Sợi chỉ vàng kết nối thế giới văn học và đời sống của Margaret Atwood

Ngày 11/2 vừa qua, nữ văn sĩ tài hoa Margaret Atwood đã công bố tác phẩm phi hư cấu mới của mình, cuốn hồi ký 'Book of Lives: A Memoir of Sorts', dự kiến phát hành ngày 4/ 11.

Chia sẻ với The Vogue qua điện thoại sau chuyến thăm Mexico về việc ra mắt tác phẩm mới, nhà văn người Canada nói: “Tại sao lại là bây giờ ấy hả? Nhà xuất bản của tôi đã yêu cầu tôi làm vậy”.

“Khi họ lần đầu đề xuất (về một cuốn hồi ký), tôi đã nói, ‘Ồ, thế thì chán lắm’. Ý tôi là, tôi đã viết nhiều cuốn sách. Tôi đã viết cuốn sách này, rồi lại viết một cuốn sách khác... ai sẽ đọc hồi ký nữa chứ?”, Atwood bày tỏ.

Trên thực tế, bà là một trong những tác giả sáng tác nhiều nhất thế giới với 17 tiểu thuyết, 19 tập thơ, 11 tác phẩm phi hư cấu, 9 tập truyện ngắn, 8 cuốn sách thiếu nhi và 3 tiểu thuyết đồ họa kể từ năm 1969.

Hồi ký theo phong cách văn học

Tuy nhiên, ý tưởng viết hồi ký trở nên hấp dẫn hơn với bà khi nhà xuất bản cho biết họ muốn có một "cuốn hồi ký theo phong cách văn học".

 "Book of Lives: A Memoir of Sorts", dự kiến phát hành tại Mỹ vào ngày 4/11. Ảnh: The Vogue.

"Book of Lives: A Memoir of Sorts", dự kiến phát hành tại Mỹ vào ngày 4/11. Ảnh: The Vogue.

Với yêu cầu này, Atwood đã có ý tưởng mới: “Tôi nghĩ về cuộc sống của chính mình, cả những điều lớn lao và ngớ ngẩn, và nghĩ lại những điều đó đã ảnh hưởng đến việc viết sách như thế nào”.

Từ đây, cuốn Book of Lives ra đời, giống như một sợi chỉ vàng liên kết các tác phẩm văn học được ca ngợi của Atwood với sức ảnh hưởng văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của chính bà.

Khởi nguồn từ thời thơ ấu sống du mục khắp vùng cực bắc Canada đến thời gian ở Đông Berlin, nơi bà viết The Handmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ), và cả mối quan hệ hợp tác lâu dài của bà với nhà văn Graeme Gibson (cùng nhóm bạn du mục của họ) ở Alliston và Toronto, Ontario, Canada.

Xuyên suốt tác phẩm, đôi khi cuộc sống phản ánh nghệ thuật và đôi khi ngược lại, khắc họa lúc bà viết về những đỉnh núi phủ tuyết trong cuốn Cat’s Eye dưới ánh nắng chói chang của Australia. Cũng có lúc bà mô tả "niềm vui ngập tràn" khi tìm thấy những khoảnh khắc nhẹ nhàng và sáng tạo vào những lúc viết về nền chính trị bảo thủ đè nặng lên phụ nữ.

Sự trăn trở này có thể phần nào được phản ánh trong hình ảnh mặt sau của Book of Lives với một bức ảnh đen trắng của Atwood vào những năm 1970, khi đang đọc bản sao của cuốn tiểu thuyết thứ hai của bà, Surfacing. Phản ánh những suy nghĩ của bà lúc đó, Surfacing tập trung vào cuộc đấu tranh về bản sắc dân tộc và sự thiệt thòi của phụ nữ, cả trong nội tâm và bên ngoài.

Bà ngồi xếp bằng trên một chiếc ghế dài bằng gỗ, người quấn một chiếc khăn choàng lớn tại trang trại, nơi bà đang sống vào thời điểm đó. “Có rất nhiều điều về cuộc sống nông trại trong cuốn sách của tôi, phần lớn đều là điều tồi tệ”, bà nói.

 Margaret Atwood năm 1972 cùng tác phẩm Surfacing. Ảnh: The Vogue.

Margaret Atwood năm 1972 cùng tác phẩm Surfacing. Ảnh: The Vogue.

Những cung bậc cảm xúc

Khi trả lời câu hỏi về hiện tại, bà cảm nhận ra sao về những cung bậc tự sự lúc đó? Atwood chia sẻ: “Suy nghĩ sẽ thay đổi theo thời gian. Những trải nghiệm khó nhớ nhất là những năm trung niên… Còn giờ ở độ tuổi của tôi, tôi có một góc nhìn khác về chuyện gì đã xảy ra, tại sao, với ai”.

Trong quá trình viết hồi ký, Atwood đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, cười, khóc, tự làm mình ngạc nhiên và thậm chí cả đổ mồ hôi. Mặc dù nội dung những cuốn tiểu thuyết bà viết thường u ám, Atwood tự mô tả mình là “một người rất vui vẻ.”

“Sự trái ngược đó khiến nhiều người ngạc nhiên. Những điều tôi đã làm có thể bị gọi là trò hề hoặc trò gây cười!”, Atwood bày tỏ.

Không rõ đây có phải lý do để bìa trước Book of Lives sử dụng hình ảnh Atwood trong chiếc áo khoác cổ bèo nhún màu hồng cánh sen, cùng màu với đôi găng tay da bà dùng khi đặt tay lên môi đang nở một nụ cười nhẹ cùng một tiếng suỵt.

Bà chia sẻ: "Có rất nhiều quần áo được chọn cho tôi... Nhà tạo mẫu đề nghị tôi thử một số mẫu vui vẻ, nhưng tôi thậm chí đã thử đồ màu đen và cố gắng tỏ ra nghiêm túc. Nhưng sau đó, tôi đã thử đồ màu hồng và thấy nó phù hợp".

Bà đã chụp cả ba tư thế “không nghe điều xấu, không nhìn điều xấu, không nói điều xấu” và cuối cùng đội ngũ nhân sự đã chọn bức ảnh “nói” để thể hiện cho một người đã cất lên sự thật giữa những cuộc đấu tranh chính trị và hỗn loạn xã hội xuyên suốt các tác phẩm của mình.

Trong khi Atwood không muốn nghĩ đến việc độc giả sẽ đón nhận cuốn hồi ký của mình ra sao, bà chỉ mong rằng người đọc sẽ có nhiều niềm vui khi đọc Book of Lives, cũng giống như quá trình bà viết ra tác phẩm này.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/soi-chi-vang-ket-noi-the-gioi-van-hoc-va-doi-song-cua-margaret-atwood-post1531113.html
Zalo