Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, doanh nghiệp đón đầu thời cơ

Việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam không chỉ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô, mà còn mở ra cơ hội vươn tầm toàn cầu cho các doanh nghiệp.

Cơ hội này dành cho những doanh nghiệp sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực một cách bài bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Wallpaperset

Ảnh minh họa. Nguồn: Wallpaperset

Bước đi chiến lược nâng cao năng lực kinh tế Việt Nam

Chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đã được xác lập thông qua kết luận của Bộ Chính trị vào tháng 11/2024 và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ ban hành cuối tháng 12/2024. Gần đây nhất, trong phiên họp ngày 17/4/2025 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành việc thành lập Trung tâm thương mại quốc tế tại Việt Nam và sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 tới. Cũng trong cuộc họp này, Chính phủ đã đề xuất thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng với một khung chính sách duy nhất.

Sự chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế trong chiến lược hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời phản ánh rõ sự dịch chuyển của Việt Nam từ một nền kinh tế đang phát triển sang một thị trường tài chính ngày càng hiện đại, minh bạch, số hóa.

Dẫn chứng từ những mô hình thành công như New York, Hồng Kông (Trung Quốc), London, Bangkok, Kuala Lumpur… cho thấy trung tâm tài chính đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư, tạo nền tảng cho các giao dịch tài chính và gia tăng sức cạnh tranh cho các quốc gia. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính còn hỗ trợ chính sách tiền tệ, góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo bảng xếp hạng mới nhất năm 2025 của Tạp chí CEOWorld, trong số 115 trung tâm được đánh giá, TP.HCM đang xếp hạng 89 - cao hơn một số trung tâm khác trong khu vực như Hàng Châu (93), Manila (99). Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng công nghệ tài chính tương lai, dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới. Những kết quả này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xây dựng nền móng tài chính hiện đại, phù hợp với bối cảnh toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh như Fintech, AI và chuyển đổi số.

Doanh nghiệp đứng trước cơ hội và thách thức

Để tham gia hiệu quả vào hệ sinh thái Trung tâm tài chính quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực để đồng hành với các định chế toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc nâng cấp hệ thống công nghệ tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế là điều doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai trong thời điểm hiện nay. Sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế gắn bó mật thiết với nền tảng công nghệ. Do đó, khi doanh nghiệp sở hữu hạ tầng công nghệ vững chắc, chuẩn hóa kết nối dữ liệu và giao diện API, khả năng tích hợp xuyên biên giới… sẽ thuận lợi kết nối với đối tác nước ngoài, đảm bảo tốc độ xử lý và tính an toàn cho các giao dịch tài chính.

Không chỉ vậy, việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên phong sẽ tạo giá trị cộng hưởng với các định chế tài chính toàn cầu. Fintech và AI không đơn thuần là xu hướng mà là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp Việt phát triển các sản phẩm tài chính mới, có khả năng bổ trợ hoặc tích hợp với hệ sinh thái dịch vụ toàn cầu. Đây cũng chính là cách để doanh nghiệp nội tạo ra giá trị khác biệt, khẳng định vị thế trên "sân nhà".

Đặc biệt, trong môi trường tài chính quốc tế, bảo mật tài chính và an ninh mạng là yếu tố sống còn. Việc đầu tư mạnh vào các giải pháp bảo mật đa lớp, hệ thống giám sát an ninh chủ động và đội ngũ chuyên gia phòng chống rủi ro mạng chuyên sâu sẽ là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp đủ điều kiện “ra sân”.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nắm rõ và tuân thủ các quy định tài chính quốc tế. Việc am hiểu các chuẩn mực như Basel III, FATF, ISO/IEC 27001 về an ninh thông tin, và các quy định về phòng chống rửa tiền sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự tin tưởng từ đối tác quốc tế, rút ngắn thời gian đàm phán và mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, hệ sinh thái tài chính số Viettel Money đang được đánh giá là một ví dụ điển hình cho sự chủ động, bài bản trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ và chuẩn hóa hoạt động theo tiêu chuẩn toàn cầu. Ứng dụng tài chính số chủ lực của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã mở rộng hợp tác quốc tế, mạnh tay đầu tư vào hệ thống thanh toán thời gian thực (Real-time Payment), vận dụng Generative AI vào chăm sóc khách hàng, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn thông tin, thanh toán số, kết hợp các giải pháp bảo mật đa lớp… Chiến lược này không chỉ giúp Viettel Money nâng cao “vị thế trên sân nhà”, mà còn sẵn sàng cộng hưởng vào dòng chảy đầu phát triển từ Trung tâm tài chính quốc tế.

Viettel Money sẵn sàng hội nhập vào hệ sinh thái Trung tâm tài chính quốc tế khi đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và bảo mật đa lớp, chuẩn hóa hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn: Viettel Money

Viettel Money sẵn sàng hội nhập vào hệ sinh thái Trung tâm tài chính quốc tế khi đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và bảo mật đa lớp, chuẩn hóa hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn: Viettel Money

Chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy ngành tài chính số chuyển mình mạnh mẽ, là thời cơ để Fintech Việt xác lập vị thế trên bản đồ tài chính thế giới. Do đó, doanh nghiệp nào chủ động chuẩn bị, đầu tư bài bản, am hiểu luật chơi toàn cầu và không ngừng đổi mới sáng tạo có nhiều cơ hội gặt hái thành công.

Minh Hòa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-doanh-nghiep-don-dau-thoi-co-2394652.html
Zalo