷ nên không cho con tiêm phòng. BS Quy nhấn mạnh, đây là suy nghĩ sai lầm và rất nguy hiểm khiến trẻ không được bảo vệ trước dịch bệnh.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM có 68 trẻ mắc sởi với 2 ca thở oxy. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng đang căng mình điều trị nhiều ca sởi là người lớn. Trong đó, một số thai phụ mắc bệnh sởi bị sinh non, sảy thai...
Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 2.438 ca sởi, 4 trường hợp tử vong. Ca tử vong mới nhất là một bé gái (1 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), nhiễm trùng huyết - viêm phổi hậu sởi, cơ địa suy dinh dưỡng và thiểu sản phổi phải bẩm sinh.
Trong khi đó, số ca sởi chuyển từ địa phương khác đến TPHCM từ đầu năm đến nay là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú, 1 trường hợp tử vong. Diễn biến dịch sởi đang phức tạp.
Hiện, Đồng Nai đang là "điểm nóng" dịch sởi của cả nước. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai có hơn 3.000 ca sởi, 2 trẻ tử vong. Các ca mắc sởi tập trung ở trẻ 1-10 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,7%) do chưa được tiêm vaccine.
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị nội trú gần 250 trường hợp, nhiều ca phải thở máy, thở oxy. Bệnh viện đã thành lập khu thu dung và điều trị sởi riêng biệt. Sở Y tế Đồng Nai điều thêm nhân sự từ bệnh viện khác đến hỗ trợ.
Theo Bộ Y tế, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca nghi mắc sởi với 5.000 ca xác định từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia khẳng định, tiêm vaccine là giải pháp duy nhất có thể khống chế dịch sởi.
"Việc tổ chức tiêm vaccine phải đồng bộ, đồng loạt giữa các tỉnh thành, nhanh chóng và gấp rút", BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều nay (4-12), Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường phòng chống dịch năm 2024 khu vực phía Nam.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trên diện rộng tại 31 tỉnh, thành phố, hướng đến trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ cao, ưu tiên trẻ 1-5 tuổi, nhân viên y tế. Tính đến cuối tháng 11, các địa phương đã tiêm được hơn 742.653 liều trong số 912.027 đối tượng (đạt 81,4%) từ nguồn vaccine viện trợ của Tổ chức Y tế thế giới.