Kiến nghị chuyển nhà đất bộ, ngành sử dụng kém hiệu quả cho địa phương

Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 24/4, tại Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thu NSNN năm 2024 thực hiện đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342,7 nghìn tỷ đồng (+20,1%) so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi NSNN năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán.

Công tác điều hành chi NSNN năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn 1,93% giảm 1% so với năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy đã giảm hàng nghìn đơn vị. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt

Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra THTK, CLP vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính); phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng...

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế - Tài chính đánh giá, công tác THTK, CLP năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên; ban hành nhiều văn bản để thực hiện; tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện quyết liệt, đặc biệt, cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất; việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.

Việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… còn diễn ra ở nhiều nơi.

Việc rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, tạo lập cơ chế phù hợp để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả chậm được hoàn thiện. Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển biến tích cực.

Từ phân tích trên, Ủy ban Kinh tế - Tài chính kiến nghị tập trung thể chế hóa chủ trương của Đảng về THTK, CLP, đặc biệt là Chỉ thị số 27-CT/TW, ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.

Cùng với đó đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng.

Ngoài ra, cần có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/kien-nghi-chuyen-nha-dat-bo-nganh-su-dung-kem-hieu-qua-cho-dia-phuong-post1194440.vov
Zalo