Cách Viettel Post vươn mình từ người vận chuyển thành ông lớn logistics số

Viettel Post từ một doanh nghiệp chuyển phát truyền thống đang ấp ủ nhiều chiến lược để trở thành một hệ sinh thái logistics thông minh hàng đầu.

Bứt tốc lên số một thị phần chuyển phát

Năm 2024 khép lại như một cột mốc mang tính bước ngoặt trong hành trình 27 năm của Viettel Post. Từ một doanh nghiệp chuyển phát với gốc rễ quân đội, công ty nay đang định hình lại vai trò của mình trong ngành logistics Việt Nam - không chỉ như một nhà vận chuyển, mà như một nền tảng công nghệ.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Viettel Post, sự chuyển mình này không phải là một chiến dịch đơn lẻ, mà là một chiến lược tổng thể nhằm xây dựng một hệ sinh thái logistics thông minh - nơi công nghệ, dữ liệu lớn và tự động hóa trở thành cốt lõi vận hành.

Từ việc đưa vào vận hành "siêu trung tâm" chia chọn hàng hóa tại Khu công nghiệp Quang Minh ở Hà Nội, Công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn, đến hệ thống phân loại tự động hiện đại tại TP.HCM, dường như Viettel Post đang muốn định hình tại tiêu chuẩn của ngành logistics.

Những bước đi táo bạo này đã mang lại trái ngọt ngay trong năm 2024. Trong lĩnh vực cốt lõi là chuyển phát, giao hàng chặng cuối, Viettel Post đã có một màn "bứt tốc" vươn lên vị trí số một về thị phần, với tốc độ tăng trưởng 45%, gấp hơn hai lần mức trung bình của toàn ngành.

Chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên một tầm cao mới nhờ chiến lược đầu tư bài bản vào tự động hóa, công nghệ thông tin, Big Data và AI. Những con số biết nói đã chứng minh cho sự đúng đắn của con đường chuyển đổi mà Viettel Post đã lựa chọn.

Năm ngoái, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 20.826 tỷ đồng, vượt 57,9% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đằng sau thành tựu này là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt trong lĩnh vực chuyển phát.

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, các "tay chơi" lớn lại có xu hướng ưu tiên sử dụng hệ thống logistics nội bộ hoặc các đối tác chiến lược, điều này tạo ra một sân chơi cạnh tranh khốc liệt.

Thông điệp "tập trung vào tối ưu" được Chủ tịch Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh tại đại hội đồng cổ đông 2025 đã trở thành kim chỉ nam cho giai đoạn này.

"Năm 2024 ghi dấu bước chuyển lớn của Viettel Post trong cả mở rộng quy mô và hoàn thiện hạ tầng logistics. Kế hoạch năm 2025 hướng tới việc tối ưu hiệu quả kinh doanh trên từng phân khúc, từng địa bàn. Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có và đầu tư có trọng tâm để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị cho cổ đông", ông Dũng chia sẻ.

Viettel Post chọn tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận trong giai đoạn tới. Ảnh: DN

Viettel Post chọn tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận trong giai đoạn tới. Ảnh: DN

Bước chậm để nhảy vọt

Để hiện thực hóa tham vọng trở thành một hệ sinh thái logistics thông minh, Viettel Post đã không ngừng hoàn thiện "xương sống" của mình.

Hơn 1,2 triệu mét vuông kho bãi, 2.000 xe tải các loại, 12 đoàn tàu Bắc - Nam hoạt động liên tục 7 ngày/tuần, cùng với các trung tâm chia chọn tự động quy mô lớn đã tạo nên một mạng lưới logistics vững chắc và toàn diện.

Năm nay, kế hoạch kinh doanh năm của Viettel Post được thông qua, đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 21.028 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 405 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực lõi là chuyển phát và logistics đặt mục tiêu tăng trưởng 33,4%.

Nhìn vào mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chỉ 5,6%, một số nhà đầu tư đánh giá, tốc độ này có vẻ "chậm" so với mục tiêu dài hạn 15-20% giai đoạn 2024-2029.

Giải thích về điều này, người đứng đầu Viettel Post cho biết: "Một số khoản đầu tư dài hạn đã được thực hiện trong các năm qua: trung tâm chia chọn, hệ thống kho, hạ tầng logistics. Các hoạt động này sẽ cần chi phí đầu tư và vận hành ban đầu khi công suất chưa được tối ưu".

Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Phùng Văn Cường chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận. Từ năm 2025 trở đi, chúng tôi sẽ tối ưu hiệu quả, nhìn sâu vào các phân cực trong bộ máy, cắt giảm các bưu cục tỷ suất lợi nhuận thấp, hay cắt giảm các khách hàng lợi nhuận âm".

Có thể xem đây là một "khoảng lặng" cần thiết sau những khoản đầu tư khổng lồ, một sự "lùi một bước để tiến ba bước" đầy toan tính.

Nhìn về phía trước, Viettel Post không chỉ muốn là một "người giao hàng" nhanh chóng và hiệu quả. Tham vọng của doanh nghiệp này còn vươn tới những lĩnh vực mới đầy tiềm năng, định hình một tương lai đa dạng và toàn diện hơn.

Viettel Post tham vọng trở thành một hệ sinh thái logistics thông minh. Ảnh: DN

Viettel Post tham vọng trở thành một hệ sinh thái logistics thông minh. Ảnh: DN

Định hình hệ sinh thái logistics

Hệ sinh thái logistics thông minh của Viettel Post được ban lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng dựa trên bốn trụ cột chiến lược gồm: chuyển phát - giao hàng chặng cuối, kho vận, vận tải và thương mại dịch vụ.

Với lĩnh vực chuyển phát, Viettel Post muốn duy trì thị phần, đồng thời tập trung đẩy mạnh phân khúc chuyển phát nội tỉnh tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn, cung cấp dịch vụ giao ngay và giao nhanh cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến.

Trong lĩnh vực kho vận, lãnh đạo doanh nghiệp không hề giấu tham vọng "chia lại ván bài" trên một thị trường rộng lớn, mà Viettel Post ước tính quy mô gấp 2-3 lần thị trường chuyển phát hiện tại.

Việc đưa vào khai thác Tổng kho Long Bình, mở rộng hạ tầng kho bãi và tổ chức mạng lưới xuyên biên giới là những nước cờ chiến lược để "tấn công" thị trường này.

Trong khi đó, lĩnh vực vận tải dù đầy cạnh tranh, vẫn được Viettel Post nhìn nhận với những lợi thế riêng, đặc biệt là khả năng kết nối các cửa khẩu, thể hiện qua việc phát triển Công viên logistics Viettel Lạng Sơn và tham gia đấu thầu xây dựng các cửa khẩu thông minh.

"Vừa rồi Chính phủ có giao cho Lạng Sơn làm thí điểm cửa khẩu thông minh, dự kiến cuối tháng 6 sẽ đấu thầu dự án này. Viettel Post rất quan tâm và đang phối hợp chặt chẽ với Lạng Sơn... Chúng tôi đang phối hợp với UBND Lào Cai, Quảng Ninh và một số tỉnh khác để phát triển các cửa khẩu thông minh và các khu logistics tại các địa điểm phù hợp", ông Phùng Văn Cường chia sẻ về một hướng đi đầy hứa hẹn.

Cuối cùng, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Viettel Post không chọn con đường đối đầu trực diện với các gã khổng lồ, mà đang tìm kiếm một "lối đi riêng", tận dụng hệ sinh thái sẵn có để phục vụ những nhu cầu đặc thù.

"Viettel Post sẽ tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử nhưng sẽ không cạnh tranh trực tiếp, mà áp dụng mô hình riêng để phát huy lợi thế của hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng sẽ là một dự án trọng điểm của Viettel Post trong thời gian tới", ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất tăng vốn để trình Tập đoàn Viettel và Bộ Quốc phòng, nhưng chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/cach-viettel-post-vuon-minh-tu-nguoi-van-chuyen-thanh-ong-lon-logistics-so-d39875.html
Zalo